Đám mây phóng xạ có xu hướng nhỏ dần khi tiến vào khu vực miền Bắc, báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ tối 7/4 cho hay.

TIN LIÊN QUAN

Báo cáo cho biết, theo dự đoán, trong ngày 7- 8/4 mây phóng xạ tại Đông Nam Á tiếp tục lan dần đến Việt Nam, tiến gần đến địa bàn thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và có xu hướng nhỏ dần khi tiến vào khu vực miền Bắc. Tuy vậy, nồng độ hạt nhân phóng xạ vẫn rất nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hình ảnh mô phỏng đám mây phóng xạ ngày 8/4.

Số liệu đo đạc của Viện năng lương nguyên tử Việt Nam cho thấy tại Thành phố Hồ Chí Minh và Lạng Sơn, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7, K-40, Th-232 và U-238 còn ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là: I-131, Cs-134 và Cs-137. Tuy nhiên, các đồng vị phóng xạ này đều ở mức rất thấp và không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.

Về tình hình Nhật Bản, ngày 6/4, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết họ đã bắt đầu bơm khí ni-tơ vào bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép của tổ máy số 1. Khí ni-tơ được bơm vào sẽ thay thế oxi trong lớp bảo vệ và giảm thiểu khả năng nổ do hiđrô kết hợp với oxi. Dự kiến, công việc này sẽ được tiến hành tại các tổ máy số 2 và 3 sau đó.

TEPCO cũng cho hay, dựa trên mức độ bức xạ đo được bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép, ước tính mức độ hư hỏng của các bó thanh nhiên liệu trong vùng hoạt các lò phản ứng của tổ máy số 1, 2 và 3 lần lượt là 70%, 30% và 25%.

Lê Văn