Chỉ một tháng nữa thôi, Hội nghị Thượng đỉnh COP-21 khai mạc. Bao nhiêu khó khăn chưa được tháo gỡ: Phạm vi trách nhiệm của các nước phát triển và đang phát triển. Trách nhiệm của các nước phát thải “khủng” khí nhà kính như Ấn Độ, Úc, và đặc biệt là Trung quốc. Tiêu chí giữ nhiệt độ của Trái đất chỉ tăng thêm 2 °C từ nay cho tới cuối thế kỷ v.v…


{keywords}

  Tổng thống Pháp François Hollande dẫn đầu phái đoàn Pháp đến Trùng Khánh và Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Pháp cần tiếng nói của Trung Quốc

Pháp, nước đăng cai COP-21, như ngồi trên đống lửa. Từ đầu năm 2015 Tổng thống Pháp François Hollande đã công du nhiều nước để thuyết phục và Bắc Kinh là chặng then chốt cuối cùng.

Trung Quốc là nước phát thải khí gây ô nhiễm nhiều nhất hành tinh, nhiều hơn cả Hoa Kỳ, là nguồn tiêu thụ than đá số 1 của thế giới với nhiên liệu hóa thạch bảo đảm đến hơn 65 % nhu cầu năng lượng toàn quốc, và các nhà máy công nghiệp Trung Quốc thải ra đến 25 % khí carbon của toàn thế giới.

Trung quốc còn có tiếng nói quan trọng trong các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc đang dẫn đầu một nhóm gọi là G77, quy tụ 133 quốc gia đang phát triển. Nhóm này trong các cuộc đàm phán vừa qua đã tỏ ra đang rất thận trọng trước sáng kiến của Paris muốn giới hạn nhiệt độ trái đất nóng lên không quá 2°C.

Một vài con số nói trên cho thấy thành công hay thất bại của Hội nghị quốc tế về khí hậu và môi trường Paris phần nào đang được đặt trong tay Bắc Kinh.

Pháp không quên rằng, Hội nghị khí hậu COP15 tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009 đã thất bại một phần do Trung Quốc. Trung Quốc và Ấn Độ khi đó dứt khoát từ chối giới hạn lượng khí thải carbon làm hâm nóng trái đất, với lý do, cả New Delhi lẫn Bắc Kinh cùng không muốn yếu tố môi trường làm phương hại tới đà tăng trưởng của hai đầu tàu kinh tế châu Á này.

Trong bối cảnh đó cuộc công du của Tổng thống Pháp François Hollande đang diễn ra.

Trung Quốc thể hiện ủng hộ Pháp

Ngoài những buổi làm việc với các nhà lãnh đạo Trung quốc, Tổng thống Pháp có một ngay thăm Trùng Khánh. Anissa El Jabri, đặc phái viên đài RFI tường thuật về chuyến tham quan Trùng Khánh của Tổng thống Hollande.

Nơi đây, “Những chiếc cầu với bốn làn giao thông vắt ngang sông Dương Tử. Hàng chục khu nhà cao ốc với khoảng từ 30 đến 40 tầng hiện ra trong sương mù và không khí bị ô nhiễm. Đó là những gì Tổng thống Pháp François Hollande trông thấy vào sáng nay khi ông đặt chân đến Trùng Khánh. Một nhân viên làm việc tại tòa lãnh sự Pháp ở Trùng Khánh cho biết, chỉ số ô nhiễm không khí hôm nay không đến nỗi tệ, dù vậy chỉ số này ở Trùng Khánh tương đương với mức báo động của Paris”.

Theo lịch trình nghị sự, sau khi thăm Trùng Khánh, ngày 03/11/2015 Tổng thống Pháp François Hollande lên đường đến Bắc Kinh và tại đây, ông có buổi làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Và kết quả là bốn tuần lễ trước hội nghị quốc tế về môi trường COP-21 tổ chức tại Paris, Tổng thống Pháp François Hollande đã thuyết phục được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ lập trường của Paris trên hai vế then chốt trong dự thảo hội nghị Paris COP-21.

Thứ nhất là mục tiêu giới hạn nhiệt độ trái đất nóng lên không quá 2°C từ nay đến cuối thế kỷ.

Thứ hai là cứ 5 năm một lần, các bên ký kết vào thỏa thuận Paris về khí hậu sẽ phải thông báo về những tiến bộ cụ thể trong lĩnh vực này.

Trung Quốc chiếm 20 % dân số địa cầu và 25% lượng khí thải carbon toàn cầu gây hiệu ứng lồng kính làm hâm nóng trái đất được phát đi từ Trung Quốc. Đây cũng là nơi cất giữ 7 % nguồn dự trữ nước ngọt trên hành tinh nhưng có tới 60 % các mạch nước ngầm tại Trung Quốc đã bị ô nhiễm chủ yếu là do các hoạt động của ngành công và nông nghiệp, và do mật độ dân số ngày càng gia tăng.

Với những thỏa thuận vừa được thống nhất, Paris hy vọng sẽ được Bắc Kinh hậu thuẫn hơn nữa để hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu COP-21 tại Paris vào đầu tháng 12/2015 sắp tới đi đến thành công.

Minh Trần