- Tuần này, trong khi nhà quản lý giáo dục đang cân nhắc đổi hay không đổi thi tốt nghiệp, duy trì hay giải tán các nhóm trẻ không phép thì giới trẻ vẫn tiếp tục nhầm lẫn bảng vàng ở Văn Miếu và theo dấu "cha đẻ" Flappy Bird trên mạng xã hội của anh.

"Đổi hay chưa đổi"?

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT (thường được công bố vào cuối tháng 3), từ cuối năm 2013, Bộ GD-ĐT đã đưa phương án thay đổi, dự kiến làm luôn từ năm 2014.

Theo đó, phương án đang được hướng tới là: học sinh sẽ thi 4 môn (thay vì 6 môn như lâu nay), trong đó chỉ bắt buộc thi hai môn văn và toán, còn 2 môn thì được tự chọn. Môn Ngoại ngữ sẽ không thuộc diện tự chọn mà chỉ cộng điểm khuyến khích. Bên cạnh đó, sẽ miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh.

Sau khi đưa dự thảo, có hai vấn đề đang còn tranh cãi nhiều là tỷ lệ miễn thi 20% và vị trí của môn Ngoại ngữ (nên đưa vào thành tự chọn).

Đặc biệt, một luồng dư luận khác lại đặt vấn đề: chưa nên thay đổi, mà nghĩ tới chuyện dài hơi hơn như tiến tới một kỳ thi quốc gia chung (sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH), rồi sử dụng một bài thi chung.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lắng nghe ý kiến từ hội nghị. Ảnh: Văn Chung

Vào ngày 13/2, tại hội nghị chuyên môn của ngành giáo dục, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo giáo dục 63 tỉnh, thành; vấn đề này tiếp tục đặt ra nóng bỏng.

Góp ý về các giải pháp cụ thể, hầu hết lãnh đạo giáo dục địa phương đồng tình với việc thi 4 môn; xem xét đưa môn Ngoại ngữ thành tự chọn; và còn băn khoăn với tỷ lệ miễn thi 20%.

Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị tập trung vào "trận đánh lớn" của ngành giáo dục, đó là đổi mới thi cử.

Ông nhấn mạnh rằng việc đổi mới thi phải bàn kỹ vì công việc đổi mới không chỉ làm trong một năm. Ông cũng lưu ý tới việc kỳ thi phổ thông phải gắn liền với thi tuyển sinh ĐH chứ không thể tách riêng. Và điều quan trọng là "đừng để học sinh hồi hộp" trước những thay đổi bất ngờ.

Như vậy "nút bấm" của "trận đánh lớn" đổi mới giáo dục là thi cử đến nay vẫn đang được cân nhắc.

"Phép" hay "không phép"?

Cũng liên quan tới một "cú hích" từ cuối năm 2013: Sau khi sự việc bạo hành trẻ mầm non gây chấn động, lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều cuộc họp để giải quyết bất cập của lĩnh vực này.

Đầu tuần này, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện 24 quận, huyện; các cấp ủy, chính quyền địa phương về các nhóm, lớp, trường mầm non tư thục không phép.

{keywords}

Một nhóm trẻ gia đình không phép ở TP.HCM. Ảnh: Lê Huyền

Kết quả kiểm tra 1.028 nhóm, lớp, trường mầm non tư thục không phép cho thấy số nhóm, lớp, trường mầm non không đủ điều kiện hoạt động chiếm 84,2%.

Thành phố đã hướng dẫn 162 nhóm, lớp, trường đủ điều kiện cấp phép; giải tán 866 nhóm, lớp, trường không đủ điều kiện về cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, khó có thể "giơ cao" ý chí giải tán khi nhìn vào thực tế. Quận Thủ Đức, nơi có nhiều nhóm trẻ không phép nhất thành phố (307) cho rằng chưa thể giải tán khi hầu hết hết các trường mầm non công lập đều không nhận giữ trẻ 6 - 12 tháng tuổi.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn kiến nghị, các quận, huyện cần quan tâm đầu tư xây dựng trường mầm non ở 11 phường chưa có trường mầm non công lập; đề nghị xin thí điểm thực hiện nhận trẻ từ 6 tháng tuổi tại 8 cơ sở công lập của 8 quận, huyện tập trung đông người lao động.

Nghịch cảnh đi học trời lạnh giá

Với nhiều phụ huynh, học sinh trong tuần qua, mối quan tâm hàng ngày lại là chuyện "đi học trời rét".

Sau kỳ nghỉ Tết dài (tới nửa tháng), học sinh uể oải tới trường.  Nhiệt độ tại Hà Nội liên tục xuống thấp khiến việc đến trường của học sinh khá vất vả còn phụ huynh “bọc” con kín mít đến trường dưới cái lạnh dưới 10 độ C.

{keywords}

Khoảng 100 học sinh phải ở ghép với nhau trong những túp lều tranh chật hẹp, nhếch nhác, tự nương tựa vào nhau vì gia đình ở xa rất ít khi có điều kiện đến thăm. Dù rất cố gắng, nhà trường cũng chỉ lo được cho các em mỗi ngày 1 bữa cơm tập thể (bữa cơm trưa), còn lại các em phải tự lo liệu. Ảnh: Cao Thái.

Trong khi đó, ở Nghệ An, nhiều học sinh ở chen chúc trong những lều tranh tạm bợ nhỏ xíu. Để duy trì việc học tập, các em phải sống qua ngày với những bữa cơm thiếu đói, có khi chỉ là bát cơm ăn với muối trắng, nước lã.

Nhầm giá để đồ thành bảng vàng

Dịp đầu năm, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón khá nhiều bạn trẻ, phụ huynh tới cầu đỗ đạt, may mắn trên con đường thi cử, danh vọng. Từ sự chưa hiểu biết, sùng tín, nhiều người nhầm tưởng giá để đồ là bảng vàng nên cầu ước cả ở chỗ này.  

{keywords}

Giá để đồ trong gian thờ Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chằng chịt tên khắc. (Ảnh: Văn Chung)

Nguyễn Hà Đông qua "góc của Joe"

Nhân vật trẻ được dư luận chú ý hai tuần qua là một cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Nguyễn Hà Đông, tác giả của trò chơi Flappy Bird khiến cả thế giới cuốn theo.

Khác với nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay thường dùng mạng xã hội phổ biến là Facebook, Nguyễn Hà Đông sử dụng mạng Tweeter. Hầu như không xuất hiện trước truyền thông, nhưng qua những dòng "tweet" ngắn gọn với 140 ký tự, một góc chân dung của Đông cũng được tái hiện, với sự giới thiệu của Joe, chàng trai người Canada viết blog tiếng Việt nổi tiếng một thời.

  • Song Nguyên (tổng hợp)