- Trong khi nhiều người kêu ca rằng ngành tấm lợp vẫn chưa có công nghệ thay thế amiăng thì những tấm lợp không amiăng sản xuất trong nước vẫn đang phải bán ra nước ngoài.

Chỉ bán được ở nước ngoài 

{keywords}
Nhà máy Tân Thuận Cường vẫn phải dùng sản xuất tấm lợp chứa amiăng để tồn tại khi tấm lợp không amiăng khó tiếp cận thị trường nội. (Ảnh: Lê Văn)

Tại khu vực trộn nguyên liệu của nhà máy sản xuất tấm lợp Tân Thuận Cường, Tứ Kỳ, Hải Dương, ba bốn công nhân với những dụng cụ bảo hộ khá đơn sơ xé những bao amiăng chuẩn bị cho mẻ sản xuất tấm lợp fibro ximăng mới.

Ngay bên cạnh, hệ thống chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất tấm lợp không amiăng lặng lẽ như một đứa trẻ bị hắt hủi vì không tham gia trò chơi của những bạn bè đồng trang lứa, trở thành nơi các công nhân để những bao bì amiăng đã qua sử dụng.

Mặc dù phải chi 2,9 tỷ đồng từ năm 2007 để đầu tư dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng, song, hôm nay không phải là ngày Tân Thuận Cường vận hành dây chuyền sản xuất này.

"Mỗi tháng dây chuyền này chỉ chạy từ 1-2 lần”, ông Nguyễn Văn Đạt, giám đốc nhà máy Tân Thuận Cường nói.

Mặc dù công suất thiết kế của dây chuyền này lên tới 2 triệu m2/năm, song mỗi năm, nhà máy của ông Đạt chỉ sản xuất khoảng 200 ngàn m2. Còn lại nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất tấm lợp sử dụng amiăng, thứ nguyên liệu được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là gây ung thư.

Ông Đạt cũng cho biết đây là “giải pháp tình thế” khi tấm lợp không amiăng không thâm nhập được vào thị trường nội địa.

"Mỗi tháng chúng tôi sản xuất vài ngàn tới vài chục ngàn mét vuông tấm lợp không amiăng nhưng chủ yếu là xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản,... chứ không phải bán trong nước”, vị giám đốc nhà máy nói.

{keywords}
Tấm lợp thay thế amiăng không khác nhiều về hình thức cũng như các đặc tính cơ, lý, hóa so với tấm lợp sử dụng amiăng. (Ảnh: Lê Văn)

Dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng được triển khai tại Tân Thuận Cường là kết quả từ một đề tài khoa học cấp nhà nước về Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng (KC.06.15) của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Viện Công nghệ, Bộ Công thương thực hiện được nghiệm thu vào năm 2005.

TS Đỗ Quốc Quang, chủ nhiệm đề tài cho biết, mục tiêu của đề tài là thay thế được amiăng trong tấm lợp mà vẫn đảm bảo các đặc tính cơ, lý, hóa tương đương với tấm lợp sử dụng amiăng.

Sau khi nghiên cứu, ông Quang và các cộng sự đã quyết định lựa chọn loại sợi nhân tạo PVA (polyvinyl alcohol) để thay thế sợi amiăng. Ngoài ra, để tăng sự bám dính của xi măng với sợi PVA, TS Quang đã sử dụng thêm bột giấy và một số phụ gia khác.

Từ đó, một dây chuyền sản xuất tấm lợp thay thế amiăng với 100% thiết bị được sản xuất trong nước đã ra đời và đi vào sản xuất từ 2007.

Tới tháng 12/2013, một dây chuyền sản xuất không amiăng thứ 2 cũng đã được triển khai tại Công ty Navifico, thành phố Hồ Chí Minh với công suất lên đến 5 triệu m2/năm. Tháng 12/2014, Navifico đã thực hiện đơn hàng đầu tiên xuất khẩu tấm lợp không amiăng sang thị trường Ai Cập.

Điều oái oăm là, trong khi những sản phẩm “sạch” được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc chấp nhận thì những tấm lợp không amiăng lại không thể tiếp cận thị trường nội địa.

Sự ‘ghẻ lạnh’ khó hiểu

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Quang Diệm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, tổ chức đang đưa ra nhiều lý do khác nhau để đề nghị tiếp tục "sử dụng amiăng ổn định và lâu dài", cho rằng, giá thành của tấm lợp không amiăng quá cao so với tấm lợp fibro ximăng nên không được người dùng chấp nhận.

Tuy nhiên, theo con số của Hiệp hội Tấm lợp, giá của 1m2 tấm lợp amiăng vào khoảng 32-34 ngàn đồng ở phía Bắc và 40-41 ngàn đồng ở phía Nam. Trong khi đó, giá của tấm lợp không amiăng dao động từ 50-52 ngàn đồng.

Như vậy, thực tế, chênh lệch giá cả giữa hai loại tấm lợp không hơn nhau nhiều, chỉ từ 10 - 18 ngàn đồng/m2. Tuy nhiên, hình thức của tấm lợp không amiăng khi quan sát bằng mắt thường không khác gì nhiều với tấm lợp có sử dụng amiăng, thành ra người dân có tâm lý chọn loại rẻ hơn mà không biết sự khác biệt về bản chất giữa chúng.

{keywords}
Tấm lợp không amiăng đang bị 'ghẻ lạnh'? (Ảnh: Lê Văn)

TS Đỗ Quốc Quang cho rằng, sự hạn chế trong nhận thức của người tiêu dùng về amiăng cũng như sản phẩm thay thế là nguyên nhân khiến sản phẩm tấm lợp không amiăng khó tiếp cận thị trường, chứ không phải là giá thành.

Ông Quang cũng cho biết, hiện nay, nhiều người không biết tới các sản phẩm thay thế amiăng. "Mới đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng vẫn khẳng định chúng ta chưa có công nghệ thay thế amiăng", ông Quang ngậm ngùi.

Trong khi đó, tính tới nay, đã có tới 17 đoàn từ các quốc gia khác nhau tới tham quan dây chuyền sản xuất thay thế amiăng tại nhà máy Tân Thuận Cường, theo thông tin của ông Đạt.

Trước đó, trong bức thư  gửi cho Thủ tướng kiến nghị về việc Việt Nam nên cấm sử dụng amiăng hôm 5/8 vừa qua, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng khẳng định: “Tại Việt Nam, đã có những vật liệu thay thế amiăng sản xuất ở quy mô công nghiệp”.

Trong lá thư này, đại diện WHO đồng thời khẳng định, việc tăng cường sản xuất các vật liệu thay thế amiăng sẽ làm giảm giá thành của loại vật liệu này để hướng tới các đối tượng sử dụng là những người nghèo, có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, theo ông Võ Quang Diệm, các tấm lợp thay thế amiăng không có độ bền và khả năng chịu khí hậu nóng ẩm của Việt Nam như tấm lợp amiăng do "công nghệ chưa chuẩn".

Về vấn đề này, TS Đỗ Quốc Quang khẳng định, các tấm lợp không amiăng hiện nay có độ bền và độ thấm nước tương đương các tấm lợp amiăng - xi măng, đạt Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 4434:2000) của Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, ông Quang cũng cho biết, tấm lợp được sản xuất tại Tân Thuận Cường cũng nhận được giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Chúng ta cứ nói rằng, khí hậu ở Việt Nam khắc nghiệt. Thực tế, khí hậu ở những vùng như Nhật Bản, Hàn Quốc còn khắc nghiệt hơn nhiều", ông Quang nói. "Tôi đã trực tiếp tham gia nhiều quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm của Hàn Quốc. Họ làm rất kỹ lưỡng và nghiêm ngặt", vị này cho biết thêm.

Sản phẩm được thị trường khó tính của nước ngoài chấp nhận, cấp giấy chứng nhận chất lượng song lại không tiếp cận được thị trường nội địa đang khiến các doanh nghiệp như Tân Thuận Cường đang phải vật lộn tồn tại bằng cách tiếp tục sản xuất các tấm lợp sử dụng amiăng.

Điều đáng nói là, đại diện Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam lại coi việc các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp thay thế amiăng như Tân Thuận Cường vẫn phải sản xuất tấm lợp sử dụng chất amiăng độc hại như một “minh chứng” cho thấy amiăng là “không thể thay thế”.

"Không dùng sợi amiăng thì các doanh nghiệp đã sập tiệm từ lâu", ông Võ Quang Diệm tự hào khẳng định.

Ông Diệm cho rằng, quan điểm của Hiệp hội là tiếp cận nhiều loại sợi mới, tìm kiếm sợi thay thế song "nói đến các công nghệ mới phải khách quan, không được phóng đại, chưa thành công lại nói thành công". 

Tuy nhiên, không hiểu "sự chưa thành công" mà vị đại diện Hiệp hội nói tới là gì khi hàng năm, các dây chuyền này vẫn xuất khẩu 200 ngàn m2 tấm lợp không amiăng sang các thị trường như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Câu hỏi nhiều người băn khoăn hơn là, điều gì khiến một hiệp hội của toàn ngành tấm lợp lại chỉ lo bảo vệ cho bộ phận 30% ngành tấm lợp sử dụng amiăng, vốn đã được các tổ chức uy tín thế giới khuyến cáo là độc hại, trong khi lại có phần “ghẻ lạnh” với một công nghệ được phát triển tại Việt Nam và được thị trường quốc tế chấp nhận?

Sợi PVA có nguy hiểm như sợi amiăng?

Ông Võ Quang Diệm cũng cho rằng, sợi PVA sử dụng trong dây chuyền công nghệ thay thế amiăng cũng tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe giống như sợi amiăng. Và rằng, sợi PVA mới chỉ sử dụng khoảng 10-20 năm trở lại đây do vậy vẫn cần thời gian để nghiên cứu.

{keywords}

Sợi PVA đang được sử dụng trong dây chuyền thay thế amiăng tại Tân Thuận Cường.

Thực tế, theo các nghiên cứu các loại sợi nhân tạo thay thế cho sợi amiăng như PVA, PVC, PAN đều không gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người.

Theo WHO, các sợi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe là các sợi có đường kính dưới 3 micromet và có độ dài dưới 5 micromet. Trong khi đó, các loại sợi nhân tạo như sợi PVA có đường kính 14 micromet và độ dài từ 4-6 mm.

Bên cạnh đó, khi bị đập vỡ, các sợi amiăng sẽ tạo thành các sợi có thớ nhỏ hơn (nguyên nhân khiến amiăng gây hại khi hít vào phổi), trong khi sợi PVA nhân tạo thì không.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật bản cũng cho thấy, các sợi PVA khi được đưa vào trong tế bào chuột thí nghiệm không gây ra các sai lệch về cấu trúc của tế bào.

Các nhà khoa học Nhật Bản cũng khẳng định không tìm thấy sự khác biệt giữa những người tiếp xúc với sợi PVA và những người không tiếp xúc.

Ủy ban khoa học về độc tính, độc tính sinh thái và môi trường (CSTEE) của Liên minh Châu Âu cũng khẳng định các sợi hữu cơ thay thế ít hại hơn sợi amiăng trắng.

Ngoài ra, theo TS Đỗ Quốc Quang, trong các tấm lợp thay thế amiăng tại Việt Nam, lượng sử dụng của sợi PVA rất thấp, chỉ vào khoảng 1,5%. Trong khi hàm lượng amiăng trong tấm lợp theo tiểu chuẩn là từ 10-12%.

  • Lê Văn