- Một dịp hiếm khi các nhà quản lý và khoa học gia trong và ngoài nước tụ họp để đánh giá vai trò của lò phản ứng Đà Lạt 1 của Việt Nam và chờ đợi lò phản ứng Đà Lạt 2 ra đời.
Ngày 19/03/2014 vừa qua là cột mốc thời gian lịch sử đối với Ngành Năng lượng Hạt nhân Việt Nam: chiếc lò phản ứng đầu tiên, duy nhất nước ta (tạm gọi Lò Đà Lạt 1) đã hoạt động khai thác tròn 30 năm tuổi, kể cả những quảng thời gian ngắn sửa chữa, khôi phục, mở rộng và thay nạp nhiên liệu mới (Mỹ rút hết nhiên liệu về nước từ 1975).
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. |
Cũng ở tuổi 30, tại Đà Lạt một cuộc Hội thảo khoa học chuyên môn chưa bao giờ có ở ta được tổ chức, với các vấn đề từ thiết kế, vận hành đến sử dụng lò phản ứng hạt nhân loại nghiên cứu. Ngoài các vị lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghiệp về Đà Lạt tham dự Hội thảo có trên 130 đại biểu, trong đó có gần 50 đại biểu người nước ngoài đến từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các nước có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế, vận hành và khai thác lò phản ứng nghiên cứu như: Liên bang Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp, Ucraina và Thái Lan.
Trên 80 đại biểu của Việt Nam đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, các trường Đại học có chuyên ngành đào tạo về kỹ thuật và công nghệ hạt nhân, và một số viện nghiên cứu khác, gồm những cán bộ quản lý và cán bộ khoa học có kinh nghiệm về chuyên môn và quan tâm đến lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân nhiệt tình đến tham dự và thảo luận sôi nổi.
Đây là dịp hiếm các nhà quản lý và chuyên môn cả nước tụ họp để đánh giá vai trò của lò phản ứng Đà Lạt 1 của Việt Nam và nhấn mạnh tầm quan trọng lớn hơn của lò phản ứng Đà Lạt 2 đang chờ đợi được xây dựng.
Thứ trưởng Lê Đình Tiến, thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh đến vai trò của lò phản ứng nghiên cứu trong việc đưa kỹ thuật hạt nhân ứng dụng có hiệu quả vào nhiều lĩnh vực của đời sống như y học, công-nông nghiệp, môi trường, nghiên cứu cơ bản và đào tạo. Ông nhấn mạnh, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đầu tiên (1) tuy công suất thấp nhưng đã sử dụng hiệu quả trong 30 năm qua, được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Cũng chính trong dịp này, ngay ở cuộc hội thảo, Chính phủ đã thông báo: Nhằm hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân một cách hiệu quả, sẽ quyết định đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (Trung tâm KH&CN hạt nhân) với Lò Đà Lạt mới (2), loại lò phản ứng nghiên cứu công suất 10 -15 MW.
TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã trình bày vấn đề quan trọng này trong báo cáo tại hội thảo. Trong bài trình bày về các dự án Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đầu tiên tại Ninh Thuận và vai trò của Trung tâm KH&CN hạt nhân, TS Trần Chí Thành đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Trung tâm KH&CN hạt nhân trong việc đóng góp vào chương trình phát triển bền vững năng lượng nguyên tử ở Việt Nam.
Nhiệm vụ chính của Trung tâm KH&CN hạt nhân, lò phản ứng Đà Lạt 2 nói riêng, là hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình điện hạt nhân của quốc gia để góp phần đảm bảo vận hành an toàn các NMĐHN; triển khai các nghiên cứu hiện đại trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; thực hiện các hoạt động ứng dụng, sản xuất và dịch vụ liên quan và đào tạo cán bộ cho ngành năng lượng nguyên tử.
Hội thảo cũng đã đề cập đến các vấn đề mới về lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu hiện nay trên thế giới. Ông Pershukov V.A., Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) đã trình bày về các kết quả đạt được trong những năm qua liên quan đến thiết kế, hiện đại hóa và khởi động đưa vào vận hành các lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu ở Nga; giới thiệu về công nghệ hiện đại của Nga trong việc chế tạo lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu hiện nay.
Các bài trình bày của phía Nga đã cung cấp thông tin tương đối chi tiết về đặc điểm của lò phản ứng nghiên cứu (Lò Đà Lạt 2) dự kiến thiết kế và xây dựng tại Việt Nam, khả năng thiết kế các hệ điều khiển mới dùng cho lò phản ứng nghiên cứu. Các đặc trưng thiết kế chính của các lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do Nga thiết kế với dải công suất từ 1-20 MW;… cũng đã được trình bày và thảo luận tại hội thảo.
Trên 10 báo cáo khác nhau đến từ các nước, các cơ sở nghiên cứu khác nhau, từ các nước khác nhau trình bày các kinh nghiệm bổ ích và phong phú về xây dựng, khai thác ứng dụng lò phản ứng của mình.
Hội thảo cũng đã trao đổi thông tin và kinh nghiệm về tình hình quản lý, vận hành và sử dụng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu ở các nước: Hàn Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Đặc biệt, các kinh nghiệm nhận được trong việc sử dụng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu để hỗ trợ cho chương trình phát triển năng lượng nguyên tử và việc đánh giá lại an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu ở Nhật Bản sau sự cố NMĐHN Fukushima Daiichi do thảm họa động đất và sóng thần gây ra cũng đã được trình bày, trao đổi và thảo luận.
Lần đầu tiên ở Việt Nam đã tổ chức thành công một cuộc hội thảo khoa học công nghệ mang tính phong phú, hiện đại như vậy. Đây quả là một sinh hoạt khoa học bổ ích cho nhiều cán bô quản lý và khoa học của Việt Nam. Đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ thuộc Viện NLNTVN và một số ban ngành liên quan chặt chẽ. Chính họ là lực lượng chủ chốt trực tiếp chuẩn bị và thực hiện dự án xây dựng lò phản ứng 10-15 MW tại Trung tâm KH&CN hạt nhân và một số trong đó sẽ có nhiệm vụ đối với dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân ở địa pjương gần đó, tỉnh Ninh Thuận.
Sau hội thảo, mọi người càng hy vọng ở nước ta lại sớm xuất hiện một lò phản ứng Đà Lạt mới, lò Đà Lạt 2 với những tính năng mạnh hơn và phong phú. Và thời gian chờ đợi sự kiện này cũng không đến nỗi thật dài.
T.M. (Theo tài liệu Viện NCHN)