- Các thảm hoạ kinh hoàng trong những ngày qua gây ra bởi trận siêu động đất 9 độ Richter, hiếm hoi, hàng trăm năm mới có một lần làm cho cả nước Nhật điêu đứng và triệu triệu con tim trên thế giới lo âu. Tin đồn về các cơn mưa axít và mây phóng xạ, do đó, đang lan truyền từ nước này sang nước khác, Philippines, Indonesia…và cả Việt Nam.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Bóng ma mưa axit?

Một trận mưa được gọi là mưa axít khi lượng axít trong nước mưa tăng lên bất bình thường, hay ngược lại tính kiềm trong đó giảm. Về định lượng, chỉ gọi là mưa axít khi độ pH trong nước mưa thấp, dưới con số 5,6.

Sơ đồ tạo thành mưa axit. Ảnh: WordPress.

Mưa axit được tạo thành như thế nào? Các chất đốt tự nhiên như than đá và dầu mỏ chứa một lượng lớn lưu huỳnh, còn trong không khí lại chứa nhiều nitơ. Trong quá trình đốt cháy nhiên liệu hoá thạch đó sẽ sinh ra các khí độc hại như oxít lưu huỳnh (SO, SO2, SO3) và oxít nitơ (N2O, N2O3, NO2). Các loại khí độc đó hòa tan với hơi nước sẵn có trong không khí tạo thành axít mạnh nhất như axít sunfuric (H2SO4) và axít nitric(HNO3). Lúc mưa, các hạt axít này hoà tan vào nước mưa, làm độ pH của nước mưa giảm, nếu giảm xuống dưới 5,6 thì cơn mưa đó chính là mưa axít.

Nước mưa này trở nên độc hơn đối với cây cỏ, vật nuôi và cả con người nữa, bởi vì nó có độ chua khá lớn làm hoà tan một số bụi kim loại và ôxít kim loại như ôxít chì,...có sẵn trong không khí.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mưa axít có thể là các sự cố tự nhiên như những vụ phun trào của núi lửa, hay các đám cháy rừng v.v.

Khói bụi mù mịt của núi lửa phun trào là một trong những nguyên nhân gây ra mưa axit. Ảnh: CTV.

Hoặc bắt nguồn từ các hoạt động của con người. Chẳng hạn, trong một năm, nước Mỹ đã thải vào bầu khí quyển 31 triệu tấn oxit sulfur và 22 triệu tấn oxít nitơ. Trung quốc cũng là “cường quốc” về phương diện này.

Mưa axít gây ra những tác hại lớn lao

Đối với sức khỏe con người, các cơn mưa axít làm cơ quan hô hấp của con người dễ bị thương tổn, gây ra các bệnh về phổi, và làm bệnh tình của các bệnh nhân ngày càng trầm trọng hơn. Nhiễm mưa axít lâu sẽ ảnh hưởng đến da, thậm chí gây nên ung thư da.

Đối với môi trường, mưa axít có thể huỷ hoại các khu rừng, rửa trôi hầu hết các chất dinh dưỡng và những vi sinh vật có lợi, làm yếu sức đề kháng của cây cối và khiến chúng dễ mắc bệnh.

Đối với các thuỷ vực (ao, hồ), các dòng suối do mưa axít chảy vào hồ, ao sẽ làm độ pH ỏ đó giảm và các sinh vật suy yếu hoặc chết hoàn toàn, biến hồ, ao trở thành các vùng chết.

Về mặt địa hoá, mưa axít làm xấu đất canh tác, khi ngấm xuống đất làm tăng độ chua của đất, hoà tan các nguyên tố trong đất cần thiết cho cây như canxi (Ca), Magiê (Mg),.. Do đó, cây cối kém phát triển, mầm chết khô, khả năng quang hợp của cây giảm,và cho năng suất thấp.

Tác hại của mưa axit đối với cây cối. Ảnh: WordPress.


Mưa axít còn phá huỷ các vật liệu làm bằng kim loại như sắt, đồng, kẽm,... làm giảm tuổi thọ các công trình xây dựng, đặc biệt làm hư hại các di sản văn hoá lịch sử quý giá.

Dĩ nhiên mưa axít cũng có những mặt lợi nhất định, nhưng tác hại lớn hơn nhiều. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng những biện pháp để giảm các trận mưa axít.

Bóng mây phóng xạ

Nếu trận mưa axit được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1872 tại Anh thì khái niệm mây phóng xạ bắt đầu được nói đến muộn hon, từ khi các cường quốc hạt nhân thử các loại bom nguyên tử trên mặt đất vào những năm 40 của thế kỷ trước và được nhắc đến nhiều sau khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Nói đến mây mưa phóng xạ do vũ khí nguyên tử và tác hại của nó, nhà thơ nổi tiếng quá cố Xuân Diệu đã từng viết bài thơ “Mưa phóng xạ Mỹ” với những câu thơ sau:

“…Bà mẹ ở miền Nam Việt Nam
Thương con thai nghén giữa hờn căm;
Đợi ngày thấy mặt trên tay bế,
Con bỗng trong thai chết giữa mầm!...”

Bài thơ lấy cảm hứng từ mẩu tin trên báo chí: "Ngày 25/4/1962, Mỹ lại thử bom hạt nhân trên Thái Bình Dương. Mưa phóng xạ sẽ tràn về phương Nam đến Nam Dương, Ấn Độ, Việt Nam, châu Phi, Nam Mỹ... rồi nó sẽ quay lại các vùng phía Bắc địa cầu. Nhà khoa học Pôlinh nói: ngay sau đợt phóng xạ này, sẽ có 286.000 trẻ con mắc bệnh nguy hiểm và độ ba triệu trẻ con trong thai mẹ và mới đẻ - sẽ chết!”.

Cột khói từ vụ nổ lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật. Ảnh: SGTT.

Những đám mây phóng xạ kinh khủng khác, không tạo bởi những vũ khí giết người hàng loạt mà bởi chính những công trình hoà bình phục vụ con người – Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Hình ảnh đám mây thời đó lại nhắc nhở con người bây giờ,  khi những sự cố hạt nhân ở Fukushima xảy ra, phải luôn cẩn trọng trong khi sử dụng công nghệ hạt nhân.

Nguyên nhân của thảm hoạ hạt nhân, một phần do lỗi con người, nhưng chủ yếu là những khiếm khuyết của công nghệ lò phản ứng của các nhà máy điện hạt nhân thế hệ đầu tiên của Liên xô (cũ), cụ thể là do những yếu kém trong thiết kế lò RBMK, đặc biệt là các thanh điều khiển đã dẫn đến công suất lò tăng nhanh vượt quá ngưỡng và gây nên tan chảy lò.

Tiếp theo là do cấu trúc nhà lò không có tường chắn, mái lò không đủ kiên cố, nên khi vụ nổ trong lò xảy ra, mái bị bật tung làm tung lên không trung đám mây bụi phóng xạ và lan rộng ra ngoài đến nhiều vùng phía tây Liên xô (cũ), Đông và Tây Âu, Scandinav, Anh quốc, và đông Hoa Kỳ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus.

Tác hại vô cùng to lớn. Một bản báo cáo năm 2005 của Hội nghị Chernobyl, được tổ chức bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, cho rằng có 56 người chết ngay lập tức bao gồm 47 công nhân và 9 trẻ em vì ung thư tuyến giáp, và ước tính rằng có khoảng 9.000 người, trong số gần 6,6 triệu, cuối cùng sẽ chết vì một loại bệnh ung thư nào đó.

Fukushima không phải là Chernobyl hay nhà máy hoá chất

Ảnh chụp qua vệ tinh ngày 14/3 cho thấy, lò phản ứng số 3 tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi đang bốc cháy sau thảm họa động đất và sóng thần hồi cuối tuần trước. Ảnh: Reuters.

Hình ảnh một cơn mưa axít, một đám mây phóng xạ quả đã làm cho mọi người lo lắng, bất an. Nhưng con người, để tồn tại và phát triển, không thể quay lưng lại với mọi công nghệ mới và hiện đại. Chỉ phải nắm vững nó, chế ngự và luôn cải tiến để đạt độ an toàn cao nhất. Và không nên sợ hãi thiếu căn cứ, dễ tin đến mức hoảng sợ và trở thành tuyên truyền viên cho những tin đồn thất thiệt.

Sự cố hạt nhân ở các lò phản ứng Fukushima, Nhật Bản gây nên bởi thiên tai lịch sử động đất và sóng thần là nghiêm trọng, nhưng, ít nhất cho đến lúc này, chưa phải là Chernobyl. Lượng phóng xạ thoát ra ngoài đo được đang rất thấp so với lượng phóng xạ tung lên trên bầu trời Chernobyl năm xưa. Lúc này trên bầu trời Fukushima chưa có thể nói là tồn tại những đám mây phóng xạ, theo nghĩa đích thực của nó. Còn ở các nước khác xa Nhật bản năm bảy nghìn cây số, trong đó có Việt Nam, chắc chắn chưa có biến động bất thường nào nồng độ phóng xạ trong không khí, nói gì đến những đám mây phóng xạ lúc này.

Các nhà máy ở Fukushima không phải là nhà máy hoá chất và không phải là các nhà máy điện chạy than, chạy dầu theo công nghệ cũ, tức không phải là nguồn sinh ra những cơn mưa axít.  Và những cơn mưa axít, nếu có xuất hiện ở nước ta, chắc hẳn không phải đến từ Fukushima, từ nước Nhật Bản xa xôi.

  • Trần Thanh Minh