4 trường được quyền tự chủ dự kiến sẽ tăng học phí trong năm học 2014 - 2015 là ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Kinh tế TP.HCM. Nhiều đại học ngoài công lập cũng ồ ạt tăng học phí trong năm học này.
Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn không tăng học phí suốt ba năm học. Ảnh Lê Huyền |
Chờ “dấu đỏ” sẽ tăng
Ông Bùi Kim Cương, Trưởng phòng Tài chính – Kế toán trường ĐH Hà Nội cho biết học kỳ I này trường vẫn đang thu học phí theo Nghị định 49.
“Chắc chắn học phí sẽ phải tăng, nhưng chúng tôi phải chờ tới khi có quyết định chính thức của Chính phủ. Nếu quyết định có sớm trong thời gian từ nay đến cuối năm 2014 thì cũng phải tới đầu học kỳ II của năm học này, tức là đầu năm 2015, mới tăng”.
Mức tăng nếu áp dụng, theo ông Cương, sẽ từ 5 – 10% đối với khóa sinh viên cũ. “Hiện nay học phí hệ chính quy trường đang ở mức 5,5 triệu đồng/ năm. Nếu tăng lên chỉ ở mức khoảng 6 – 6,5 triệu đồng/ năm.
Khóa mới nhập học theo quy định không được phép tăng nhiều”.
Không tiết lộ khung học phí tối đa trường đề xuất Chính phủ phê duyệt, ông Cương chỉ cho biết “Có thể Chính phủ cho phép tăng cao hơn nữa nhưng có lẽ trường không dám.
Trường tăng học phí là đương nhiên để bù lại cho số kinh phí không được Nhà nước cấp. Nhưng trường cũng tính đến các yếu tố khác như tính nhân văn, học phí trường bạn… để còn tiếp tục thu hút sinh viên đến với trường”.
Ông Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, cũng cho biết trường đang chờ quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ.
Trường sẽ có lộ trình tăng học phí phù hợp nếu được thực hiện ngay trong năm nay. Cụ thể, mức học phí mới sẽ chỉ áp dụng đối với sinh viên khóa mới nhập học năm 2014 - 2015. Còn những sinh viên các khóa cũ vẫn áp dụng theo mức dựa vào Nghị định 49 của Chính phủ.
Và mức học phí mới ở học kỳ II nếu được thực hiện sẽ có thể sẽ tăng thêm 50% so với hiện tại, tức nằm ở mức khoảng 9 triệu đồng/ sinh viên/ năm đối với chương trình đại trà.
Các năm sau sẽ tiếp tục tăng dần. Năm học 2015 - 2016 có thể thu ở mức từ 11 - 12 triệu đồng/sinh viên/ năm.
Ông Châu cũng cho biết trong đề án đã trình Chính phủ, mức tăng tối đa của học phí hệ đại trà là 17 - 18 triệu đồng/ sinh viên/ năm, áp dụng chung cho tất cả các ngành. Các chương trình đặc biệt không tăng nhiều như đại trà.
ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến học phí tăng lên khoảng 10 triệu đồng/ năm.
Ông Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính nhà trường cho biết mức học phí một sinh viên hiện phải đóng khoảng 5 triệu đồng/ năm học. Khi trường thực hiện tự chủ, không còn nguồn ngân sách Nhà nước, chắc chắn trường phải tăng học phí nhưng sẽ theo lộ trình và theo ngành, tránh gây sốc.
Theo tính toán, ước tính chi phí một suất đào tạo của trường khoảng 10 triệu đồng/ năm/ sinh viên. Đối với một số ngành khuyến khích người học nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực như kinh tế chính trị, kinh tế nông nghiệp, thống kê mức học phí không dao động nhiều và sẽ thấp hơn mức đầu tư trung bình.
Ông Nhựt cho rằng, với mức tăng học phí mới, nhà trường sử dụng nguồn kinh phí này đầu tư thiết kế lại chương trình đào tạo theo hướng chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, sinh viên sử dụng giáo trình nước ngoài bằng tiếng Việt trong 2 năm đầu và tiếng Anh trong 2 năm cuối; Đầu tư lại cơ sở vật chất để học sinh học đàng hoàng, nghiêm túc; Đầu tư, phát triển lại đổi ngũ chuyên môn, giảng viên của trường tối thiểu phải có trình độ thạc sĩ và khuyến khích giảng viên có bằng tiến sĩ nước ngoài...
Ngoài ra để hỗ trợ sinh viên, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sử dụng toàn bộ học phí để gửi ngân hàng. Toàn bộ lãi suất được sử dụng làm quỹ khuyến học cho sinh viên và sử dụng làm quỹ tín dụng sinh viên. Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi được tài trợ học bổng từ nguồn quỹ khuyến học, những em còn lại có thể vay từ quỹ tín dụng.
Ngoài 4 trường được trao quyền tự chủ, dù có tăng thì các đại học công lập khác vẫn duy trì học phí theo khung quy định của Nghị định 49. Học phí ĐH Y Dược TP.HCM năm nay là 8 triệu đồng/ năm. Các năm học trước mức học phí cùa trường 6,5 triệu đồng/ năm.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM mức học phí thông báo cho học sinh nhập học năm nay cho học kì I là khoảng 1,3 triệu đồng.
Trong khi đó học phí năm 2014 của ĐH Sư phạm TP.HCM với ĐH hệ chính quy các ngành KHXH 4,8 triệu đồng/ năm; KHTN 5,2 triệu đồng/ năm; Ngoại ngữ 5,6 triệu đồng/ năm; Hệ cao học 7,2 - 8,4 triệu đồng/ năm; Hệ vừa học vừa làm 6,5 - 7,5 triệu đồng/ năm...
Mức học phí cho bậc ĐH ở ĐH Việt Đức từ 56 - 62 triệu đồng/ năm, bậc cao học toàn thời gian 50 triệu đồng/ năm, cao học bán thời gian 62 triệu đồng/ năm và chương trình MBA 90 triệu đồng/ năm.
Ngoài công lập tăng rầm rộ
Trong khi đó, nhiều trường đại học ngoài công lập khác cùng ồ ạt tăng học phí trong năm học này.
Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đã tăng từ 12 - 14 triệu đồng/ năm lên 18 triệu đồng/ năm, trong đó ngành Kỹ Thuật công nghệ có học phí cao nhất.
Trường ĐH Quốc Tế Miền Đông học phí hệ ĐH khoa Quản trị kinh doanh tăng lên 30 triệu đồng/ năm, khoa Kỹ thuật - Công nghệ 20 triệu đồng/ năm; khoa Điều dưỡng 15 triệu đồng/ năm.
Ở hệ cao đẳng, học phí các khoa trên tương ứng là 23,5 triệu/ năm; 13,5 triệu đồng/ năm và 9,5 triệu đồng/ năm. Ngoài ra sinh viên cả hai hệ ĐH và CĐ học tiếng Anh với mức phí 42,5 triệu đồng/ 1000 giờ học (đã được hỗ trợ 50%). Mức học phí này được duy trì đến năm 2016.
Năm 2014 – 2015, mức học phí hệ CĐ và ĐH dành cho sinh viên Việt Nam giảng dạy bằng tiếng Việt tại trường ĐH Quốc Tế Sài Gòn là 43,5 - 49,8 triệu đồng/ năm tùy theo ngành học. Mức học phí giảng dạy bằng tiếng Anh từ 111 - 122 triệu đồng/ năm.
Học phí hệ ĐH tại trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM từ 17,5 - 19,5 triệu đồng/ năm tùy ngành học.
Học phí ở ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm 2014 - 2015 dao động từ 15 - 19 triệu đồng/ năm, tăng 2 triệu đồng/ năm so với năm học trước.
Lê Huyền – Ngân Anh