Động đất ở Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn, song cường độ không bằng so với một số trận từng xảy ra trong lịch sử, Tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng phụ trách (Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết.

TIN LIÊN QUAN

Động đất ngày càng nhiều

Tốc độ đô thị hóa nhanh có thể khiến nhiều thành phố Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nếu động đất xảy ra.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng tải trên TTXVN, tiến sĩ Lê Huy Minh cho hay, Việt Nam từng ghi nhận 2 trận động đất rất lớn là động đất Điện Biên (năm 1935) với cường độ 6,75 độ Richter xảy ra trên đới đứt gẫy sông Mã. Trận lớn thứ hai là động đất Tuần Giáo (năm 1983), với cường độ 6,8 độ Richter, xảy ra trên đới đứt gẫy Sơn La.

Ngoài ra, vùng ngoài khơi Nam Trung Bộ, năm 1923 cũng có 1 trận động đất 6,1 độ Richter (thuộc ở vùng biển vũng Tàu, Phan Thiết). Trận động đất này này đi cùng hiện tượng phun trào núi lửa Hòn Choi, trên đới đứt gãy kinh tuyến 109-110.

Ông Minh cho biết, từ năm 2005 trở lại đây, có vẻ ngày càng xuất hiện nhiều trận động đất hơn, có năm nhiều hơn đến 10 trận. Tuy nhiên, cường độ các trận động đất gần như nhau, không có sự  tăng giảm mạnh.

Năm 2010, có rất nhiều trận động đất xảy ra ở Việt Nam. Trong đó, trận lớn nhất đạt 5 độ Richter. Còn những trận nhỏ hơn thì xảy ra trên hàng loạt đứt gãy như Mường Lay - Bắc Yên, Cao Bằng-Tiên Yên, đứt gãy sông Mã, Sông Cả… Tuy nhiên, những trận động đất này không gây thiệt hại lớn.

Ông Minh cũng cho hay, với tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam như hiện nay thì một trận động đất mạnh 6,8 độ Richter như đã xảy ra ở Sơn La năm 1983, Hà Nội và các đô thị phía bắc sẽ rung động rất sợ, có khả năng làm đổ nhà.

Chưa có sóng thần

Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa thể dự báo được động đất. Tuy nhiên, sóng thần gây ra do động đất có thể dự đoán được.

Ông Minh cho hay, phải những trận động đất có cường độ từ 6,5 độ Richter trở lên thì mới có sự xê dịch trên toàn bộ mặt đứt gẫy. Sự xê dịch này dẫn đến sự thay đổi địa hình đáy biển mới gây ra sóng thần.

Ở Việt Nam, mặc dù đã xảy ra trận động đất mạnh 6,8 độ Richter, tuy nhiên, trận động đất này lại liên quan đến hoạt động núi lửa chứ không phải dịch trượt trên bề mặt đứt gãy. Vì vậy, ở Việt Nam chưa từng có sóng thần.

Theo ông Minh, hiện nay Việt Nam cũng đang tổ chức xây dựng các trạm địa chấn để có thể dự báo chính xác và nhanh nhất trong trường hợp có sóng thần xảy ra.

Lê Văn (Tổng hợp)