Liberia đang lên kế hoạch khởi tố một hành khách đi máy bay, đã mang virus Ebola vào đất Mỹ, với cáo buộc rằng anh ta đã khai man bảng câu hỏi tại sân bay về việc không tiếp xúc với bất kỳ người nào nhiễm mầm bệnh nguy hiểm, đang hoành hành ở Tây Phi.


{keywords}

Thomas Eric Duncan - người Liberia đã mang virus Ebola tới Mỹ và phát bệnh sau khi đặt chân tới đất nước này. Ảnh: Facebook

Thomas Eric Duncan đã phải trả lời hàng loạt câu hỏi về sức khỏe và hoạt động trước khi rời Liberia để lên đường tới Dallas thuộc bang Texas, Mỹ thăm họ hàng ngày 19/9. Trong mẫu khảo sát, Duncan đều trả lời không cho mỗi câu hỏi, bao gồm cả câu hỏi về việc liệu anh ta có từng chăm sóc bệnh nhân Ebola hay chạm vào cơ thể của bất kỳ ai tử vong trong một khu vực chịu ảnh hưởng của virus Ebola hay không.

"Chúng tôi mong chờ mọi người làm việc đó (khai bảng khảo sát) một cách chính trực", Binyah Kesselly, Chủ tịch Ban quản trị của Cơ quan quản lý sân bay Liberia ở thủ đô Monrovia, nhấn mạnh. Cơ quan này đã được Bộ Tư pháp Liberia cấp quyền thu thập thông tin theo cách này.

Duncan đã đến Dallas ngày 20/9 và phát bệnh vài ngày sau đó. Chị của Duncan xác nhận, anh ta đã mang trong mình mầm bệnh "nhiễm 10 người, chết 9". Những người hàng xóm ở thủ đô Liberia tin rằng, Duncan bị nhiễm Ebola khi giúp một người hàng xóm mang bầu bị ốm lên taxi và đi cùng tới nơi khám chữa y tế cách đây vài tuần.

Hãng thông tấn CBC dẫn lời nữ Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf tuyên bố bà "vô cùng tức giận" vì anh Duncan đã rời Liberia sau khi phơi nhiễm Ebola và rằng hành động đó của anh ta là "không thể tha thứ được". Bà Sirleaf bày tỏ hy vọng, không có ai khác bị nhiễm virus nguy hiểm trên đất Mỹ.

Hãng hàng không United Airlines mới đây cũng lên tiếng tiết lộ, Duncan đã tới Mỹ trên các chuyến bay của họ từ Brussels (Bỉ) tới Washington Dulles (Mỹ) và sau đó từ Dulles tới Dallas (Texas, Mỹ). Hãng quả quyết đã tiến hành "tẩy rửa cẩn thận" cả 2 chiếc máy bay có mặt Duncan.

Bất chấp việc Duncan truyền nhiễm Ebola vào Mỹ, phát ngôn viên của Liên hợp quốc Stephane Dujarric tin rằng, hoạt động hàng không tới hoặc xuất phát từ các nước Tây Phi đang bị dịch Ebola hoành hành, nên tiếp tục. Theo ông Dujarric, một điều rất quan trọng là không nên cô lập các nước này vì động thái đó sẽ trầm trọng hóa tình hình kinh tế và chính trị của họ. Các nhóm cứu trợ nhân đạo cũng cần được tiếp cận với khu vực.

Trong khi đó, tại bang Texas, các quan chức y tế Mỹ đã liên lạc với khoảng 100 người có thể tiếp xúc trực tiếp với Duncan hoặc ai đó gần gũi với anh ta. Chưa có người nào trong số này cho thấy triệu chứng bệnh, nhưng nhà chức trách đã tuyên truyền các thông tin cần thiết cho họ về Ebola và yêu cầu họ thông báo với các nhân viên y tế nếu bị ốm.

Chuyên gia Erikka thuộc cơ quan quản lý y tế của hạt Dallas tiết lộ, nhóm nguy cơ này cũng sẽ được theo dõi để xem liệu có ai trong số họ phải chữa trị y tế trong 3 tuần ngay sau thời gian tiếp xúc với Duncan hay không.

Các triệu chứng bệnh Ebola có thể bao gồm cả sốt, đau cơ, nôn mửa và chảy máu. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới 21 ngày sau khi chúng ta tiếp xúc với virus. Bệnh sẽ không mang tính truyền nhiễm cho tới khi các triệu chứng khởi phát. Bệnh cũng chỉ lây lan qua tiếp xúc gần gũi với dịch cơ thể của người nhiễm virus.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus Ebola đã tấn công hơn 7.100 người ở Tây Phi và cướp đi sinh mạng của hơn 3.300 nạn nhân trong số đó. Liberia là một trong số 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch bùng phát lần này, cùng với 2 nước láng giềng Sierra Leone và Guinea.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail, CNN)