- Sau khi đăng tải một số ý kiên tại buổi toạ đàm góp ý cho chương trình Ngữ văn, VietNamNet nhận được bài viết của PGS Đỗ Ngọc Thống với tiêu đề “Một vài ý kiến về chương trình ngữ văn”, nhằm giải trình lại một số vấn đề. Dưới đây toà soạn trân trọng giới thiệu bài viết.
1.Về vấn đề xây dựng chương trình mở
Một số ý kiến lo rằng độ mở của chương trình quá lớn sẽ khó kiểm soát, khó đảm bảo sự thống nhất giữa các SGK.
Thực ra, việc xây dựng CT mở, linh hoạt, mềm dẻo là yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ: “Chương trình mới phải xác định cụ thể nội dung và yêu cầu cần đạt đối với mỗi lớp nhưng không quá chi tiết để căn cứ vào chương trình biên soạn được nhiều sách giáo khoa”. Nếu CT quy định cụ thể, chi tiết đến từng tác phẩm văn học hoặc trích đoạn tác phẩm ở từng lớp thì sẽ khó thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, đa dạng hóa SGKcủa Nghị quyết 88. Đây cũng là xu thế chung về CT môn học này của các nước có nền giáo dục phát triển.
Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở khoảng 20% - 25% thôi. Chúng tôi cho rằng, nếu ai đó có ý định đưa tác phẩm có hại vào SGK thì CT chỉ cần mở 5% cũng luồn vào được.
Nhưng “kiểm soát” điều này không khó, vì để xuất bản được, SGK phải qua nhiều“lưới lọc”.
Trước hết, việc lựa chọn tác phẩm phải tuân thủ các tiêu chí đã quy định ngay trong CT môn học. Thứ hai, SGK phải tuân thủ các tiêu chuẩn SGK được quy định tại Thông tư số 33 của Bộ GD-ĐT. Tiếp theo, SGK phải qua biên tập của nhà xuất bản.
Cuối cùng, SGK phải được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK xem xét, thông qua thì mới có thể được xuất bản. Đó là chưa kể tất cả các SGK đều chịu sự đánh giá, sàng lọc của giáo viên (GV) và học sinh (HS) trong khi sử dụng.
2. Về việc quy định “6 tác phẩm bắt buộc”
Một số ý kiến đề nghị mở rộng thêm số tác phẩm bắt buộc vì cho rằng 6 tác phẩm chỉ nghiêng về chủ đề, cảm hứng yêu nước và nhân đạo, chưa đa dạng về thể loại, phần lớn là tác phẩm trung đại.
Thực ra, quy định 6 tác phẩm bắt buộc cũng là để điều chỉnh độ mở của CT, bảo đảm những tác phẩm đỉnh cao này của văn học dân tộc có mặt trong SGK Ngữ văn của bất kì tổ chức, cá nhân nào. Đúng là 6 tác phẩm này nghiêng về chủ đề, cảm hứng yêu nước và nhân đạo, chưa đa dạng về thể loại. Nhưng ngoài 6 tác phẩm có vị trí rất đặc biệt này, với trên 2.500 giờ Ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12, SGK còn phải dạy hàng trăm tác phẩm, trích đoạn tác phẩm nữa với nhiều chủ đề, nhiều thể loại khác nhau, tạo thành hệ thống tri thức văn học hoàn chỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lắng nghe các ý kiến khác nhau và sẽ tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn giải pháp bảo đảm CT vừa có độ mở, vừa đáp ứng được các yêu cầu cốt lõi của học vấn phổ thông.
3. Về mối quan hệ giữa nội dung “phần Tiếng Việt” với “phần Văn học”
Do hiểu các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) quá hẹp nên một số người cho rằng CT nặng về “tiếng” mà nhẹ về “văn”. Thực tế không phải như vậy.
Một CT giáo dục theo định hướng phát triển năng lực phải xuất phát từ các yêu cầu cần đạt về năng lực của học sinh (HS) để xác định nội dung dạy học.Với môn Ngữ văn, năng lực phải được và chỉ được thể hiện qua các hoạt động đọc, viết, nói và nghe (có nước thêm kỹ năng nhìn -viewing và trình bày- presenting). Các kỹ năng này cần được hiểu theo nghĩa rộng, chẳng hạn: Đọc không chỉ là đọc thành tiếng, đọc thầm mà còn là đọc diễn cảm, đọc hiểu, đọc thẩm mỹ, đọc sáng tạo. Đọc hiểu không chỉ là nắm được thông tin khách quan, bề nổi; thông tin hàm ẩn, chìm khuất sau câu chữ văn bản (thông điệp nằm trên, giữa và ngoài dòng chữ), mà hiểu còn là sự vỡ ra, thấu hiểu con người, sự việc trong văn bản; quan trọng hơn là còn là hiểu ra, ngộ ra về chính bản thân mình; từ đó mà buồn hay vui;yêu thương hay căm giận, … Giáo dục nhân cách, bồi dưỡng tình cảm qua văn học cũng từ đây mới lâu bền và sâu sắc.
Nói cách khác, nhiệm vụ, chức năng và sứ mệnh cao cả của dạy học Ngữ văn trong giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người chỉ được thực hiện tốt thông qua việc đọccủa HS. Thông qua đọc và bằng việc đọc của chính người học, mọi sự giáo dục ở môn học này đều kém hiệu quả. Đánh giá năng lực Ngữ văn lại cũng phải căn cứ vào kết quả đọc, viết. HS phải nói ra, viết ra nội dung hiểu của mình qua đọc một văn bản nào đó. Nếu không hiểu trực tiếp qua đọc, HS chỉ có thể nói vu vơ và chép lại văn mẫu. Ngoài ra, một yêu cầu khác quan trọng không kém yêu cầu hiểu là cách đọc. Phải hình thành và phát triển cho HS năng lực biết đọc để các em có thể tự khám phá, tự đọc và học suốt đời.
Như thế dạy đọc nêu trong dự thảo CT chính là dạy văn, thay cho hoạt động thầy giảng văn cho HS nghe lâu nay, chứ không đơn giản là dạy tiếng Việt. Để phát triển năng lực đọc, thầy giúp cho HS biết cách đọc qua một tác phẩm cụ thể. VàHS cũng không chỉ cần đọc hiểu văn bản văn học, mà trong cuộc sống các em phải tiếp xúc, phải đọc rất nhiều văn bản thông tin và văn bản nghị luận. Với ý nghĩa đó, CT lấy 4 kỹ năng làm trục để phát triển năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ, nhân văn.
4. Về quan hệ giữa kỹ năng và kiến thức
Một số ý kiến đề nghị bổ sung chuẩn kiến thức bên cạnh các chuẩn kỹ năng; tăng thêm kiến thức về lịch sử văn học.
CT giáo dục theo định hướng phát triển năng lực coi trọng mục tiêu “HS làm được gì?”, chứ không phải “HS biết những gì?”.
CT Ngữ văn hiện hành và các CT trước đây theo định hướng nội dung nên thường chú trọng trang bị kiến thức lý luận, kiến thức văn học sử cho đầy đủ, và khi triển khai thành SGK thường biên soạn thành các bài lý luận, văn học sử rất hàn lâm, nặng nề. CT lần này chỉ dạy những kiến thức văn học sử giúp cho HS đọc hiểu tác phẩm tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu cần đạt như: “Biết vận dụng hiểu biết về lịch sử văn học Việt Nam để đánh giá, phê bình văn bản văn học”, “Biết vận dụng kiến thức về lịch sử văn học và kỹ năng tra cứu để sắp xếp các tác phẩm, tác giả theo tiến trình lịch sử văn học; biết đặt tác phẩm trong bối cảnh sáng tác và bối cảnh hiện tại để có đánh giá phù hợp”. CT quy định đến cuối cấp THCS và THPT, HS cần có hiểu biết “Sơ giản về lịch sử văn học và vai trò của kiến thức nền về lịch sử văn học trong đọc hiểu VB”. Như thế có nghĩa là cần phải khái quát, hệ thống hóa tiến trình lịch sử văn học, tác giả, tác phẩm lớn trong các giai đoạn bằng các hình thức khác nhau một cách sinh động, nhẹ nhàng. Nhưng đấy là việc của SGK.
5. Về đề nghị “dỡ ra làm lại CT”
Trong tọa đàm, có ý kiến cho rằng chương trình môn Ngữ văn phải “dỡ ra làm lại” vì trên thế giới không nước nào có môn Ngữ văn.
Là những người nghiên cứu CT giáo dục phổ thông hàng chục năm nay và có trong tay CT của hầu hết các nước có nền giáo dục tiên tiến, chúng tôi khẳng định là không nước nào không có môn Ngữ văn. Trung Quốc gọi tên môn học này là Ngữ văn. Các nước nói tiếng Anh gọi là English, các nước nói tiếng Pháp gọi là Francais,… nhưng đó không đơn thuần là dạy tiếng Anh hay tiếng Pháp mà là dạy ngôn ngữ và văn học Anh, Pháp,... Nếu tách môn Ngữ văn thành 2 môn, tách CT Ngữ văn thành 2 CT thì cần thêm bao nhiêu giáo viên? Quan trọng hơn, điều đó trái với tinh thần tích hợp của CT mới, đồng thời không phù hợp với đặc trưng của văn học là nghệ thuật ngôn từ.
Việc góp ý, nhận xét của mọi tầng lớp trong xã hội là cần thiết và có ích cho Ban soạn thảo trong việc hoàn thiện CT. Với tinh thần đó, chúng tôi trân trọng tất cả các đóng góp cho dự thảo, đồng thời sẵn sàng giải trình về các vấn đề chưa có ý kiến thống nhất để đạt đến sự đồng thuận cao hơn.
PGS Đỗ Ngọc Thống
* Toà soạn đặt lại tiêu đề
"Chọn tác phẩm cho chương trình Ngữ văn khó như khách mời đám cưới"
Các giảng viên văn gạo cội ở trường đại học bày tỏ băn khoăn về dự thảo chương trình Ngữ văn mới nhẹ phần văn, nặng phần ngữ.
Đề xuất thêm tác phẩm bắt buộc trong chương trình Ngữ văn mới
Cần có cái nhìn kết hợp giữa thể loại và lịch đại trong lựa chọn, biên soạn môn Ngữ văn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Dù có lưu ý vị trí tác gia nhưng không nên bị mặc định điều đó trong lựa chọn.
Đáp án tham khảo đề minh họa môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2018
VietNamNet xin giới thiệu đáp án tham khảo cho đề thi minh họa môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.
Đề thi minh họa môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2018
Bộ GD-ĐT vừa công bố đề thi minh họa môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho các học sinh tham khảo và làm quen.
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Dự thảo môn Ngữ văn
Dưới đây là dự thảo môn Ngữ văn chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD-ĐT công bố chiều 19/1.