- Hà Nội  dự kiến không cho phép dạy thêm ở bậc tiểu học. Ở các bậc học cao hơn, mỗi tuần bố trí không quá 3 buổi dạy thêm và mỗi lớp học được phép tối đa có 45 học sinh có học lưc tương đương.

  Trong một lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho HS lớp 5 chuẩn bị thi lên lớp 6 ở Hà Nội. (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung)

Trước khi trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt dự thảo quy định về dạy thêm - học thêm (DTHT), sáng 28/11, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức lấy ý kiến của các quận huyện, và một số trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn.

Ông Phạm Xuân Tiến, trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết sẽ không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ ngày. Một số trường tiểu học không đủ điều kiện cơ sở vật chất để dạy 2 buổi/ ngày cần phải xây dựng đề án dạy học 2 buổi/ ngày ngoài nhà trường trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TCCN và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm - học thêm các nội dung theo chương trình phổ thông.

Những giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của các đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Họ cũng không được phép dạy thêm ngoài nhà trường với các học sinh mà mình đang dạy chính khóa khi chưa được cho phép.

Nguyên tắc DTHT góp phần chỉnh đốn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhân cách HS, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, không gây nên tình trạng vượt quá tầm tiếp thu của người học.

Khi dạy thêm, giáo viên không cắt giảm nội dung trong chương trình chính khóa, dạy trước nội dung trong chương trình hoặc ép buộc gia đình, phụ huynh học sinh.

Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm, phân nhóm theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học.

Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm cũng phải có đơn đăng ký, cam kết hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên.

Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách, phân công giáo viên, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp. Mỗi tuần bố trí không quá 3 buổi dạy thêm và mỗi lớp học được phép tối đa có 45 học sinh có học lưc tương đương.

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức dạy thêm - học thêm công khai tại nơi dạy trước và trong khi thực hiện, gồm: Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Danh sách người dạy thêm; Mức tiền học thêm...

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, với các trường ngoài công lập có chịu quản lí của quy định dạy thêm, quy định quản lí này chỉ áp dụng đối với các trường công lập. Các trường ngoài công lập căn cứ vào thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

  • Nguyễn Hiền

Quản lí dạy thêm học thêm dễ lách luật

Không chờ đến Thông tư số 17, từ trước đến nay, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đã có quy định cấm dạy thêm với học sinh bậc tiểu học.

Ông Nguyễn Lê Huy, Trưởng Phòng Khảo thí & Kiểm định chất lượng của sở cho hay: “Cái khó là làm sao phân biệt được học thêm và phụ huynh gửi cô kèm các cháu. Thứ Bảy, nhiều phụ huynh vẫn phải đi làm, có nhu cầu gửi con tại nhà trường. Trẻ hiếu động, để tự chơi cũng khó nên cô cho bài tập theo quy định là vi phạm”.

Tương tự, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thái Nguyên (Thái Nguyên) Nguyễn Tiến Dũng lo lắng: “Trong 2 tháng hè, giáo viên có được dạy thêm không khi phụ huynh có nhu cầu?  Ở bậc THCS là đương nhiên. Còn ở bậc tiểu học, phụ huynh muốn gửi cô rèn chữ viết cho con”.

“Nhiều trường tiểu học chỉ dạy 1 buổi/ngày, buổi còn lại không dạy. Mà phụ huynh muốn gửi con cho các cô trông. Vậy sẽ xử lí ra sao? Không ra bài tập thì trẻ khó quản lí. Để các cháu ê a cầm sách nếu kiểm tra dễ bị cho là làm sai” – Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc Đặng Việt Phú bổ sung.

Quy định cấm giáo viên đang hưởng lương của đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm theo lãnh đạo các cơ sở là tốt, nhằm quản lí chặt việc giáo viên ép buộc học sinh học thêm ở nhà cô hoặc nơi cô thầy mở ra.

“Nhưng với giáo viên, đặc biệt ở bậc THPT nhiều thầy cô giỏi, khi về hưu vẫn thu hút lượng lớn học sinh có nhu cầu tham gia học. Quy định cũng không có điều kiện ràng buộc và quản lí đối tượng này. Từ đây, họ dễ dàng mời được giáo viên giỏi (còn dạy học) ở các trường về cơ sở của mình” – ông Huy phân tích.

Theo ông Huy: “Thông tư 17 phần nào gây khó cho những giáo viên giỏi, có tâm huyết và muốn cải thiện thu nhập từ việc dạy thêm bằng năng lực và nhu cầu của học sinh khi họ không thể chủ động tổ chức việc dạy và học ngoài giờ”.

Vị trưởng phòng tiếp tục chỉ ra những băn khoăn: “Với quy định hiện hành, việc được cấp phép dạy thêm - học thêm không hề đơn giản đôi khi còn nhiêu khê. Nhiều giáo viên chia HS, dạy nhóm 10 -15 em rất khó quản lí. Kiểm tra đa phần sẽ thiếu giấy phép hoạt động phần vì họ ngại và cũng bởi danh sách học sinh thường xuyên biến động”.

Văn Chung