- Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên đang đến hồi nóng bỏng nhất, Bình Nhưỡng bỏ qua mọi cam kết và tuyên bố chuẩn bị cho tái khởi động “cỗ máy cái” để chế tạo thêm những quả bom hạt nhân mới…

Dư luận bỗng phải hướng về Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon lớn nhất nước này, nằm cách Bình Nhưỡng (Pyongyang) 90 km ở phía bắc, tìm hiểu và theo dõi chặt từng động thái của cỗ máy cái ấy, lò phản ứng hạt nhân 5 MWe (Mêga-oat điện).

{keywords}
Lò phản ứng 5MWe ở Yongbyon, Triều Tiên

Lò phản ứng của Triều Tiên bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 1979-1980 và đưa vào vận hành khoảng 1986-1987. Nó thuộc loại lò Magnox sử dùng khí - graphit (khí cacbonic làm nguội và graphit làm chậm neutron để duy trì phản ứng phân hạch). Lò chạy bằng nhiên liệu uranium tự nhiên. Lò có công suất phát điện MWe, từ đó có thể suy ra công suất phát nhiệt khoảng 20-30 MW.

Lò Yongbyon có 801 kênh chứa các thanh nhiên liệu (mỗi kênh có 10 thanh) và các thanh điều khiển lò. Mỗi thanh nhiên liệu có đường kính 3 cm và dài 50 cm. Nếu các thanh nhiên liệu chứa đầy trong 750 kênh thì khối lượng toàn bộ nhiên liệu trong lò khoảng 45 tấn uranium tự nhiên.

Chiếc “máy cái” hạt nhân nói trên đã từng hoạt động trong khoảng 7 năm, nhưng không liên tục và trải qua nhiều lần dừng lò để thay và đảo thanh nhiên liệu… Các nguồn phân tích đưa ra các con số ước tính nhưng không thật chính xác, chỉ có các chủ nhân Triều Tiên mới biết chính xác số plutonium thu được. Nhưng nhiều người cho rằng lượng chất nổ hạt nhân tích cóp được có thể chế tạo được 5-10 quả bom A.

Hai quả bom đầu tiên Bình Nhưỡng cho thử ngày 8/10/2006 và 25/5/2009 chắc chắn là bom plutonium. Vì trước các vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009, nước này chưa phát triển công nghệ làm giàu uranium.

Dù sao, Triều Tiên chỉ có một “chiếc máy cái” chủ lực công suất 5 MWe sản xuất plutonium, một số lượng hẳn là không lớn các máy ly tâm làm giàu uranium và trong kho của họ có nhiều lắm cũng khoảng 10 quả bom A “made in Triều Tiên” với sức tàn phá chỉ cùng cỡ các quả bom Mỹ thả xuống nước Nhật hồi cuối Thế chiến II hơn nửa thế kỷ trước.

Chỉ với tiềm năng đó, chưa nói tới “ngũ hổ” hạt nhân, các “quốc gia hạt nhân” thực sự như Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc với hàng ngàn đầu đạn hạt nhân chất đầy kho, Triều Tiên cũng khó xếp chỗ ngồi cạnh các “quốc gia hạt nhân hạng hai” như Ấn Độ, Pakistan và Israel với cả trăm quả bom nguyên tử trong tay.

Đó là một trong những yếu tố để Chính phủ Mỹ và các nước khác từ chối công nhận Triều Tiên là "quốc gia hạt nhân" như họ tự xưng và đòi hỏi. Nhưng quan trọng hơn, các nước trên không nói lời công nhận Triều Tiên như một “quốc gia hạt nhân” còn nhằm không mang lại cho nước này một cơ chế hợp pháp phát triển chương trình vũ khí nguyên tử của mình.

Trong tình hình đó, sự từ bỏ các thỏa thoả thuận và cam kết năm 2007 đổi lại sự tài trợ nhiên liệu dầu và khí đốt bằng cách ngưng hoạt động của lò phản ứng 5 MWe, tái khởi động “cỗ máy cái” đẻ ra bom A là hành động mới nhất đầy thử thách.

Liệu nước này có tiến thêm bước đi nữa xa hơn, tái khởi động lại chương trình đang bị đóng băng bởi áp lực quốc tế và Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc số 825. Đó là chương trình xây hai lò phản ứng dùng graphit làm chậm với công suất lớn hơn. Một lò công suất cỡ 50 MWe có thể sản xuất 60 kg Plutonium mỗi năm đủ chế tạo 10 quả bom nguyên tử. Lò thứ hai 200 MWe có thể cho 220 kg Plutonium hàng năm, đủ đẻ ra 40 quả bom hủy diệt.

Những hành động đó, những bước đi đó mang đầy tính thử thách đối với đất nước và dân tộc Triều Tiên. Nó làm cho mối quan hệ của nước này với thế giới càng cô lập hơn và đặc biệt dẫn đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh vốn căng thẳng càng căng thẳng hơn.

Minh Trần

Các tin liên quan

Giải mã công nghệ bom hạt nhân Triều Tiên

Hạt nhân Triều Tiên: Vỏ quýt dày, móng tay nhọn

Giải mã công nghệ tên lửa của Triều Tiên (I)

Hồ sơ chương trình tên lửa của Triều Tiên

Vì sao tên lửa Triều Tiên phóng thất bại?