- Độc giả Ngô Đức Thế (Đại học Quốc gia Singapore) đã có phản hồi bài viết  “Một lời khuyên ý nghĩa”của Hạnh Anh ở một số điểm và muốn được chia sẻ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Bài viết của Hạnh Anh có kể lại thời sinh viên của tác giả khi cố gắng tìm một công việc làm thêm để trang trải cho cuộc sống sinh viên khó khăn, đã nhận được một lời khuyên từ một người chủ (cần tuyển người làm) rằng nên tập trung vào học tập thay vì mất thời gian đi làm thêm.

Có lẽ đây cũng là thông điệp mà tác giả muốn chuyển đến các bạn sinh viên hiện nay: nên tập trung vào học tập tốt, việc làm thêm có thể gây ảnh hưởng không tốt đến việc học tập. Ở một khía cạnh nào đó, tôi đánh giá cao lời khuyên này khi nhắc nhở các bạn sinh viên đừng bao giờ quên việc học và đảm bảo học tốt bài học trên lớp. Nhưng tôi lại không cùng quan điểm với tác giả ở một số điểm và muốn được chia sẻ.

Nên làm thêm...

Sinh viên có nên làm thêm hay không? Tôi nghĩ là nên, nhất là trong thời kỳ vật giá leo thang, đời sống có nhiều khó khăn như hiện nay. Làm thêm sẽ giúp giảm gánh nặng rất nhiều cho gia đình, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp (nông dân, công chức thấp…).

Ở Việt Nam, có lẽ việc làm thêm phổ biến nhất với sinh viên là đi dạy gia sư (chiếm phần lớn), còn những việc liên quan đến lao động tay chân (công trường, làm phục vụ bàn nhà hàng…) thường không được các bạn sinh viên thiện cảm cho lắm. Có lẽ đó cũng là lý do khiến cho các bạn sinh viên Đại học Ngoại thương tham gia thực tập tại Singapore cảm thấy bị “bóc lột” khi phải làm toàn các việc lao động chân tay. Bình luận về vấn đề này, nhiều người bạn của tôi (những người từng nhiều năm lăn lộn ở nước ngoài) đều mỉm cười bảo: sinh viên ở ta hình như coi lao động chân tay là thấp kém hay sao vậy?

Là những người đã từng nhiều năm du học ở nước ngoài, tôi và các bạn của tôi (chúng tôi từng đi làm thêm kiếm sống khi học ở nước ngoài) thường thấy hơi khó hiểu với cách tiếp cận cuộc sống của sinh viên Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tính tự lập của sinh viên. Nếu sang các nước phát triển, chúng ta dễ dàng gặp cảnh một sinh viên đi làm thêm kiếm sống bằng đủ thứ nghề, từ lao động tay chân (bồi bàn, phụ bếp, khuân vác, vệ sinh nhà cửa, bán báo…) cho đến các nghề nhẹ hơn một chút (phiên dịch,…). Ngay cả những người Việt Nam đi du học cũng không ngần ngại làm thêm kiếm tiền hợp pháp bằng chính sức lao động, bằng mồ hôi nước mắt của mình.

Nhắc lại thời du học ở Melbourne (Australia), có lẽ chị TTVA (hiện đang làm giám đốc tài chính một tập đoàn lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh) chắc sẽ không thể quên thời sinh viên đi làm dọn nhà thuê mỗi ngày cuối tuần; hay anh VHN, thạc sĩ đầu tư tài chính đang làm cho Bảo Việt sẽ luôn nhớ thời sinh viên ở xứ Scotland, cứ mỗi tối lại làm bồi bàn trong nhà hàng buffet lớn nhất thành phố Glasgow… VHN nói với tôi một điều về vấn đề làm thêm: “Học lý thuyết giỏi là rất tốt, nhưng cũng đừng coi nhẹ thực hành, dù là những việc nhỏ nhất”.

Giúp hoàn thiện nhiều kỹ năng

Làm thêm không chỉ giúp trang trải một phần cuộc sống, mà còn đem lại một điều quan trọng hơn mà không một trường học nào có thể dạy, đó là những kinh nghiệm thực từ cuộc sống, những trải nghiệm rất sâu sắc của cuộc sống và mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, những công việc này cũng giúp hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng: khả năng giao tiếp, tính tự lập, tính kiên nhẫn, cần cù,… đồng thời hiểu được giá trị của những đồng tiền và sức lao động.

Có lẽ điều này còn chưa phổ biến ở sinh viên Việt Nam, những người vẫn chủ yếu trông chờ vào “trợ cấp” hàng tháng của cha mẹ và chưa được khuyến khích tự lập. Và lời khuyên của tác giả Hạnh Anh: “đừng ham đi làm và cần phải tập trung vào học tập; học thêm ngoại ngữ, máy tính thật giỏi kết hợp với việc học tích lũy kiến thức ở trường” có lẽ sẽ củng cỗ thêm cái suy nghĩ “thâm căn cố đế” trong người Việt Nam: “kiếm sống là việc của cha mẹ, ta còn đi học chỉ cần biết học thôi”.

Với những hình ảnh nhiều ông bố bà mẹ tuổi đã cao làm vất vả bằng nhiều nghề, chắt chiu từng đồng bạc để gửi cho con mình đi học, dường như có một sự bất công trong xã hội. Đồng ý rằng việc học tập tốt là rất quan trọng, nhưng xét cho cùng, việc học trên lớp cũng chỉ chiếm dưới 50% tổng thời gian. Với hơn 50% thời gian còn lại, sinh viên hoàn toàn có thể giành một số giờ nhất định làm các công việc phù hợp với sức khỏe, thời gian…, vừa trang trải thêm chi phí học tập giúp cha mẹ, đồng thời hiểu hơn về cuộc sống và hiểu hơn về giá trị đồng tiền.

Cái triết lý coi việc học trên lớp như một khuôn sáo cần phải bảo vệ, coi những việc lao động kiếm sống là “không cần thiết” và “phí thời gian” có vẻ như đang giết chết khát vọng tự lập của giới trẻ.

Tất nhiên, bất kỳ một sinh viên nào cũng nên đảm bảo tốt cho công việc học của mình. Nhưng cũng đừng bao giờ coi rằng chỉ nên hoàn toàn tập trung vào việc học mà ngại ngần tự lập kiếm sống. Tự lập không chỉ là giúp cha mẹ gia đình, mà chính là giúp cho bản thân mình để tạo lập cho cuộc sống cho tương lai.

Tôi xin được trích dẫn lời của doanh nhân, chủ của một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam: “Chừng nào còn quan điểm như thế này (chỉ nên tập trung học) về cái sự học, chúng ta còn nghèo”.

  • Ngô Đức Thế (Đại học Quốc gia Singapore)