Một giả thuyết mới cho rằng, một lỗ đen có thể chết bằng cách biến thành "lỗ trắng", vốn theo lý thuyết hành xử hoàn toàn trái ngược với lỗ đen.


{keywords}
Các nhà nghiên cứu tin rằng, lỗ đen khi chết sẽ biến thành lỗ trắng, thải loại mạnh mẽ mọi vật chất mà lỗ đen đã "nuốt chửng". Ảnh: Getty Images

Giả thuyết mới về cách chết của lỗ đen dựa vào thuyết lược tử suy đoán về lực hấp dẫn. Các nhà khoa học tin rằng, nó có thể giúp phân định cuộc tranh luận lớn về việc liệu các lỗ đen có hủy hoại những thứ chúng đã hấp thu.

Theo giả thuyết, thay vì hút tất cả vật chất vào bên trong, một lỗ trắng được cho là phun trào mọi thứ ra ngoài. Nói một cách khác, lỗ trắng sẽ thải loại mạnh mẽ mọi vật chất mà lỗ đen đã "nuốt chửng".

Các nhà nghiên cứu nhận định, "sự chuyển biến từ lỗ đen thành lỗ trắng sẽ diễn ra ngay sau sự hình thành ban đầu của lỗ đen, nhưng do lực hấp dẫn làm giãn nở thời gian, những quan sát viên bên ngoài sẽ nhìn thấy lỗ đen kéo dài hàng tỉ hoặc thậm chí hàng ngàn tỉ năm hay lâu hơn nữa, phụ thuộc vào kích cỡ của nó".

Nếu các tác giả nghiên cứu mới là đúng, các lỗ đen tí hon hình thành trong giai đoạn sơ khai của vũ trụ hiện có lẽ đang sẵn sàng "thình lình vọt ra như pháo" và có thể được nhìn thấy như các tia vũ trụ năng lượng cao hoặc bức xạ khác.

Thuyết tương đối của Albert Einstein từng nêu, khi một ngôi sao hấp hối sụp đổ, nó sẽ tiến tới một thời điểm không thể đảo ngược sự sụp đổ. Tại thời điểm đó, ngôi sao chết trở thành một lỗ đen, hút ánh sáng và bất kỳ thứ gì tồn tại trong vùng vũ trụ lân cận.

Biết về tốc độ quay của các lỗ đen nhanh và chậm tới mức nào có thể hé lộ về sự phát triển của chúng.

Từ lâu, giới nghiên cứu đã nghi ngờ rằng, các lỗ đen khổng lồ lẩn khuất trong trung tâm của các thiên hà quay nhanh hơn và phát triển lớn hơn khi chúng "ăn" khí, bụi, các ngôi sao và vật chất. Dẫu vậy, mãi tới năm ngoái, các chuyên gia mới có được kết quả đo đạc đáng tin cậy về tốc độ quay của một lỗ đen.

Mặc dù các lỗ đen rất khó khám phá, nhưng vùng bao quanh chúng lại phát tỏa các tia X báo hiệu. Sử dụng kính viễn vọng NuStar mới của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ và thiết bị XMM-Newton của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), một nhóm chuyên gia quốc tế đã quan sát được những tia X năng lượng cao, phát tỏa từ một lỗ đen siêu lớn ở giữa một thiên hà lân cận, cách chúng ta 60 triệu năm ánh sáng. Từ đó, họ tính toán được tốc độ quay của lỗ đen này gần bằng tốc độ của ánh sáng 1,078 tỉ km/h.

Tuy nhiên, giới thiên văn học vẫn chưa rõ, lỗ đen siêu lớn ở trung tâm dải Ngân hà của chúng ta đang quay nhanh tới mức độ nào. Điều này là vì nó không hoạt động tích cực như lỗ đen quan sát được ở thiên hà lân cận.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)