Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa thông báo về sự cố đầu tiên xảy ra với sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa của con tàu thăm dò “triệu đô” Curiosity.

Tàu thám hiểm Curiosity của NASA đã gặp trục trặc với thiết bị cảm biến gió sau khi hạ cánh xuống sao Hỏa. Ảnh: PA

Theo NASA, một thiết bị cảm biến phụ trách việc phân tích các dữ liệu về gió của tàu Curiosity đã bị hư hại. Nhóm kiểm soát sứ mệnh nhấn mạnh, đây không phải là vấn đề lớn và nó sẽ chỉ làm sai lệch một số phép đo, chứ không cản trở quá trình thực hiện chúng.

Hiện vẫn chưa rõ sự cố xảy ra như thế nào. Tuy nhiên, các kỹ sư nghi ngờ, những hòn đá trên bề mặt hành tinh đỏ bắn lên trong quá trình hạ cánh của tàu Curiosity có thể đã va đập vào các mạch của thiết bị cảm biến gió, làm ngắt đứt hệ thống dây dẫn.

NASA mô tả sự cố đầu tiên này chỉ là “nỗi thất vọng” nhỏ lẻ trong bước khởi đầu ngoạn mục đối với sứ mệnh của tàu thám hiểm tự hành “triệu đô”.

Javier Gomez-Elvira, trưởng thanh tra về các trục trặc đối với thiết bị đo đạc của tàu Curiosity, bày tỏ hy vọng sẽ tìm ra một giải pháp phù hợp khắc phục hư hại đối với thiết bị cảm biến gió. Hãng thông tấn BBC dẫn lời ông Gomez-Elvira cho biết, các chuyên gia của NASA đang cố gắng phục hồi càng nhiều càng tốt mọi chức năng của thiết bị gặp sự cố.

Sau một chuyến đi dài vượt hơn 566 triệu km trong 36 tuần, tàu Curiosity của NASA đã hạ cánh thành công xuống hố Gale trên bề mặt sao Hỏa rạng sáng ngày 6/8. Con tàu thám hiểm tự hành này dự kiến sẽ thăm dò hành tinh đỏ trong khoảng thời gian tương đương ít nhất 2 năm trên Trái đất, tìm kiếm các bằng chứng cho thấy nơi này từng hội đủ những điều kiện phù hợp cho sự sống vi khuẩn.

Các kỹ sư NASA hiện đã gần hoàn thành công việc kiểm tra toàn bộ cỗ xe thám hiểm tự hành sau khi đáp xuống sao Hỏa. Mọi thứ gần như trong tình trạng tốt, trừ sự cố mới phát hiện đối với thiết bị cảm biến gió.

Tuấn Anh