- Sự điều chỉnh về đầu tư công mới chỉ mang tính chữa cháy và chắp vá. Đầu tư công đã giảm đáng kể nhưng là do thiếu tiền chứ không phải do nhu cầu cần điều chỉnh, GS Nguyễn Quang Thái thẳng thắn.

Nhà nhà vẫn làm sai đầu tư công

Cách đây 2 tháng, Bộ KHĐT báo cáo UB Thường vụ Quốc hội về tình hình tái cơ cấu đầu tư công đã đưa ra những đánh giá khá lạc quan: Việc bố trí vốn đầu tư công đã tập trung hơn, đảm bảo nguyên tắc bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên. Các dự án khởi công mới đều được rà soát chặt chẽ. Nợ đọng xây dựng được kiểm soát tốt.

Minh chứng cho nhận định này, Bộ KHĐT thống kê, năm 2013, số dự án đầu tư công ăn vốn Nhà nước đã giảm tới 25,9% so với trước, năm nay giảm tiếp 6,5%.

Vốn đầu tư bình quân cho mỗi dự án năm sau cao hơn năm trước, thể hiện sự tập trung hơn như năm 2012, bình quân là 9,54 tỷ đồng/dự án, năm 2013 là 10,68 tỷ đồng/dự án, năm 2014 dự kiến là 11,04 tỷ đồng/dự án.

Sự chuyển biến tích cực này bắt nguồn từ chủ trương thắt chắt đầu tư công, mà nổi bật là Chỉ thị 1792 của Thủ tướng năm 2011 với yêu cầu phải bố trí vốn tập trung, giảm thất thoát, lãng phí.

{keywords}

Sự điều chỉnh về đầu tư công mới chỉ mang tính chữa cháy và chắp vá.

Tuy nhiên, cũng trong chính 3 năm gần đây, tình trạng làm sai quy định về đầu tư vẫn tiếp diễn.

Năm 2013, rà soát của Bộ KHĐT phát hiện tới 220 dự án được bố trí vốn không đúng quy định với 2.146,1 tỷ đồng. Số vốn này chiếm 4,4% tổng số vốn từ nguồn trong nước của ngân sách trung ương.

Trong đó, có 61 dự án "vi phạm" do lỗi từ các bộ ngành trung ương, ngốn mất 1.620,6 tỷ đồng và 159 dự án "vi phạm" do lỗi của các địa phương, với tổng vốn là 525,4 tỷ đồng.

Sang năm 2014, mới qua 3 quý, bộ KHĐT đã phát hiện có 42 dự án trên tổng số 5.657 dự án được bố trí vốn sai quy định. Tổng vốn bố trí sai này là 602,9 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng số vốn trong nước của ngân sách. Các bộ ngành trung ương chịu trách nhiệm về việc làm sai quy định với 19 dự án có tổng vốn 331,6 tỷ đồng, các địa phương có 23 dự án với 271,3 tỷ đồng.

Dự kiến, phần vốn bố trí sai sẽ được thu hồi, điều chuyển để trả nợ xây dựng cơ bản hoặc chuyển sang cho các dự án khác.

GS Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam trong một bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương mới đây cho rằng: "Nhìn tình hình đổi mới đầu tư công, chúng ta thấy có hành động, có kết quả nhất định. Tuy nhiên vì sao đạt được kết quả? Thực ra chưa phải do nhận thấy cần điều chỉnh, mà cái chính là .... thiếu tiền".

"Hiện nay, chi ngân sách đã đến 72% GDP, chi trả nợ đã vượt 26% GDP, như vậy, kể cả bội chi cũng có rất ít tiền cho đầu tư công. Do đó, các ngành và địa phương đành phải lựa chọn mà thôi, chứ chưa thành hành động có chủ đích, như việc thừa tiền cũng không làm như vậy", GS Thái nói.

Khó cải cách vì quy trình khép kín

GS Nguyễn Quang Thái nhận định, "ở đây có nguyên nhân khách quan về các quy định. Trong mấy năm nay, chính sách về đầu tư công đã phải điều chỉnh ngay do tính cấp bách nhưng là phần nào mang tính "chữa cháy" trong khi lại chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ như Luật đầu tư công, Luật tổ chức chính quyền địa phương".

{keywords}

Đầu tư công đã giảm đáng kể nhưng là do thiếu tiền chứ không phải do nhu cầu cần điều chỉnh, GS Nguyễn Quang Thái thẳng thắn.

Theo ông, "vấn đề này liên quan đến tài chính công, thu chi ngân sách, nợ công tăng cao đột biến. Nhưng quyết tâm hành động và nhận thức việc phải điều chỉnh toàn diện về cách làm ăn cũ, cần phải đổi mới thì vẫn chưa thống nhất. Trong điều kiện đó, nếu không có khuôn khổ thể chế đủ mạnh thì các điều chỉnh đầu tư chỉ mang tính chắp vá".

Một thống kê vừa công bố của ông Tăng Ngọc Tráng, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ KHĐT cho thấy, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm, chỉ có khoảng 58-68% dự án thực hiện có thẩm định, giám sát đầu tư. Số dự án vi phạm về thủ tục đầu tư vẫn tiếp tục tăng, khi năm 2012 chỉ có 0,12% dự án thì năm 2013 tăng đột biến lên 0,55% dự án.

Riêng năm 2013, có 3.391 dự án chậm tiến độ, chiếm tới 9,58% tổng số dự án thực hiện. Trung bình mỗi năm có từ 9-11% dự án chậm tiến độ.

Đáng chú ý nhất, ông Tráng cho hay, quản lý đầu tư công đang ở tình trạng khép kín kéo dài nhiều năm nay.

Ông Tráng phân tích, phần lớn, đầu tư công là do các DN lớn chuyên ngành thực hiện, đều là DNN, hoặc trực thuộc Bộ hoặc thuộc các UBND cấp tỉnh. Do đó, các chủ đầu tư này không có sự độc lập với người có thẩm quyền quyết định đầu tư là các Bộ, các tỉnh. Do đó, sẽ không có sự khách quan từ khâu lập dự án, thẩm định phê duyệt, đấu thầu cho đến cuối cùng là bàn giao công trình.

Chưa kể, chính việc phân cấp triệt để cho các Bộ, ngành, địa phương, hiện nay đã góp phần làm nghiêm trọng hơn tình trạng khép kín này.

Đó cũng là lý do mà nhiều dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư vì lý do giá vật liệu xây dựng tăng, nhưng thực tế, quy định pháp luật không hề cho phép điều này. Ngay cả trong giai đoạn thắt chặt đầu tư công thì vẫn có những bộ ngành địa phương đề xuất khởi công mới các dự án, kể cả khi chưa có nguồn vốn để trả nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo ông Tráng, một trong nhiều giải pháp để hạn chế những yếu kém trong đầu tư công hiện nay là cần lập cơ quan thẩm định dự án độc lập, loại bỏ tình trạng khép kín, vừa đá bóng vừa thổi còi hiện nay.

Phạm Huyền