Quan niệm phổ biến lâu nay là, khi một ngôi sao khổng lồ, lớn gấp nhiều lần khối lượng mặt trời, chết, nó sẽ tự sụp đổ và hình thành một lỗ đen - nơi có lực hấp dẫn mạnh tới mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra khỏi đó. Tuy nhiên, một nhà khoa học đang gây xôn xao giới học giả khi phủ nhận sự tồn tại của lỗ đen và tuyên bố bà có bằng chứng toán học chứng minh điều này.


 Video mô phỏng lỗ đen như quan niệm lâu nay.

Nếu phát hiện của giáo sư Laura Mersini-Houghton đến từ trường Đại học North Carolina (Mỹ) là đúng, nghiên cứu của bà có thể buộc các chuyên gia vật lý từ bỏ các giả thuyết trước đây của họ về cách vũ trụ khởi phát như thế nào.

Theo giáo sư Mersini-Houghton, khi một ngôi sao chết, nó giải phóng một dạng bức xạ gọi là bức xạ Hawking, vốn được đặt tên theo giáo sư Stephen Hawking - người đã dự đoán về hiện tượng này. Tuy nhiên, trong quá trình này, bà Mersini-Houghton tin rằng, ngôi sao cũng sẽ mất dần khối lượng, nhiều tới mức nó không còn đủ mật độ dày đặc để trở thành một lỗ đen.

Bà Mersini-Houghton nói, trước khi lỗ đen có cơ hội hình thành, ngôi sao đang hấp hối sẽ phình to và nổ tung. Hiện tượng dị thường (lỗ đen hình thành) như phỏng đoán lâu nay không xảy ra và cả sự kiện đường chân trời - ranh giới của lỗ đen, nơi thậm chí cả ánh sáng cũng không thể thoát ra ngoài - cũng như vậy.

"Tôi không quá sốc với phát hiện trên. Chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này hơn 50 năm và kết quả khiến chúng tôi có nhiều điều phải suy nghĩ", giáo sư Mersini-Houghton bộc bạch.

Bằng chứng thực nghiệm một ngày nào đó có thể cung cấp chứng cớ vật lý về việc liệu hố đen có tồn tại trong vũ trụ hay không. Dẫu vậy, hiện tại, bà Mersini-Houghton cho rằng, toán học có thể giúp biện luận.

Ngoài ra, nghiên cứu của bà Mersini-Houghton có thể đặt ra hoài nghi về tính xác thực của thuyết Big Bang.

Hầu hết các chuyên gia vật lý tin rằng, vũ trụ bắt nguồn từ một hiện tượng dị thường, khởi phát bằng vụ nổ Big Bang cách đây khoảng 13,8 tỉ năm. Tuy nhiên, nếu các hiện tượng dị thường không tồn tại, như dự đoán một phần của giáo sư Mersini-Houghton, khi đó, giả thuyết cũng sẽ bị nghi ngờ.

Một trong những lí do khiến các lỗ đen vô cùng kỳ lạ là chúng khiến 2 giả thuyết căn bản về vũ trụ mâu thuẫn nhau. Cụ thể là, thuyết vạn vật hấp dẫn của Einstein phỏng đoán sự hình thành của các lỗ đen, nhưng một giải thuyết căn bản về quy luật lượng tử lại tuyên bố rằng, không có bất kỳ dạng thông tin nào của vũ trụ từng có thể biến mất.

Những nỗ lực nhằm kết hợp 2 giả thuyết này đều chứng minh có vấn đề và giới khoa học gọi đó là nghịch lý thông tin lỗ đen. "Vật chất có thể biến mất vĩnh viễn trong một lỗ đen như phỏng đoán như thế nào" hiện vẫn còn là một câu hỏi hóc búa, chưa có lời giải đáp đối với thế giới.

Giả thuyết mới của giáo sư Mersini-Houghton đã tìm được cách kết hợp 2 giả thuyết căn bản trên về mặt toán học, nhưng lại mang đến hiệu ứng không mong muốn đối với những người kỳ vọng các lỗ đen tồn tại.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)