- Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và cả các lãnh đạo cũng rất lơ mơ về việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hay các hiệp định tự do thương mại đang đàm phán. Kiểu làm trước, học xong này đang làm mất đi nhiều cơ hội cho chính DN Việt trên sân nhà.

Hiểu lờ mờ nên dễ thua thiệt

Chủ trì một cuộc hội thảo về sự chuẩn bị của Việt Nam trước thềm Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC), TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, 2 năm gần đây, nhiều hội thảo đã tổ chức bàn đến AEC nhưng nếu đi hỏi các doanh nghiệp về vấn đề này, tôi chắc chỉ khoảng 30% là có hiểu biết về cộng đồng này thôi. Thậm chí, nhiều quan chức Việt Nam cũng hiểu rất lơ mơ."

"Điều tệ hại hơn là ở Việt Nam, khi các vị đi học ở nước ngoài 1-2 tuần, biết kiến thức mới, khái niệm mới, hỏi thì bảo đã biết rồi, nhưng kỳ thực hiểu hay không thì lại khác. Đây là cái rất nguy hiểm. Chưa kể, giữa việc cam kết đến việc thực thi, áp dụng còn là một khoảng cách rất lớn", TS Thành nói.

Đó không còn là cảm nhận của một nhà khoa học.

Năm ngoái, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Singapore cũng đã từng điều tra về nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đến AEC. Kết quả thật đáng buồn khi chỉ ra rằng, đã có tới 76% DN Việt Nam được điều tra không biết gì về AEC và 94% DN cũng không biết gì nốt về "Biểu đánh giá AEC" - một cơ chế giám sát của ASEAN về mức độ tham gia xây dựng cộng đồng AEC của các nước thành viên.

{keywords}

Với các hiệp định thương mại tự do FTA đã ký kết, cũng chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đã tận dụng được các ưu đãi thuế quan.

Tất yếu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không hiểu rõ cơ hội hay thách thức khi chúng ta tham gia AEC vào năm 2015. Thế nên, tới 63% DN cho rằng, AEC chẳng có ảnh hưởng gì hoặc ít ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ. Số những doanh nghiệp "vô tư" trước sự kiện hội nhập khu vực này là lớn nhất trong 10 quốc gia ASEAN.

Nhóm nghiên cứu Báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2014 thuộc Trung tâm Nghiên cứu và chính sách, Đại học kinh tế Hà Nội đã đánh giá: "Những nhận thức hạn chế như vậy sẽ dẫn đến khó khăn cho DN trong việc tận dụng các ưu đãi và cơ hội đến từ AEC ví dụ như giảm thuế quan, thủ tục hải quan điện tử..."

Đơn cử như vừa qua, với cơ hội hưởng mức thuế 0% khi có chứng nhận xuất xứ C/O form D theo cam kết của hiệp định CEPT, Việt Nam mới chỉ có 25% DN tận dụng được lợi ích này. Với các hiệp định thương mại tự do FTA đã ký kết, cũng chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đã tận dụng được các ưu đãi thuế quan.

Sức ép cạnh tranh càng khắc nghiệt

Chỉ còn 3 năm nữa, năm 2018, Việt Nam sẽ phải thực hiện giảm thuế về 0% đối với 7% các mặt hàng còn lại nhập khẩu từ các nước ASEAN theo cam kết của hiệp định CEPT- ATIGA.

Hiện nay, Việt Nam đã cam kết tới 10.455 dòng thuế với 1.600 dòng ưu tiên hội nhập, bao gồm các lĩnh vực như thuỷ sản, cao su, dệt may, sản phẩm viễn thông, y tế, gỗ, điện tử với thuế suất đã bằng 0% từ năm 2012.

{keywords}

Đã có nhiều bài học từ hội nhập kinh tế mà gần đây, nhiều nhà nghiên cứu gọi là "bẫy tự do hoá thương mại"

Có lẽ, đó cũng là lý do mà 2-3 năm gần đây, các thành phố lớn của Việt Nam chứng kiến sự gia tăng chóng mặt hàng tiêu dùng Thái Lan, Campuchia tràn ngập trên thị trường. Tỷ phú Thái cũng đã bỏ tiền ra để mua siêu thị bán lẻ Metro nổi tiếng với giá khoảng 900 triệu USD như là một bước đầu tư để đón đầu cơ hội hội nhập này.

Đã có nhiều bài học từ hội nhập kinh tế mà gần đây, nhiều nhà nghiên cứu gọi là "bẫy tự do hoá thương mại".

Nhóm nghiên cứu của Trung tâm VEPR cho rằng, khi gia nhập WTO, kỳ vọng lớn nhất là các DN VN có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, nhưng trên thực tế, Việt Nam mới chỉ tăng được xuất khẩu ở những mặt hàng thâm dụng lao động cao và dựa vào tài nguyên như dệt may, thuỷ sản, nông sản. Chưa kể, nguồn nguyên phụ liệu cho ngành dệt may vẫn phụ thuộc 70% Trung Quốc.

Đặc biệt, với sự phụ thuộc nguyên liệu như vậy, chắc chắc, ngành dệt may Việt Nam sẽ gặp thách thức vô cùng lớn với quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi" trong hiệp định TPP đang đàm phán. Giấc mơ vươn lên con số 30 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2020 của ngành này cũng sẽ dễ bị phá sản, nếu không cải thiện được nguồn cung cấp vật liệu.

Với hiệp định thương mại tự do Việt Na- EU đang đàm phán, các DN Việt sẽ gặp phải rào cản phi thuế quan rất lớn. Ví dụ như Luật hoá chất của khối này yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu vào EU sử dụng hoá chất phải có nguồn gốc rõ ràng, có đăng ký và nghiên cứu tác động. Điều này dẫn đến, chi phí sản xuất đối với hàng hoá Việt Nam xuất vào EU tăng lên đáng kể, làm giảm tính cạnh tranh. Nếu DN Việt Nam xuất khẩu vào EU không hiểu biết thì vừa không tranh thủ được ưu đãi thuế quan, thậm chí còn có thể bị cấm nhập khẩu như trường hợp EU vừa ra cảnh báo với 5 loại rau quả của Việt Nam hồi tháng 10.

Bài học nhãn tiền cho sự thiếu chuẩn bị hội nhập là hàng loạt các mặt hàng thế mạnh như mũ da, xe đạp, giày... của Việt Nam đã bị áp thuế chống bán phá giá rất cao ở EU, bởi xu hướng các nước đều sử dụng triệt để các hàng rào bảo hộ.

TS Võ Trí Thành nói, nếu nắm được các cam kết hội nhập, chúng ta sẽ không mất tiền học phí, bởi từ chính sách tới thực thi còn nhiều khoảng cách. Ngoài thuế quan, còn những cam kết khác về dịch vụ, đầu tư... Phải hiểu biết thì mới tránh được chi phí phát sinh.

Theo TS Thành, Việt Nam vẫn là đứng thứ 7, chỉ trên Lào, Campuchia, Myamar trong ASEAN. Xuất phát điểm của Việt Nam vẫn đang yếu thế hơn rất nhiều nước nên cũng dễ gặp "cú sốc" hội nhập.

Phạm Huyền