Nếu như phải tóm tắt tất cả các kiến thức khoa học về việc giảm cân, thì đó chính là: Ăn ít, vận động nhiều. Tuy nhiên, do bạn nghe câu thần chú đó quá nhiều lần nên ý nghĩa của nó cũng trở nên nhàm trong suy nghĩ của bạn.


{keywords}

Trên thực tế, việc giảm cân khó đến mức nhiều người từng thử nhưng thất bại nên đành bỏ cuộc. Tính toán lượng calo hấp thụ, lượng calo bị đốt cháy, kiềm chế sự căng thẳng, điều độ giấc ngủ... tất cả đều phải hoàn hảo. Trong khi đó, chúng ta lại dễ dàng mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn khi nỗ lực giảm cân, chẳng hạn như luôn tự lừa dối cơ thể về việc ta ăn nhiều, tập nhiều hay ít.

Dưới đây là 5 lỗi phổ biến mà vô cùng nhiều người mắc phải trên hành trình đi tìm lại hình chữ S cho cơ thể:
1. Cố gắng giảm mỡ cục bộ (đùi, mông, eo):

Nghe hợp lý mà, khi bạn tập động tác crunch, bạn có thể cảm nhận được tác động của nó ở vùng bụng mình... theo lý thì bạn phải giảm được cân và mỡ ở vùng bụng chứ? Tương tự, khi tập nhấc chân, bạn có thể cảm thấy đau, mỏi ở cơ đùi trên? Hẳn là một cặp đùi thon gọn không quá xa vời.

Nhưng thật không may, cơ thể chúng ta không vận hành theo cách đó. Nó là một hệ thống tổng thể, nên khi bạn chỉ tập một vùng cơ cục bộ nhất định, điều duy nhất bạn làm là rút năng lượng từ chỗ này đập sang chỗ khác mà thôi. Giống như hệ thống điều hòa trong nhà vậy. Đóng một cái cửa sẽ không thể làm mát cả ngôi nhà được.

Tất nhiên, bạn tập cơ bụng 6 múi hay các bài tập squat cho đùi chẳng có gì sai. Chỉ có điều tập mãi, tập mãi mà không đạt được mục tiêu mong muốn sẽ khiến bạn nhụt chí, mất động lực tập tiếp mà thôi.
2. Tập sai động tác/bài tập

Bản năng của cơ thể là luôn chọn lấy con đường đơn giản nhất, ít đau đớn nhất để đạt được mục đích. Do đó, nếu như có thể đổi bài tập nâng tạ sang đạp xe để giảm cân thì chắc chắn cơ thể sẽ hoan nghênh nhiệt liệt ngay. Vấn đề là, tập sai không chỉ tiềm ẩn nguy cơ khiến cơ thể bị thương mà còn là sự lãng phí thời gian nữa. Mỗi lần như vậy, cơ thể bạn không tập trung vào đúng điểm mỡ cần tiêu diệt, cũng chẳng tăng cường đúng nhóm cơ cần thiết.

Lời khuyên đưa ra là luôn quan sát mình trong gương, nhất là với các bài tập tăng cường sức mạnh.

3. Quên mất là bạn không còn ở tuổi "bẻ gẫy sừng trâu" nữa

Khi 20 tuổi, bạn có thể tập luyện nhiều giờ liên tục hay thức cả đêm học bài cũng không sao. Bây giờ, một đêm thức trắng cộng với 2 giờ tập liên tục có thể khiến bạn nhập viện như chơi.

Đừng bao giờ ảo tưởng về sức khỏe của mình. Thể trạng của ta ở các lứa tuổi không giống nhau do đó chế độ tập luyện và các bài tập cũng phải thay đổi cho phù hợp. Không có chỗ cho bài tập tuổi 20 ở cơ thể 40-50 tuổi, bởi bạn rất dễ bị đau, thậm chí chấn thương, không thì cũng nhanh chóng nản lòng mà bỏ cuộc vì quá nặng.

4. Nói dối về lượng ăn

Bạn thường xuyên tự dối lòng về chế độ ăn của mình, rằng có trót ăn một phong socola nhỏ hay uống thêm một cốc coca cola thì cũng chẳng sao. Thực ra, những việc này không xấu, nhưng chúng hoàn toàn xung đột với mục tiêu giảm cân của bạn. Nếu như bạn cảm thấy thoải mái với quyết định của mình thì chẳng có lý gì phải nói dối hay cảm thấy tội lỗi cả.

Vấn đề là rất nhiều bệnh nhân khi gặp bác sĩ một mực tuyên bố họ ăn uống rất lành mạnh và không hiểu vì sao lại bị tăng tới 4kg trong tháng qua. Nhưng nếu bác sĩ soi kỹ hơn vào nhật ký ăn của họ, vấn đề sẽ lộ ra.

5. Nói dối về chế độ tập luyện của mình

Nhiều người cảm thấy chế độ tập luyện mà huấn luyện viên xây dựng cho mình là quá sức, nhưng thay vì cố gắng đáp ứng yêu cầu, họ lại tìm mọi cách nói dối HLV. Họ cũng không trung thực về lượng calo đã bị đốt cháy và dễ dàng thỏa mãn với những gì đã làm được.

Điều cần làm là phải xác định rõ: muốn giảm cân thì phải tập luyện đến mức nào. Hầu hết chúng ta sẽ cần 200-300 phút tập/tuần, tương đương 30-60 phút/ngày. Còn nếu như bạn ngồi cả ngày thì mức độ tập càng phải nhiều hơn.

Thiên Ý