- Không ồn ào và cũng khá thận trọng, Chính phủ Abe rõ ràng đang khởi động chuyển hướng nước Nhật về phía tiếp tục sử dụng điện hạt nhân.
Thay đổi chính phủ, biến đổi chính sách
Dư luận không có gì quá bất ngờ về những chuyển động trong chính sách hạt nhân của Nhật Bản khi chính phủ mới do đảng Dân chủ Tự do LDP lãnh đạo thay thế chính phủ cũ của đảng Dân chủ Nhật Bản DPJ.
Dù sự chuyển động đó trong hai tuần đầu tiên chuyển giao quyền lực chưa có gì thật mạnh mẽ, thật gây sốc, nhưng lời lẽ và động tác của các yếu nhân trong chính phủ mới liên quan vấn đề nhạy cảm đó đã tỏ ra ít mập mờ, ít bất định và rõ ràng, trực diện hơn so với những người tiền nhiệm.
Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh ủng hộ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong bài phỏng vấn của TBS. Nguồn: Houseofjapan.com |
Dĩ nhiên, đứng trước tình hình đất nước đang bề bộn những khó khăn do sự tàn phá kinh khủng của động đất, sóng thần và hệ luỵ tiếp theo là sự cố hạt nhân ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima gần hai năm trước, chính phủ của đảng phái nào, DPJ hay LDP đều cũng có trọng trách và những chính sách lớn tương tự nhau nhằm hàn gắn các vết thương, vực dậy nền kinh tế, duy trì đất nước Mặt Trời Mọc ở vị trí những nước hùng mạnh hàng đầu thế giới.
Ở đây, chính phủ DPJ hay chính phủ LDP cùng có điểm tương đồng tạm thời là đều không thể có tiếng nói “không” dứt khoát, và sự chia tay ngay lập tức với điện hạt nhân. Tuy vậy, tuỳ thuộc vào quyền lợi, trách nhiệm lịch sử với sự phát triển nền công nghiệp điện hạt nhân của nước Nhật, mỗi chính phủ có những đường hướng, nhịp độ và lộ trình thời gian khác xa nhau.
Đối với chính phủ Noda của đảng DPJ, được xem là ít thân thiện với điện hạt nhân, cũng không thể chối bỏ ngay nguồn điện năng này trong khi chưa tìm ra ngay nguồn điện năng khác thay thế trong một thời gian ngắn. Nhưng họ cũng không thể che giấu sự lạnh nhạt với điện hạt nhân, nên trong gần hai năm qua đã rất lúng túng như “điệu kèn ngập ngừng” khi đưa ra các quyết sách. Chẳng hạn, ngày 14/9/2012 vừa đưa ra chủ trương loại bỏ năng lượng hạt nhân, tiếp hôm sau 15/9/3012 lại tuyên bố không có kế hoạch đình chỉ việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới!
Và đối với chính phủ Abe của LDP, gắn kết suốt 4 - 5 thập niên phát triển nền công nghiệp điện hạt nhân, nhưng nay trước áp lực của đông đảo dân chúng đang hoảng sợ từ sự cố Fukushima và cứ Thứ Sáu hàng tuần kéo nhau đến Phủ Thủ Tướng giương cao biểu ngữ đòi xoá bỏ điện hạt nhân, họ cũng chưa thể bộc lộ mạnh mẽ chủ định dù có thể rất muốn tái khởi động sớm các nhà máy điện hạt nhân.
Tuy vậy, Chính phủ Abe, đứng phía sau là các tập đoàn công nghiệp điện, cũng không che giấu sự lựa chọn của mình. Một vị lãnh đạo tập đoàn Keidanren có ảnh hưởng lớn ở Nhật Bản, ông Chủ tịch Hiromasa Yonekura đã nói thẳng: Loại bỏ năng lượng hạt nhân là "không thực tế và không thể thành công". Và trong thực tế, chính phủ mới đã bắt đầu phác hoạ ra những đường hướng hệ trọng nhất trong chính sách hạt nhân.
Lộ trình 3 năm, 3 năm và 30 năm
Trước hết về chủ trương chiến lược “loại trừ hạt nhân” mà chính phủ tiền nhiệm từng đề cập đến. Thủ tướng Abe chế diễu những người không cùng quan điểm, rằng “sẽ không thực tế nếu chỉ suy nghĩ đơn giản với những mong muốn”, đồng thời khẳng định “sẽ xúc tiến các chính sách một cách có trách nhiệm”.
Ông cũng đã bắt đầu nói rõ ý định đẩy lùi khoảng 3 năm nữa mới xem xét lại chủ trương vài tháng trước đây do Chính phủ Noda thuộc “Đảng Dân chủ DPJ đặt ra nhằm loại bỏ (phase out) các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030”.
Một chủ đề khác không kém phần quan trọng là việc tái khởi động các lò phản ứng đã đóng băng từ sự cố Fukushima. Ngoài 2 lò phản ứng ở Nhà máy điện Hạt nhân Oi đã được tái khởi động dưới thời Chính phủ Noda, 48 lò còn lại đang đóng cửa để kiểm tra.
Chính phủ mới Abe đưa ra lý lẽ để thuyết phục, rằng: "Công chúng đang lo lắng về việc chúng ta làm thế nào có thể đáp ứng nhu cầu điện ngay lập tức cho họ". Vị Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Kinh tế Toshimitsu Motegi nói rõ hơn ý định thực sự: Hạn chót là 3 năm, Cơ quan Pháp quy Hạt nhân Quốc gia sẽ kiểm tra xong và đưa ra kết luận về tình trạng an toàn của mỗi lò phản ứng trong số 48 lò nói trên để cấp phép cho tái khởi động và nối điện vào lưới điện quốc gia.
Kế hoạch xử lý tình trạng tan chảy nhiên liệu (tức “dọn sạch” ô nhiễm phóng xạ) ở các lò phản ứng thuộc Nhà máy Fukushima cũng là công việc khẩn thiết và nặng nề mà nước Nhật và thế giới quan tâm.
Chính phủ Abe thể hiện mong muốn đẩy nhanh hơn công việc dỡ bỏ Nhà máy Fukushima-1 vốn được dự kiến sẽ kéo dài những 30 năm. Thủ tướng Abe nêu rõ: "khối lượng công việc khổng lồ nhằm khắc phục hậu quả và làm sạch nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau sự cố hạt nhân do động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011 là một thách thức chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại”. Nhưng ông nhấn mạnh: “Thành công của việc này sẽ dẫn tới việc tái thiết Fukushima và cả Nhật Bản".
Dù không ồn ào và cũng khá thận trọng, nhưng mọi người đều nhận thấy rằng, đối chiếu với chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Noda, xu hướng của Chính phủ Abe rõ ràng đang nghiêng nhiều về phía tiếp tục con đường sử dụng năng lượng hạt nhân.
Và trên con đường đó, cả một “núi việc” chồng chất cao ngất trước chính phủ của Đảng LDP, trước nước Nhật và đang thử thách ông Shinzo Abe và ê-kip của ông.
Trần Minh