Nếu có đề tài nào đang khiến giới vật lý toàn cầu vừa sững sờ và phấn khích, vừa sốc và hoài nghi thì đó chính là phát hiện "hạt nhanh hơn tốc độ ánh sáng" của Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN).

TIN LIÊN QUAN

Nếu phát hiện về hạt neutrino là sự thật, đây sẽ là một sự kiện chấn động thế giới.
Rất nhiều nhà khoa học đã mổ xẻ công bố của CERN để kiểm tra tính xác thực của thông tin, bởi nếu những gì mà CERN công bố về hạt neutrino là đúng sự thật thì các cột trụ của vật lý hiện đại, mà tiêu biểu là thuyết tương đối của Einstein sẽ bị lung lay.

Tiến sĩ Dario Autiero của Viện Vật lý Hạt nhân Lyon, Pháp cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã dành hơn 6 tháng để tìm cách giải thích việc hạt neutrino di chuyển từ máy gia tốc hạt của CERN tại Geneva tới phòng thí nghiệm Gran Sasso của Ý với tốc độ nhanh hơn 60 phần tỷ giây so với tốc độ ánh sáng. Việc chuyển động nhanh hơn ánh sáng cũng mở ra khả năng du hành ngược thời gian, vốn chỉ tồn tại trong phim và truyện viễn tưởng từ trước tới nay và bị hầu hết giới khoa học cho là nhiệm vụ bất khả thi.

Bình luận với NYTimes, nhiều nhà khoa học cho biết neutrino vẫn là một ẩn số lớn của vật lý học. Chúng là "cư dân kỳ lạ bậc nhất" trong thế giới lượng tử vốn đã rất khó hiểu, không chỉ vì chúng gần như vô hình và có thể đi xuyên qua tường hay các hành tinh giống như gió vào nhà trống, mà còn vì chúng có thể biến hình. Chúng có 3 biến thể khác nhau và có thể thoải mái "biến hình" từ dạng này sang dạng khác trên đường di chuyển.

Trước kia, khi internet còn chưa phát triển, các nhà khoa học phải truyền tay nhau những bài báo hoặc viết thư cho nhau để thảo luận về một đề tài gây nhiều tranh cãi. Do đó, mọi sự phản biện, mổ xẻ chủ đề đều diễn ra trong lặng lẽ. Nhưng lần này, internet đã làm thay đổi tất cả. Bài phát biểu của tiến sĩ Autiero đã ngay lập tức khiến các mạng xã hội, các trang blog dậy sóng. Hàng loạt tin đồn ăn theo xuất hiện. Một trang blog thậm chí còn gọi câu chuyện là "tin đồn của thế kỷ".

Không chỉ "người ngoài" xôn xao mà ngay cả "người trong nhà" của CERN cũng chỉ trích nghiên cứu về hạt neutrino. Họ cho rằng nhóm của Autiero đã "lập lờ" và nhập nhằng khi mượn danh CERN để công bố phát hiện của mình. Bởi trên thực tế, nhóm của họ hoàn toàn không thuộc CERN. Hơn nữa, "gắn những lời đao to búa lớn" cho một kết quả chưa được kiểm nghiệm cũng bị phê phán là việc không nên làm, nhất là trong lĩnh vực khoa học.

Chuyên gia vật lý hạt Nima Arkani-Hamed của Việt Nghiên cứu Cao cấp Princeton bình luận trong email gửi đến NYTimes rằng, đáng lẽ ra, một phát hiện kiểu này không cần thiết phải có thông cáo báo chí, bởi còn phải kiểm tra và hoàn thiện rất nhiều nữa mới có thể coi là "công trình theo đúng nghĩa".

"Nếu muốn cộng đồng kiểm tra và xác thực kết quả giúp, họ có thể làm được điều đó bằng cách gõ cửa các nơi và thảo luận với chúng tôi", Nima viết.

Chắc chắn, với những ồn ào mà neutrino đang tạo ra, giới vật lý sẽ đua nhau mổ xẻ, soi mói nghiên cứu này trong những ngày tới. Tỏ rõ sự hoài nghi, chuyên gia Alvaro DeRejula của CERN bình luận "Nếu phát hiện này là đúng thì quả thực chúng ta đã chẳng hiểu gì về bất cứ thứ gì (từ trước đến nay). Phát hiện này quá lớn để có thể là chính xác. Trong trường hợp này, tôi nghĩ họ nên tự hỏi mình xem đã sai ở khâu nào thì hơn".

Trọng Cầm