Cao không quá đầu người nhưng vườn nhãn giữa Thủ đô với hàng nghìn cây được trồng theo tiêu chuẩn quy trình VietGAP sai trĩu quả.
Nằm dọc ven đê sông Hồng trên địa bàn phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), 4 héc ta vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Tý (56 tuổi, ngõ 255, Yên Duyên, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) được trồng theo quy trình VietGAP bắt đầu cho quả năm đầu. Theo quy trình VietGAP, quả nhãn vườn nhà ông Tý đảm bảo an toàn từ khâu chăm bón đến thu hoạch. Ông Tý cho biết, vườn nhãn có khoảng 3.000 cây cho quả khoảng 5kg/cây với giá bán 35-40 nghìn đồng/1kg. “Theo đúng quy trình của VietGAP, quy định chuyên làm cỏ cắt cỏ chứ không dùng thuốc diệt cỏ. Cây cho quả lần đầu nên rất chất lượng, quả hoàn toàn sạch để tự nhiên không phun thuốc làm bóng vỏ, do đó không có tạp chất trong quả”, ông Tý cho biết. Đây là giống nhãn Khoái Châu, Hưng Yên, chỉ cách vài cây số nên cũng không bị thay đổi điều kiện khí hậu cũng như đất đai. Giữa tháng 8, vườn nhãn sẽ cho thu hoạch năm đầu ước tính khoảng 10 tấn quả. Giống nhãn quả to tròn có màu vàng sáng, vỏ dày, ít bị nứt quả, ăn có vị ngọt đậm, thơm mát và là một trong những giống nhãn cho năng suất cao. Gia đình ông Tý hoàn toàn không dùng thuốc diệt cỏ để phun mà thuê người về cắt cỏ. Loại nhãn này sẽ cho thu hoạch được từ 15-17 năm, sau đó, năng suất cũng như chất lượng quả sẽ giảm đi và phải thay thế bằng cây mới. Dự tính trong năm thứ 2, mỗi cây nhãn trong vườn nhà ông Tý sẽ cho 20-30kg quả trên 1 cây. VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí như: Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; Môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân; Truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. |
(Theo Tiền Phong)