- Sự kiện đó diễn ra ngày 15/01/2015, tại Hà Nội, trong lễ khai mạc phiên họp lần thứ 21 của Hội đồng Ủy hội Quốc tế sông Mekong. Mục tiêu phiên họp: đánh giá các hoạt động trong năm 2014 (sự cố đập Don Sahong (Lào) cũng được nhắc đến) và đề ra phương hướng cho năm tiếp theo 2015.
Mở đầu phiên họp là cuộc chuyển giao trọng thể chức Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Dapong Ratanasuwan nhiệm kỳ trước 2013 - 2014 và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang nhiệm kỳ mới 2014 - 2015.
Sự chuyển giao Chức vụ Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế giữa Chủ tịch cũ (trái) và mới (phải). Theo TN&MT. |
Tham dự Phiên họp có các đoàn đại biểu của Campuchia, Lào và Thái Lan do Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Ủy hội dẫn đầu. Cùng dự có khoảng 20 đoàn đại biểu đại diện cho các đối tác chiến lược (các quốc gia thượng nguồn, các quốc gia tài trợ, các tổ chức quốc tế và quan sát viên).
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Thái Lan Dapong Ratanasuwan đã chia sẻ một số thành tựu trong nhiệm kỳ Thái Lan làm Chủ tịch Hội đồng, đồng thời cũng nêu lên một số thách thức mà các quốc gia thuộc Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, đồng thời, hy vọng, Việt Nam với vai trò Chủ tịch Ủy hội nhiệm kỳ mới sẽ dẫn dắt ứng phó với những thách thức này.
Và ông bổ sung và nhấn mạnh thêm: “Vẫn còn những thách thức đòi hỏi chúng ta cần phải phối hợp chặt chẽ hơn để giải quyết các vấn đề ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu như: lũ lụt, hạn hán cũng như những tác động từ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng... Tôi tin rằng Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ 2014-2015 sẽ dẫn dắt chúng ta ứng phó với những hậu quả và thách thức này. Tôi mong rằng, các thành viên, các đối tác đối thoại cũng như các đối tác phát triển đều nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy hơn nữa tinh thần hợp tác sông Mekong nhằm đạt được tầm nhìn chung cho lưu vực sông Mekong phát triển bền vững và người dân của các quốc gia nằm trong lưu vực này”.
Phiên họp toàn thể Hội đồng Ủy hội Quốc tế sông Mekong 2015 ở Hà Nội. Theo TN&MT. |
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong mới, trong bài phát biểu ông Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để giúp Ủy hội đạt được những mục tiêu chung đã đặt ra.
Ông cho biết, trong thời gian vừa qua, Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các quốc gia thành viên đã rất nỗ lực trong triển khai thực hiện các cam kết của Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh. Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước đã và đang được đẩy mạnh thực hiện ở cả hai cấp độ quốc gia và lưu vực. Ủy hội cũng đồng thời tiến hành cập nhật Chiến lược phát triển lưu vực cho giai đoạn 2016-2020.
Ông nhấn mạnh sự kiện quan trọng: Trong năm vừa qua, Hội đồng ủy hội đã thống nhất tiến hành quá trình tham vấn trước đối với công trình thủy điện Đon Sahong của Lào dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mekong. Đây là tín hiệu tốt thể hiện quyết tâm của các quốc gia thành viên trong việc “Thực hiện Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận”. Song song với quá trình đó, Ủy hội đã đẩy mạnh thực hiện Nghiên cứu chung của Ủy hội về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm cả những tác động từ các dự án thủy điện dòng chính... Với tiến độ và kết quả đạt được trên đây, tin tưởng chắc chắn rằng sự hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực sông Mekong sẽ ngày càng được củng cố và phát triển.
Theo Bộ trưởng, trước mắt vẫn còn có những khó khăn thách thức. Đó là sự phát triển kinh tế nhanh chóng và gia tăng sử dụng nước trong lưu vực đã gây ra áp lực rất lớn lên tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mekong. Ông đề nghị Ủy hội cần triển khai đồng bộ các hoạt động ưu tiên sau đây: a/ Đẩy mạnh thực hiện “Nghiên cứu chung của ủy hội” về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm cả những tác động từ các dự án thủy điện dòng chính. Kết hợp với các kết quả nghiên cứu của Việt Nam, các kết quả trên là cơ sở khoa học vững chắc để chúng ta xem xét và đưa ra quyết định phù hợp cho kế hoạch phát triển thủy điện dòng chính sông Mekong. b/ Hoàn thành rà soát và cập nhật Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý Tổng hợp Tài nguyên nước và xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược cho giai đoạn 2016-2020. c/ Tiếp tục tăng cường thực hiện các Thủ tục của ủy hội, trong đó có Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận đối với công trình thủy điện Don Sahong của Lào. Tiếp tục tăng cường khả năng tự chủ của Ủy hội thông qua việc hoàn thành từng bước lộ trình chuyển giao các chức năng cơ bản của ủy hội về cho các quốc gia thành viên, chuẩn bị phương án tái cấu trúc Ban Thư ký ủy hội và tăng cường năng lực cho cán bộ Ban Thư ký và các quốc gia thành viên.
Dự kiến, Phiên họp lần thứ 21 Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ diễn ra trong hai ngày, khai mạc ngày 15 và dự kiến bế mạc ngày hôm nay 16/1/2015.
Minh Trần