- Từ vị trí thứ 7 trong năm 2013, ông vua sản phẩm tôn mạ và ống thép Lê Phước Vũ đã rớt xuống thứ 25 trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Tài sản theo giá thị trường của ông đã giảm đi 1.100 tỷ đồng, tụt rất xa so với vợ chồng ông vua ngành thép Trần Đình Long.

Vua Lê Phước Vũ chào thua tỷ phú Trần Đình Long

Tháng 7/2014, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã bán thành công 3 triệu cổ phiếu HSG và giảm số lượng sở hữu xuống còn gần 15,9 triệu cổ phiếu, chiếm 16,47% vốn HSG.

Đây là vụ thoái vốn mới nhất. Trước đó, ông Vũ đã liên tục bán ra hàng chục triệu cổ phiếu và giảm tỷ lệ nắm giữ từ khoảng 40% (gần 43 triệu cổ phần) xuống còn chưa tới 16,5% hiện nay.

Cùng với viên bán khối lượng lớn và sự chững giá cổ phiếu HSG, tổng giá trị cổ phiếu mà ông Vũ trực tiếp nắm giữ đã tụt giảm mạnh, mất khoảng 1.100 tỷ đồng. Túi tiền quy từ cổ phiếu của đại gia tôn giảm còn 675 tỷ đồng.

Kết quả, ông Vũ đã rớt từ vị trí thứ 7 trong năm 2013 xuống thứ 25 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Trong khi đó, tỷ phú cùng ngành sắt theo Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát vẫn đứng vững ở vị trí thứ 3 với giá trị cổ phiếu quy ra tiền tương đương khoảng 6.800 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần ông Vũ.

{keywords}

Tài sản theo giá thị trường của ông đã giảm đi 1.100 tỷ đồng, tụt rất xa so với vợ chồng ông vua ngành thép Trần Đình Long.

Sự tụt hạng nhanh chóng của ông Lê Phước Vũ xảy ra trong bối cảnh TTCK tăng mạnh. Đa số các đại gia trong tốp 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán đều có giá trị cổ phiếu tăng thêm vài trăm cho tới vài nghìn tỷ đồng trong nửa năm qua.

Riêng ông Trần Đình Long có tài sản tăng thêm gần 2.700 tỷ đồng. Vợ ông Trần Đình Long là bà Vũ Thị Hiền cũng chứng kiến túi tiền tăng thêm hơn 800 tỷ đồng và vươn lên vị trí thứ 6, cao hơn thứ hạng cao nhất mà ông Vũ đã từng có được.

Tuy nhiên, sự tụt hạng của ông Lê Phước Vũ dường như thuần túy là theo ý muốn chủ quan của đại gia này.

Trước đó, ông Lê Phước Vũ đã thành lập Công ty TNHH MTV Tam Hỷ do chính ông làm chủ tịch kiêm giám đốc. Hồi giữa tháng 8/2014, Tam Hỷ của ông Vũ đã mua thêm 1 triệu cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen trong tổng số 3 triệu cổ phiếu đăng ký. Sau giao dịch, Tam Hỷ nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 21 triệu cp lên thành 22 triệu cp HSG, ứng với tỷ lệ tăng từ 21,8% lên thành 22,84% tổng số lượng cổ phiếu HSG đang lưu hành.

Như vậy, nếu cộng dồn số cổ phiếu mà ông Vũ đang trực tiếp đứng tên cùng với số lượng cổ phiếu do Tam Hỷ nắm giữ thì tỷ lệ sở hữu của vị doanh nhân vẫn gần tương đương như trước kia.

Và với khoảng hơn 1.600 tỷ đồng, ông Vũ đứng ở vị trí thứ 9 sau một doanh nhân mới nổi là Nguyễn Đức Tài của Thế giới di động và nữ hoàng thủy sản mới lên Trương Thị Lệ Khanh.

Sự trầm lắng của Hoa Sen?

Mặc dù vậy, Hoa Sen của ông Phước Vũ khá trầm lắng trong thời gian TTCK sôi động vài tháng gần đây.

{keywords}

Ông vua sản phẩm tôn mạ và ống thép đã rớt xuống thứ 25 trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán

Trong khi hầu hết các tỷ phú ở tốp đầu chứng kiến tài sản tăng mạnh thì ông Vũ chứng kiến tài sản suy giảm do lượng cổ phiếu (tính cả của Tam Hỷ) giảm đi và giá cổ phiếu HSG cũng giảm mất hơn 22% trong 6 tháng qua.

Sự giảm giá của HSG có thể do cổ phiếu này đã tăng mạnh gấp hơn 2 lần trong năm 2013. Tuy nhiên, nhìn chung Hoa Sen vẫn đang chứng kiến một sự trầm lắng nhất định, đang có xu hướng chậm hơn sự vận động đi lên khá nhanh chóng của thị trường.

So sánh với một DN sản xuất thép cũng niêm yết trên sàn khác là Hòa Phát, có thể thấy, Hoa Sen có lợi nhuận khiêm tốn hơn khá nhiều. Trong 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận sau thuế của HPG gấp hơn 10 lần so với HSG, trong khi quy mô chỉ gấp 4,8 lần.

Trong bối cảnh nhiều DN ngành thép nói chung đối mặt với khó khăn thua lỗ, thì HSG vẫn khá ổn... Tuy nhiên, chênh lệch lớn về lợi nhuận so với Hòa Phát khiến Hoa Sen đánh mất sự nổi bật của mình.

Báo cáo của CTCK VPBS và FPTS gần đây vẫn đưa ra khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu HSG.

Tuy nhiên, VPBS cũng cảnh báo về chiến lược mở rộng đã đẩy đòn bẩy tài chính của HSG lên cao so với mức trung bình của các công ty thép trong nước. Bên cạnh đó, HSG còn chịu rủi ro về giá nguyên liệu và rủi ro tỷ giá. Việc đầu cơ nguyên liệu không đúng thời điểm như trong 9 tháng đầu năm (kết thúc 30/6) vừa qua khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Chiến lược phát triển HSG bền vững có lẽ là một điểm nổi bật của ông Lê Phước Vũ. Tuy nhiên, sự trầm lắng của cổ phiếu HSG trong thời gian gần đây nhà đầu tư lại cầu mong họ sẽ chỉ thấy sự tĩnh tại của ông Vũ chứ không phải sự trầm lắng của Hoa Sen trên thương trường.

Huấn Tú