Thảm họa tháng 3/2011 do động đất sóng thần còn để lại cho đất nước Phù Tang những hậu quả nặng nề. Bản kế hoạch phát phát triển các nguồn năng lượng, bao gồm điện hạt nhân, của nước này đang được hoàn chỉnh để góp phần khắc phục những hậu quả đó.
Ngày đầu tháng Năm vừa qua (1/5/2015), Viện Nikkei BP CleanTech Institute ở Nhật Bản đã đưa ra một thông tin được các cơ quan thông tin của Nhật và thế giới chờ đợi. Theo đó, ngày 28/4/2015, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản trình bày trước một tiểu ban thuộc Ủy ban Tư vấn Tài nguyên và Năng lượng bản Kế hoạch Phát triển các nguồn năng lượng (tỷ lệ thành phần cho các nguồn điện khác nhau) đến năm 2030.
Nhà máy điện hạt nhân Sendai với tổ máy số 1 và số 2 có triển vọng nằm trong số các nhà máy được tái khởi động đầu tiên. Hình: Nguồn Kyushu. |
Đáng chú ý, trong bản kế hoạch vừa dưa ra này, vào năm 2030 tỷ lệ đóng góp vào tổng điện năng quốc gia của hai thành phần năng lượng quan trọng: điện năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ là 22-24% và điện hạt nhân là 22-20%. Như vậy, nếu tỷ lệ điện NLTT tạo đạt 24%, thì điện hạt nhân sẽ chỉ đóng góp 20%. Điều này có nghĩa là tỷ lệ điện NLTT sẽ cao hơn so với điện hạt nhân 4 điểm (tức 4%). Ngoài ra, tỷ lệ dự kiến các nguồn điện năng bằng cách sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), than đá, dầu được dự kiến sẽ là 27%, 26% và 3%, tương ứng.
Nếu so sánh với tỷ lệ các thành phần điện năng trong tài khóa 2013 trước đây (NLTT: 11%, LNG: 43%, than: 30%), tỷ lệ điện hạt nhân rõ ràng sẽ tăng vụt lên do việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân, và tỷ lệ điện năng lượng tái tạo sẽ tăng thêm 13 %, tức gấp đôi. Ngược lại, tỷ lệ của điện LNG và điện than sẽ giảm xuống 16 và 4 %, tương ứng. Điều này có nghĩa là mức độ phụ thuộc của tổng sản lượng điện quốc gia vào nguồn nhiệt điện sẽ giảm mạnh.
Cũng theo các số liệu trên đây, mặc dù điện hạt nhân sẽ được hồi phục, nhưng so với tỷ lệ thành phần trung bình trong 10 năm trước khi thảm họa động đất sóng thần Fukushima (27%) nó sẽ giảm bớt từ 5-7 điểm (5-7%). Và, đương nhiên, trong trường hợp đó, thời gian hoạt động của nhiều nhà máy điện hạt nhân phải được kéo dài từ 40 năm (quy luật chung) lên 60 năm.
Như Cơ quan thông tin hạt nhân thế giới WNN (word nuclear news) đưa tin, bản báo cáo dự thảo kế hoạch năng lượng của Nhật Bản đến năm 2030 đã được phê chuẩn bởi Tiểu ban Cung cấp Năng lượng Dài hạn và Triển vọng Nhu cầu thuộc Ủy ban Tư vấn về Năng lượng và Tài nguyên thông qua vào ngày 1/6/2015 mới đây.
Cũng theo WNN, trong bản báo cáo kế hoạch này của Bộ METI đã đưa ra con số về tổng nhu cầu điện lượng ở Nhật Bản sẽ tăng từ 940 TWh trong năm 2013 lên 980,8 TWh vào năm 2030. Và WNN cũng xác nhận các con số sau: Trong năm 2013 thành phần điện LNG chiếm 43,2% tổng điện năng của Nhật Bản, than chiếm 30,3% và dầu mỏ chiếm 14,9%, riêng thành phần điện hạt nhân chỉ chiếm 1,7% và phần còn lại là đóng góp của các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT). Số liệu trên đây được cho biết là dẫn từ Diễn đàn công nghiệp nguyên tử Nhật Bản (JAIF). Có thể xem minh họa sự biến đổi các thành phần điện năng đến năm 2030 ở hình vẽ kèm theo dưới đây.
Mô tả sự chuyển đổi cơ cấu năng lượng của Nhật từ năm 2013 đến năm 2030 (Ảnh: JAIF) |
Điều đáng chú ý là đến năm 2030 (so với năm 2013) tỷ lệ đóng góp vào tổng điện năng quốc gia của các thành phần điện năng như sau: 20%-22% bởi năng lượng hạt nhân, 22%-24% bởi các nguồn năng lượng tái tạo, trong khi thị phần than sẽ được giảm xuống 26%, thị phần LNG giảm xuống 27% và dầu chỉ còn đóng góp 3%.
Điều đáng lưu ý nữa là thị phần đóng góp vào lưới điện quốc gia Nhật Bản bởi nguồn điện hạt nhân tối thiểu cũng là 20%. Điều này chỉ có thể được đảm bảo bằng cách khởi động các nhà máy điện hạt nhân đã qua xác nhận đảm bảo tiêu chuẩn an toàn mới nhất.
Toàn bộ bản báo cáo về kế hoạch năng lượng của Nhật Bản trình bày trên đây, sau khoảng thời gian một tháng sẽ được đưa ra lấy ý kiến công chúng và bấy giờ sẽ được Bộ METI chính thức xem là bản chính thức.
Đây là lần thứ tư Nhật Bản công bố Kế hoạch năng lượng cơ bản của quốc gia mình. Các kế hoạch trước đó từng được thông qua vào các năm 2003, 2007 và 2010.
Riêng đối với lần thứ thứ tư này, bản kế hoạch năng lượng của Bộ METI được đưa ra trong bối cảnh chính trị của nước Nhật cũng như thái độ của công chúng xem chừng có nhiều biểu hiện khác nhau. Như vậy, chính phủ của ông Shinzo Abe hẳn sẽ phải vượt qua nhiều trở lực để tiến về phía trước.
Trần Minh