Suốt nhiều thế kỷ qua, nhà thám hiểm người Italia Christopher Columbus được tin là có công khám phá ra châu Mỹ. Tuy nhiên, những hình điêu khắc cổ xưa, được chạm trổ vào các phiến đá quanh nước Mỹ có thể đòi hỏi phải viết lại lịch sử và ghi công trạng này cho người Trung Quốc.


Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều chữ điêu khắc cổ ám chỉ, các nhà thám hiểm Trung Quốc có thể khám phá ra châu Mỹ rất lâu trước khi những người châu Âu tới được đó. Cụ thể là, họ đã tìm thấy các chữ tượng hình giống chữ Trung Quốc cổ được khắc tạc lên những phiến đá khắp nước Mỹ cách đây hàng ngàn năm, bên cạnh các tác phẩm điêu khắc của thổ dân châu Mỹ.

{keywords} 

John Ruskamp, một nhà hóa học nghỉ hưu và cũng là một nhà nghiên cứu chữ khắc nghiệp dư đến từ bang Illinois của Mỹ, đã khám phá ra các dấu vết điêu khắc khác thường trong khi đi bộ trong khu Công trình kỷ niệm thuật điêu khắc quốc gia ở Albuquerque, bang New Mexico.

Ông tuyên bố, chúng ám chỉ người châu Á đã hiện diện ở châu Mỹ vào khoảng năm 1.300 trước Công nguyên, tức là gần 2.8000 năm trước khi các tàu thám hiểm của Christopher Columbus đi lạc đến đây - Tân Thế giới, bắt đầu bằng việc di chuyển vào vùng biển Caribbe vào năm 1492.

Ông Ruskamp nhấn mạnh: "Những chữ viết Trung Quốc cổ xưa này ở Bắc Mỹ không thể là thứ giả tạo, vì các dấu vết và phong cách chữ viết có niên đại rất lâu đời. Kết quả của nghiên cứu khoa học này xác thực, người Trung Quốc cổ đại đã thám hiểm và tương tác tich cực với thổ dân bản địa cách đây hơn 2.500 năm. Nó cũng cho thấy, đây dường như đơn thuần là một cuộc thám hiểm, thay vì chuyến đi tìm nơi định cư mới".

Tuy nhiên, quan điểm của ông Ruskamp gây rất nhiều tranh cãi và vấp phải sự hoài nghi của nhiều chuyên gia, những người nhấn mạnh đến việc thiếu bằng chứng khảo cổ về bất kỳ sự hiện diện nào của người Trung Quốc ở Tân Thế giới.

Ông Ruskamp không phải là người đầu tiên tuyên bố, người Trung Quốc mới có công khám phá ra châu Mỹ. Trước đây, Trung úy chỉ huy tàu ngầm đã nghỉ hưu Gavin Menzies từng quả quyết, một đội tàu của Trung Quốc đã đến Bắc Mỹ vào năm 1421, 70 năm trước cuộc thám hiểm của Columbus.

Dẫu vậy, ông Ruskamp tin rằng, việc giao tiếp giữa người Trung Quốc và thổ dân châu Mỹ có thể tiếp dẫn lâu hơn nhiều. Ông nói đã nhận diện được 84 chữ tượng hình phù hợp với các di chỉ cổ xưa, độc nhất vô nhị của Trung Quốc ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp nước Mỹ, kể cả tại các bang New Mexico, California, Oklahoma, Utah, Arizona và Nevada.

{keywords} 

Theo ông Ruskamp, một nửa trong số các chữ tượng hình này đã được các chuyên gia về chữ cổ Trung Quốc nghiên cứu và xác thực, chúng dường như là dạng chữ viết được dùng cách đây hàng ngàn năm. Trong đó, các chữ điêu khắc cổ trên các phiến đá ở Albuquerque dường như là chữ viết cổ được người Trung Quốc sử dụng sau khi kết thúc triều đại nhà Thương, vào khoảng năm 1046 trước Công nguyên, và chạm khắc vào đá trong một nghi lễ hiến tế cổ.

Ông Ruskamp đã viết một cuốn sách cũng như một bài báo khoa học về vấn đề này và đang chờ đợi sự bình duyệt của các chuyên gia. Trong báo cáo nghiên cứu của mình, ông Ruskamp lưu ý, các chữ điêu khắc cổ trên đá của Trung Quốc có vẻ đã trải qua quá trình phong hóa đáng kể, ám chỉ chúng được tạo ra cách đây rất lâu, chứ không phải trong vòng 150 vừa qua.

Ông Ruskamp cũng chỉ ra bằng chứng ADN cho thấy, thổ dân châu Mỹ và các dân tộc châu Á có nhiều đặc điểm di truyền giống nhau. Ông quả quyết: "Suốt nhiều thế kỷ, các nhà nghiên cứu đã tranh cãi xem liệu ở các thời kỳ trước Columbus có thể xảy ra các giao tiếp có ý nghĩa giữa người châu Á và thổ dân châu Mỹ hay không. Các chữ khắc đá cổ là bằng chứng chứng minh, các nhà thám hiểm châu Á không chỉ từng đặt chân tới châu Mỹ, mà còn giao tiếp tích cực với thổ dân Bắc Mỹ vào nhiều dịp khác nhau, rất lâu trước khi diễn ra bất kỳ cuộc thám hiểm nào trên lục địa này của người châu Âu".

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)