- Mặc dù đang bận rộn với các kỳ thi căng thẳng, nhưng ở các trường học tuần qua vẫn không quên câu chuyện sôi sục cả đất nước: chuyện Trung Quốc đặt giàn khoan Haiyan 981 tại vùng biển Việt Nam.

Xếp hình Tổ quốc, ra đề thi về chủ đề yêu nước

Phản ứng tức thì và nóng bỏng, ngành giáo dục ra chỉ thị nhắc nhở các trường học "hát sống" Quốc ca tại các lễ chào cờ trong ngày thứ 2 đầu tuần, xuất phát từ ý tưởng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một lần làm việc với lãnh đạo ngành (ông Đam nói chuyện "bây giờ nhiều trường tổ chức lễ chào cờ cứ bật băng có sẵn chứ không để học sinh tự hát).

Tiếp đó, học sinh các trường học, từ Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng rồi Hà Nội đã tổ chức xếp hình tổ quốc. Trong các đề thi cuối năm, từ cấp tiểu học và ở nhiều môn học, các thầy cô giáo đã ra các đề thi khơi gợi tinh thần yêu nước.

 

 

Được nhắc tới nhiều trong tuần vừa rồi là việc cô giáo Trịnh Thu Tuyết ở Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã rất nhạy bén với thời sự, khi lấy ngữ liệu là bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của tác giả Nguyễn Việt Chiến để đưa vào một đề bài môn Ngữ văn hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp theo mẫu mới mà Bộ GD-ĐT sắp áp dụng. Nhiều thầy cô giáo ở các trường THPT cho biết, để giúp học sinh làm quen với mẫu đề thi mới, họ cũng đưa các câu hỏi khơi gợi tinh thần yêu nước cho học sinh.

Không chỉ tổ chức chào cờ, xếp nghi thức, trường THCS Tô Hoàng ở Hà Nội, đã có cách biểu thị tinh thần tự tôn dân tộc "dài hơi" hơn khi thể hiện tư tưởng thoát khỏi cái bóng ám ảnh của Khổng giáo trong trường học. Từ năm học này, trường đã thay biển hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" (của Khổng Tử), bằng các câu của người Việt ("Hiền tài là nguyên khí quốc gia") và UNESCO ("Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình"), nhưng quan trọng hơn là trong cách dạy dỗ học sinh, nhà trường cũng thay đổi cách tiếp cận.

Để yêu nước, phải học

Ngày Chủ Nhật 11/5, nhiều người dân Việt Nam ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Phòng,v.v... đã xuống đường tuần hành, phản đối hành vi của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Haiyang 891 tại vùng biển Việt Nam. Câu chuyện về lòng yêu nước lại được dịp bùng lên sôi nổi.

Nhân sự kiện ngày của Mẹ (ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng 5), khi trao đổi với VietNamNet, chị Hồ Thị Hải Âu, người mẹ có con gái trúng học bổng toànphần của Harvard chia sẻ:

"Mình thầm nghĩ, tình yêu nước đâu cứ phải đăng đàn hay hô hào những điều to tát, hãy cần mẫn bền bỉ ươm trồng những mầm non khỏe mạnh, cũng là cách thể hiện đầy trách nhiệm trước non sông".
Khi được hỏi "dạy con về lòng yêu nước như thế nào", chị chia sẻ hay nói chuyện với con về sức mạnh của nội lực: có những quốc gia, vùng lãnh thổ nhỏ bé nhưng các nước lớn không thể xâm hại hay “bắt nạt”, bởi họ đã xây dựng cho mình nội lực mạnh.

Chia sẻ của người mẹ này đã gặp sự tương đồng từ một người cha khác, anh bày tỏ: "Nếu muốn thay đổi cái định mệnh nghìn năm "bị ngoại xâm và chiến thắng ngoại xâm" của Việt Nam, không có cách nào khác là bắt đầu từ một nền giáo dục mới để tạo dựng những thế hệ người Việt mới".

Đây cũng là quan điểm của nhà báo Hồng Phúc khi chị viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn: "Để yêu nước, phải học. Tôi vẫn tin như vậy, dù biết niềm tin đó có vẻ sách vở". 

{keywords}
Những "từ khóa" về giáo dục được treo tại hành lang một trường THPT. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sau khi nhận thấy sự bày tỏ lòng yêu nước, trách nhiệm với tổ quốc ‘nhầm chỗ’ của người lao động ở Bình Dương, Vũng Áng...trong những ngày qua, chị kể các câu chuyện của công nhân Đức, công nhân Hàn Quốc được đào tạo và dạy dỗ, từ cách uống nước khi giải lao, cách ăn trưa, cách vệ sinh cá nhân ở nhà và trước khi vào nhà máy cho gọn gàng, thoải mái nhất khi làm việc, giao tiếp với đồng sự thế nào, nói câu dài hay ngắn, để cả ngày làm việc không mệt mỏi mà không bị cảm giác tách biệt, xa cách với công ty và đồng nghiệp,v.v...

Điều quan trọng, người công nhân không có cảm giác tự ti của giai cấp công nhân như anh cảm thấy ở xã hội Việt Nam. Anh và bạn bè luôn tự hào vì mình là kỹ sư, là giai cấp công nhân nhưng không hề kém cạnh trong sự hòa nhập với xã hội tri thức.

Đại học, học..đại

Không sôi sục ở bề mặt nhưng đầy gay gắt ở bên trong là cuộc thi vào đại học.

Năm nay, theo thống kê sơ bộ từ 63 tỉnh thành, lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào đại học giảm. Chưa có những phân tích kỹ lưỡng về nguyên nhân của hiện tượng này, nhưng có thể là một chỉ dấu của chất lượng đào tạo đại học.

Báo Thanh Niên phản ánh vấn đề "học..đại" ở đại học:  Có nhiều nguyên nhân người tốt nghiệp đại học thất nghiệp, nhưng lý do khá quan trọng là việc thành lập ồ ạt trường ĐH và chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội. Phần lớn trường ĐH, CĐ hiện chỉ đào tạo những gì mình có mà không chú ý cái xã hội cần, chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Cuối tuần, thông tin 3 trường ĐH của Việt Nam (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội) có mặt trong bảng 300 trường đạihọc hàng đầu châu Á, theo bảng xếp hạng của tổ chức QS cho thấy những nỗ lực "điểm mặt ghi tên" của các cơ sở đào tạo đại học nước nhà trong bản đồ đại học thế giới.

Tuy nhiên, điều thiết thực hơn cả là trách nhiệm tạo ra các công dân "yêu nước có học", tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng lao động, cạnh tranh được với quốc tế để thúc đẩy nội lực kinh tế Việt Nam phát triển...là một mệnh lệnh của cuộc sống đang đặt ra ráo riết cho hệ thống giáo dục hiện nay.

Song Nguyên (tổng hợp)