Nhà chức trách Mỹ mới đây đã bắt giữ một phụ nữ khi người này đang cố gắng bán một mảnh đá có nguồn gốc mặt trăng với cái giá "trên trời" 1,7 triệu USD. Câu chuyện nóng hổi này góp phần làm phong phú thêm "Kỳ án Mỹ lên Mặt trăng" hay làm rõ  thêm nghi vấn có bao nhiêu chuyến tàu đưa người lên Mặt trăng là có thực, là bịa đặt....

TIN BÀI LIÊN QUAN

Một viên đá mặt trăng trưng bày tại bảo tàng Rijksmuseum ở Hà Lan về sau được phát hiện là đồ giả. Ảnh: Getty Images.

Báo The Independent đưa tin, các thanh tra của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) và cảnh sát hạt Riverside, bang California cuối tuần trước đã bắt giữ một phụ nữ đang âm mưu bán đá mặt trăng cho một nhà sưu tập, thực chất là điều tra viên NASA giả dạng tại một nhà hàng ở Lake Elsinore, cách thành phố Los Angeles khoảng 112km về phía đông nam. Danh tính của người phụ nữ không được tiết lộ.

Theo các nguồn tin, nhà chức trách đã ập vào đọc lệnh bắt giữ sau khi cả người bán và người mua thống nhất giá phải trả là 1,7 triệu USD và người phụ nữ rút viên đá quý hiếm ra khỏi túi. Tại Mỹ, việc bán đá mặt trăng là bất hợp pháp do chúng được coi là tài sản quốc gia và đã được Tổng thống Mỹ khi đó - Richard Nixon trao làm quà tặng cho tất cả các bang trong nước cũng như 136 quốc gia trên thế giới sau khi các phi hành gia Mỹ hoàn tất sứ mệnh thám hiểm mặt trăng mang chúng trở về trái đất năm 1969. Đá mặt trăng có thể đem về khoản lợi nhuận tới hàng triệu USD trên thị trường chợ đen.

Các nhà du hành vũ trụ tham gia các sứ mệnh thám hiểm trên tàu Apollo của NASA trong giai đoạn 1969 - 1972 đã mang về Mỹ khoảng 2.200 mẫu đá mặt trăng, mẫu lõi, sỏi, cát và bụi, nặng tổng cộng gần 380kg. Một thống kê gần đây cho thấy, 10 bang thuộc Mỹ và hơn 90 quốc gia đã để thất lạc các viên đá mặt trăng từng được tặng làm quà.

Một cựu quan chức NASA cho biết, loại đá mặt trăng được chào bán phổ biến nhất trên Internet là "hàng rởm", mặc dù đá mặt trăng đích thực có thể được đem ra giao dịch một cách hợp pháp nếu chúng rơi tự nhiên xuống trái đất như thiên thạch. Các điều tra viên tiết lộ, tang vật trong vụ bắt giữ tuần trước sẽ được đưa đi kiểm tra để xác định nó có phải đồ thật hay không.

70% các mẫu đất, đá mặt trăng của NASA đang được cất giữ tại Trung tâm vũ trụ Johnson, trong khi 14% mẫu vật khác hiện trong kho ở New Mexico. Số mẫu vật còn lại hoặc đang được cho mượn để nghiên cứu và trưng bày, hoặc đã bị thất lạc. Năm 2009, bảo tàng Rijksmuseum ở Hà Lan lên tiếng xác nhận, một trong những viên đá mặt trăng trưng bày của họ là đồ giả, không phải là nguyên bản do phi hành đoàn Apollo 11 thu thập. Năm 1998, NASA đã thu hồi một viên đá mặt trăng từng được tặng cho Honduras sau khi một nhà sưu tập người Miami đề nghị mua nó với giá 5 triệu USD.

  • Thanh Bình