Người dân ở Quang Lãng và Tri Thủy (Phú Xuyên, Hà Nội) sống khá giả nhờ giết mổ đại gia súc. Thế nhưng, cũng chính cái nghề cho “lộc” ấy là tác nhân khiến cuộc sống của họ dần héo mòn. Họ mong chờ có một lò giết mổ tập trung để giảm thiểu mùi tử khí nồng nặc, vương vất khắp trong làng, ngoài xóm. Thế nhưng, dự án cả tỷ bạc ấy “rục rịch” khởi động rồi “chết yểu”…
Cả làng cùng hưởng “lộc” nghề
Thôn Sảo Hạ (xã Quang Lãng) và thôn Bái Đô (xã Tri Thủy) nằm “sát vách” nhau và cùng nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc với nghề giết mổ trâu bò từ gần 4 thập kỷ nay. Để có thể đáp ứng đủ nguồn bò giết thịt, những chủ lò mổ nơi đây đã ngược xuôi thu mua khắp các tỉnh miền Bắc, vào cả miền Trung, thậm chí bắt mối với nước Úc. Trung bình cứ 2, 3 ngày bò lại được xếp thành chuyến khoảng 17 – 20 con, lủng lẳng trên các cỗ xe trọng tải lớn ùn ùn kéo về làng.
Ông Đặng Chí Mẽ, Trưởng thôn Sảo Hạ, khoe: “Thịt trâu, bò từ các lò mổ ở đây sẽ xuất đi khắp mọi nơi. Thịt trâu thì chủ yếu bán lên các vùng sâu, miền núi, riêng thịt bò bán rộng rãi khắp các chợ đầu mối Hà Nội, thậm chí người các nơi xa như Hải Phòng, Thái Bình… cũng về đây lấy thịt. Tính riêng ở ba thôn làm nghề trong vùng là Bái Đô, Hoàng Nguyên, Sảo Hạ, mỗi ngày “hóa kiếp” không dưới 200 - 300 con. Có đợt cao điểm, mỗi ngày gần 500 con trâu bò bị giết thịt. Kinh tế ở đây khá nhất so với các địa phương khác trong xã, mặt bằng chung thu nhập là 4 - 5 triệu/tháng/người”.
Cận cảnh xẻ thịt trâu bò. |
“Mang tiếng” là đất nông nghiệp, quanh năm tưởng cậy trông vào hạt lúa, bãi ngô song quả thực, người dân ở Sảo Hạ, Bái Đô hầu hết lại không sống nhờ vào những nông sản này. Minh chứng dễ thấy nhất là phía sau cánh cổng làng rêu phong, hàng trăm ngôi nhà cao tầng kiểu dáng tân thời mọc lên san sát. Mỗi làng Sảo Hạ, Bái Đô chỉ 20 - 40 hộ làm nghề giết mổ. Thế nhưng, quy trình “thanh lọc” xương thịt trâu bò kéo theo hàng trăm lao động mỗi đêm.
Hoạt động giết mổ trâu, bò thường diễn ra tại hộ gia đình từ 22h hôm trước tới 4h hôm sau. Tính ra, sau một đêm vỏn vẹn chưa đầy 5 tiếng đồng hồ, mỗi lao động có thể kiếm được cả nửa triệu bạc, yếu chân yếu tay như phụ nữ ngồi lọc riêng xương, thịt cũng được trả 170.000 đồng.
Hàng chục bao xương trâu bò nhung nhúc ruồi nhặng, dòi bọ được chất quanh làng. |
Mùi tử khí lẩn quẩn
Những chuyến hàng ăm ắp trâu bò cứ đều đặn đổ về “lãnh địa” giết mổ trâu bò quy mô bậc nhất Hà Nội này. Đêm xe chạy, ngày nghỉ, vượt qua hàng trăm cây số để đến điểm tập kết, vậy mà trâu bò trên xe cứ khỏe như vâm. Tuy nhiên, khi vừa đáp chân đến đầu thôn Bái Đô, Sảo Hạ là chúng “dở chứng”. Con thì lơ đãng, con thì sùi bọt mép nằm bẹp bên vệ đường không chịu nhúc nhích, cũng có con như phát điên phát dại lồng lộn húc loạn xạ. Người làng bảo, chúng cảm thấy tử khí, thấy cái chết cận kề nên mới phản ứng như vậy.
Ngược với sự phát triển của làng nghề, tình trạng giết mổ thủ công tại nhà đã dẫn đến hệ lụy ô nhiễm môi trường nguồn nước, không khí trong vùng ngày một nghiêm trọng. Đi dọc tuyến đường liên thôn nối Bái Đô với Sảo Hạ dễ dàng cảm nhận được vị nồng ngái, tanh tưởi phả ra đặc quánh. Sát bên những bờ kênh, ruộng, xương trâu, bò đóng thành từng bao tải lớn vứt chồng chất, ngổn ngang. Ngày nắng, đống xương thịt ấy theo gió mang theo mùi khăn khẳn ùa vào trong làng. Khi mưa, ngoài đám ruồi nhặng bu bám thì trên đống phế phẩm ấy, dòi, bọ đua nhau chui ra nhung nhúc.
Xương trâu bò được phơi ở Tri Thủy. |
Người làng nói, họ vứt xương ra đồng như vậy là chuyện “cực chẳng đã”. Vì xương trâu bò cũng là loại mặt hàng có giá trị, họ bán rẻ cho các cơ sở cung cấp thức ăn gia súc cũng kiếm “bộn tiền”. Nhưng nếu khư khư giữ “đống của” ấy trong nhà thì tiền chưa được cầm đến tay, họ đã chết ngạt trong mùi khăn khẳn thối, cùng hàng đàn dòi, nhặng.
Tra lại “lịch sử” có thể thấy hệ lụy từ môi trường ô nhiễm không phải bây giờ mới phát tác trên vùng đất này. Minh chứng rõ nhất là khoảng vụ mùa 2010, đã có khoảng 6 mẫu ruộng ở thôn Bái Đô nằm sát cống thoát nước của thôn bị chết héo. Và chỉ sau hai trận mưa lớn, nhiều cánh đồng ở Bái Đô cùng các thôn lân cận bị ô nhiễm nặng do chất thải tồn ứ ở cống rãnh thoát ra đồng theo nước mưa. Theo tính toán của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thủy (Tri Thủy), thời điểm bấy giờ, sản lượng lúa của vùng đã giảm trên 33 tấn thóc/vụ so với trước kia. Hay nói cách khác, trung bình thiệt hại mỗi vụ khoảng trên một tỷ đồng.
Ông Đặng Chí Mẽ, Trưởng thôn Sảo Hạ cầm trên tay tập tài liệu liên quan đến việc quy hoạch lò giết mổ, tần ngần tổng kết: “Nan giải nhất ở cái vùng chuyên giết mổ trâu bò này là chuyện xây dựng lò mổ tập trung. Thứ nhất, nó sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân, hai nữa là đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Nói gì thì nói, dù sạch đến đâu đi chăng nữa, nhưng nguồn nước thải trong quá trình giết mổ, khi xối nước và xả thẳng ra cống rãnh trong làng thể nào cũng vương vất chất thải, máu me, cũng ô nhiễm”.
Dự án xây dựng khu giết mổ khi nào mới thành?
Căn cứ theo những tài liệu mà ông Mẽ cung cấp, ngay từ năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có chủ trương xây dựng một khu giết mổ tập trung để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường trong vùng. Và đến năm 2012, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định xây dựng cơ sở giết mổ và chế biến gia súc tập trung Quang Lãng, Tri Thủy. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “án binh”… trên giấy.
Cụ thể, việc xây dựng lò mổ tập trung này nhằm mục đích cụ thể hóa Quyết định 394/TTg (ngày 13/3/2006) của Thủ tướng xoay quanh nội dung khuyến khích đầu tư xây mới, mở rộng các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung. Ngoài ra, trong Chương trình số 05 – Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội ký ngày 10/5/2006 cũng nhấn mạnh việc phát triển kinh tế vùng ngoại thành, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung theo hướng hiện đại.
Với diện tích xây dựng ước chừng gần 3ha, tổng kinh phí xây lò mổ là 78,6 tỷ đồng, khi dự án này hoàn thành sẽ mang lại công suất dự kiến 30 con trâu, bò/giờ. Dĩ nhiên, vấn đề vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh theo đó cũng đảm bảo 100%. Với tầm nhìn bao quát như vậy, hẳn nhiên chủ trương xây dựng lò giết mổ tập trung ở Quang Lãng, Tri Thủy là hết sức đúng đắn. Vậy nhưng, xuyên suốt chừng ấy năm, dự án ấy vẫn chỉ là những con số ẩn hiện trên giấy.
Nhiều trâu bò cứ đến đầu làng Bái Đô, Sảo Hạ là ''dở chứng'' lăn lóc bên vệ đường. |
Một người dân địa phương bức xúc: “Họ đã quy hoạch to tát lắm, dự định xây cả con đường nối trục đường quốc lộ to, đẹp thẳng với khu giết mổ để giao thương thuận lợi. Dân ở đây mong lắm, nhưng cuối cùng chẳng thấy họ động cựa gì…”.
Ông Trưởng thôn Sảo Hạ cho hay: “Tôi đã thấy nhiều đoàn cán bộ, ban ngành về đây kiểm tra rồi, thậm chí họ còn thỏa thuận đền bù với người dân là 1 triệu đồng/m2 đất canh tác bị ảnh hưởng. Dự án được người dân ủng hộ, các cấp, ngành tạo điều kiện, hơn nữa việc đầu tư cho an toàn vệ sinh thực phẩm, cứu thoát làng nghề luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng không hiểu vướng mắc ở khâu đoạn nào, đến giờ người dân mong mỏi lắm mà vẫn không thấy nó được triển khai”.
Tạm quên dự án xây dựng lò giết mổ “đắp chiếu” ở Quang Lãng, Tri Thủy, trước khi người viết rời khỏi “lò sát sinh” trâu bò lớn nhất Hà Nội có dạo qua thôn Bái Đô. Ở đó, những đứa trẻ tuổi lên 5, lên 3 vẫn hồn nhiên nô đùa bên khe rác cáu bẩn, đặc quánh bùn rác cùng mùi hôi hám, ngai ngái của trâu bò. Sẽ chẳng có gì đảm bảo những đứa trẻ trong vùng sẽ phát triển khỏe mạnh trong một môi trường sống đầy ô nhiễm như vậy. Và biết đâu, khoảng dăm năm nữa, thay vì nhắc đến chuyện xây nhà cao, cửa rộng ở “lãnh địa” giết mổ trâu bò lớn nhất Hà Nội này, người ta lại nói về nó trong cụm từ “làng ung thư”.
(Theo PLO)