Lần đầu tiên, các nhà khoa học đến từ Viện Marques ở Barcelona, Tây Ban Nha đã thu được bằng chứng cho thấy, thai nhi mới 16 tuần tuổi có thể nhận biết được các âm thanh và thậm chí còn đáp lại bằng cách cử động miệng và lưỡi giống như đang hát trong bụng mẹ.
Y học ghi nhận, tai của một đứa trẻ chưa sinh đã phát triển đầy đủ ở tuần thứ 16 của thai kỳ. Tuy nhiên, mãi tới gần đây, các chuyên gia vẫn cho rằng, thai nhi chỉ nghe được sớm nhất từ tuần thai thứ 18 và khả năng này phổ biến nhất khi thai nhi gần 26 tuần.
Nghiên cứu mới của Viện Marques lần đầu tiên phát hiện, thai nhi mới 16 tuần đã có thể nghe được. Theo tiến sĩ Marisa Lopez-Teijon, người đứng đầu nghiên cứu, thai nhi phản ứng với âm nhạc truyền qua đường âm đạo bằng cách cử động miệng và lưỡi, "cứ như chúng đang cố gắng nói hoặc hát".
Khám phá trên được coi là rất có ý nghĩa. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, phương pháp của họ có thể được sử dụng để sàng lọc tật điếc của thai nhi và cho phép cha mẹ biết chắc về tình trạng sức khỏe của đứa con chưa chào đời.
Báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Ultrasound giải thích, âm nhạc kích thích vùng não liên quan đến giao tiếp và khi nghe thấy âm thanh, thai nhi phản ứng bằng cách cử động tương tự như sự phát âm - một bước phát triển trước khi hát và nói.
Sử dụng thiết bị có tên Babypod, được phát triển phục vụ nghiên cứu, các bà mẹ có thể bắt đầu kích thích kỹ năng giao tiếp của đứa con trong bụng trước khi chúng sinh ra. Điều này là vì, thai nhi có thể học hỏi từ trước khi chào đời.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm ở các bà bầu ở tuần thứ 14 và 19 của thai kỳ. Trong quá trình này, họ đã sử dụng siêu âm để quan sát phản ứng của các thai nhi sau khi nghe nhạc.
Âm nhạc được phát ra cả qua đường bụng, thông qua tai nghe áp vào bụng mẹ và qua đường âm đạo, thông qua một chiếc loa gắn vào bên trong âm đạo của mẹ. Tất cả các thai nhi trong thí nghiệm đều được nghe tổ khúc cung la thứ của Johann Sebastian Bach.
Các cuộc siêu âm được thực hiện trước khi bắt đầu phát nhạc cho thấy, khoảng 45% thai nhi có các cử động đầu và các chi liên tục, 30% cử động miệng hoặc lưỡi và 10% thè lưỡi ra ngoài.
Khi tiếp xúc với âm thanh phát ra từ thiết bị gắn trong âm đạo, 87% thai nhi phản ứng bằng các cử động đầu và chi. Chúng cũng có các cử động miệng và lưỡi nhất định, vốn đều chấm dứt khi nhạc tắt.
Trong khi đó, khi tai nghe được áp lên bụng của bà bầu và âm nhạc được truyền qua đường bụng, các nhà nghiên cứu không quan sát thấy thay đổi trong biểu hiện trên mặt của thai nhi.
Nhóm nghiên cứu kết luận: "Các phản ứng của thai nhi bắt đầu từ tuần thai thứ 16, với các thay đổi được ghi nhận là đáng kể suốt thai kỳ. Số tuần mang thai của người mẹ càng lớn, đứa con trong bụng càng có các cử động mặt ấn tượng hơn. Phản ứng với âm nhạc là khác nhau ở mỗi thai nhi và khác nhau ở mỗi lần chúng được nghe nhạc ... Chúng ta đều biết và công nhận tầm quan trọng của việc trò chuyện với trẻ em từ khi chúng mới chào đời để thúc đẩy kích thích phát triển thần kinh. Khám phá mới hé lộ, chúng ta đang có cơ hội đáng kinh ngạc để làm chuyện đó sớm hơn nhiều và đây là một tiến bộ vượt bậc".
Tuấn Anh (theo Daily Mail)