- Yếu kém, chứa chất nguy cơ tham nhũng là góc nhìn thẳng thắn của GS Đặng Hùng Võ về câu chuyện quản lý đất công hiện nay.
Mới đây, trong cuộc làm việc với Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, nguồn lực đất công ở nước ta vẫn còn rất lớn, tuy nhiên có tình trạng sử dụng tùy tiện và chưa hiệu quả. Đây chính là tâm điểm phát sinh ra hiện tượng tham nhũng, có lợi ích nhóm cũng như là điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính phải nghiên cứu phương án quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực này.
Làm sao để có thể thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, làm sao để nguồn lực đất công có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế?
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử Vietnamnet đã tìm lời giải với giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại video dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, nguồn lực đất công ở Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn. Vậy dưới góc nhìn của ônh, ông thấy có những vấn đề nào đáng lưu ý nhất trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực này thời gian qua?
GS Đặng Hùng Võ: Có thể nói, chúng ta quản lý rất kém, không hiệu quả và không tạo ra được từ nguồn lực này một tài sản quốc gia.
Chúng ta biết rằng tình hình ngân sách hiện nay được đánh giá khó khăn, nguồn thu thiếu, nợ công lớn v.v.. Trong khi đó, chúng ta có một khối lượng tài sản rất lớn nằm ở một khu vực người ta gọi là đất công – thường vẫn được gọi với cái tên “khu đất vàng”.
Thế nhưng chúng ta đang sử dụng nguồn lực này không theo định hướng vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của toàn dân. Chính vì vậy, thường khi chúng ta đưa ra thị trường, giá rất thấp. Theo cơ chế, nó được giao cho một nhà đầu tư được chỉ định và chắc chắn đây là môi trường nảy sinh cơ hội tham nhũng cực kỳ lớn.
Chỉ cần cùng với nhau định giá đất thấp đi rất rất nhiều so với giá thị trường thì lập tức khoảng chênh lệch đó sẽ như thế nào thì tôi chắc mỗi người Việt Nam đều biết.
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến là chúng ta phải sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất công, phải coi đây là một tài sản của Nhà nước và phải tạo điều kiện để tài sản này có giá trị lớn nhất – càng lớn thì lợi ích của toàn dân được hưởng càng nhiều, lợi ích của đất nước càng nhiều. Thế nhưng chúng ta thấy rằng người làm nhiệm vụ quản lý, thay mặt cho Nhà nước thì lại thường không nghĩ như vậy.
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, sau khi đưa ra một mức giá rất thấp ở thời điểm ban đầu, đến lúc nguồn lực này được chuyển giao cho một đối tượng khác – đó là các nhà đầu tư, doanh nghiệp - thì giá trị lại được đẩy lên cao. Đó là một điều dễ nhìn nhận thấy về vấn đề này.
Ông nghĩ là với cách làm như hiện nay thì có mang lại hiệu quả về nguồn thu cho ngân sách hay là giúp chấn chỉnh lại bộ mặt đô thị của chúng ta hay không?
GS Đặng Hùng Võ: Theo cách làm của hiện nay, chủ yếu chúng ta đưa ra cơ chế là định giá, rồi sau đó giao cho một nhà đầu tư được chỉ định. Đây chắc chắn là một cơ chế chúng ta không kiểm soát nổi, bởi vì định giá như thế nào cho phù hợp với giá thị trường là khó.
GS Đặng Hùng Võ trò chuyện với Góc nhìn thẳng (ảnh: Vietnamnet) |
Theo bảng giá của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nhà nước định giá cao nhất chỉ chưa đầy 200 triệu đồng/m2, tức là tầm 160 triệu đồng/m2. Trong khi đó thì theo một khảo sát gần đây nhất của một doanh nghiệp, họ vẫn cho rằng giá đất cao nhất của Hà Nội - quanh khu vực bờ Hồ - Hoàn Kiếm chẳng hạn, rồi Hàng Ngang Hàng Đào và ở TP HCM - từ đường Đồng Khởi đến Lê Lợi chẳng hạn, đó là những nơi mà giá đất đã lên tới 1 tỷ đồng/m2. Với những chênh lệch đó, chúng ta cũng đủ biết rằng tư duy của người quản lý so với giá thị trường và cái “lý” của người quản lý để có thể định giá nó thấp đi là hoàn toàn có lý vì bảng giá của Nhà nước là như vậy.
Tôi lấy thêm một ví dụ gần đây nhất, TP HCM trong tháng này thôi, đã đấu giá thành công một khu đất công nằm trong diện đất vàng – đó là tại 23 Lê Duẩn. Giá khởi điểm được định giá như giá chúng ta giao cho nhà đầu tư được chỉ định là 500 tỷ đồng. Thế nhưng sau đấu giá, giá trúng đấu giá là 1.400 tỷ. Đó cũng là cuộc đấu giá đất công lần đầu tiên ở TP HCM. Như vậy là giá tài sản công của chúng ta ít nhất là sẽ được nhân lên 3 lần.
Chúng ta thấy rằng cách quản lý, cách định giá và cách giao đất như hiện nay là rất kém, nhiều nhược điểm, trong đó có việc chứa chất nguy cơ tham nhũng rất lớn. Điều thứ hai là tự chúng ta đã hủy hoại giá trị của tài sản công – đó là những điều không thể tha thứ được.
Tất nhiên, chúng ta thấy rõ ràng rằng, một cách tốt hơn là đưa ra đấu giá công khai minh bạch, không có bất kỳ vướng víu nào trong quá trình chúng ta đấu giá.
Nhà báo Phạm Huyền: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu, thí điểm những phương pháp quản lý hiệu quả hơn đối với nguồn lực này. Vậy thì ngoài đấu giá ra, ông có nghĩ là cần những hành động cụ thể nào khác để có thể giải quyết được những yếu kém này?
GS Đặng Hùng Võ: Chúng ta chưa nói đến giá vội, chúng ta mới nói đến chuyện quản lý đã. Quy hoạch của chúng ta về sử dụng đất công – tôi cho rằng cũng vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý.
Bởi vì cũng có những người nói rằng chúng ta phải tận dụng tới mức cao nhất để làm nhà ở chẳng hạn, cũng có người cho rằng phải sử dụng vào các mục đích công cộng giống như là phát triển hạ tầng làm trường học, làm nhà trẻ, làm nơi vui chơi giải trí công cộng, v.v... Thì thôi, đó là ý kiến này ý kiến khác.
Nhưng tôi cho rằng phải có quy hoạch - một quy hoạch mà đừng có điều chỉnh liên tục nữa, một quy hoạch trong đó, sắp đặt sử dụng đất nào vào mục đích công cộng, không tính đến tiền nong, đất nào vào mục đích thương mại. Những việc này là để tránh những hiện tượng như Chủ tịch Tp Hà Nội vừa rồi phải thốt lên là quy hoạch Hà Nội bị băm nát.
Từ khâu đó tôi cho rằng điều đầu tiên chúng ta phải xốc lại, đó là quản lý của Nhà nước và quản lý của từng chủ sử dụng đất đối với đất công. Phải làm sao, ta có quy hoạch thật tốt, ổn định và không có chuyện điều chỉnh liên tục.
Thứ hai nữa là người được giao đất công phải làm đúng mục đích. Chúng ta phải tạo được hiệu quả cao nhất khi đất công đó được giao cho mình.
Bấy giờ mới nói tiếp đến câu chuyện giá đất. Tôi cho rằng, nếu đất công thuộc diện đưa ra thị trường bất động sản thì cách đưa vào phải thông qua đấu giá hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Lúc đó, chúng ta mới tận dụng được cao nhất giá trị của đất công mà chúng ta đưa vào thị trường. Tôi cho rằng đấy là những việc chúng ta cần thiết làm và làm nghiêm túc, không phải làm hình thức. Lúc đó chúng ta mới có thể sử dụng hiệu suất cao nhất và hiệu quả cao nhất đối với diện tích đất công rất rất lớn tại Hà Nội, tại TP HCM và nhiều đô thị khác mà đang được phát triển.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông!
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Huy Phúc, Đức Yên, Xuân Quý, Bạt Tuấn
Email: gocnhinthang@vietnamnet.vn