Từ một bãi bùn lầy, ông đã biến thành khu vườn trị giá đến vài chục tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Hương được người dân trong vùng gọi là “Vua” cây cảnh.
Mang thú chơi cây cảnh xa xỉ đến xứ Thanh
Về đến quốc lộ 1A địa phận thôn Tân Đức, xã Hoằng Quý (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi hỏi thăm ông Hương trồng cây cảnh, một người đàn ông nơi đây bảo: “Vùng quê nghèo này hỏi thăm ông Hương trồng cây cảnh hầu như ai cũng biết”. Theo chỉ dẫn của người đàn ông bản địa, chúng tôi tiến vào nhà ông Hương.
Ông Hương cho biết: Quê ông vốn ở xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, là vùng đất chơi cây cảnh lâu đời. Từ nhỏ, ông đã được ông nội dạy cho cách trồng cũng như tạo thế các loại cây cảnh. Thế nên, khi lớn lên ông cũng là người chơi cây cảnh có tiếng trong vùng. Cũng trong một lần ông vào Thanh Hóa thăm người bạn, thấy đất đai màu mỡ thuận lợi cho việc trồng cây cảnh, ông đã đề xuất ý tưởng với người bạn là sẽ đầu tư tiền bạc và công sức để trồng cây cảnh.
Ý tưởng đó đến trong giây lát, người bạn của ông cứ ngỡ ông nói chơi. Nhưng tính ông vốn nói là làm, ông về quê bàn với vợ vào Thanh Hóa tập trung công sức, tiền của làm vườn cây cảnh. Ở miền quê nghèo này nhiều ruộng đồng chiêm trũng, trồng lúa năng suất không cao. Vì thế, ông đã làm đơn xin phép chính quyền xã sẽ thuê lại diện tích đất để canh tác làm cây cảnh. “Tôi muốn mang thú vui chơi cây cảnh đến với người dân xứ Thanh. Không những thế còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nơi đây”, ông Hương cho biết.
Một cây lộc vừng có thế rất đẹp. |
Vườn cây cổ thụ triệu đô
Ông Hương bảo, những ngày đầu đến đây, nhìn những đám ruộng toàn bùn lầy mà ông không khỏi lo lắng, sợ không đủ sức để san lấp mặt bằng. Nhưng với ý chí, quyết tâm cao độ, trong mấy năm liền ông dành nhiều thời gian công sức để san lấp, cải tạo đất để trồng cây cảnh.
Dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh vườn cây của mình, chỉ vào những cây cảnh nơi đây, ông nói: “Trong vườn tôi chủ yếu trồng cây lộc vừng và cây tùng la hán. Hai loại cây này hướng vào giới thượng lưu. Đây thuộc vào những dòng cây tứ quý, không chỉ là cây cảnh thông thường mà nó mang yếu tố phong thủy. Nhiều gia đình có điều kiện, họ sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng để mua về chơi”.
Trong vườn cây cảnh trị giá hàng chục tỷ đồng của mình, ông quý nhất là những cây lộc vừng cổ thụ. “Những cây lộc vừng này có nguồn gốc từ vùng đất Campuchia. Cách đây gần năm năm về trước, nhóm thợ chuyên đi săn cây cảnh là bạn tôi đã sang bên Campuchia để săn cây cảnh. Những cây lộc vừng này được nhóm thợ săn lùng trên các ngọn núi với niên đại khoảng 300 năm. Đó là những cây trong rừng đã bị bom đạn tàn phá, ngọn bị mất, thân bị mục rỗng. Thế nên, nó đã mọc ra nhiều nhánh xung quanh, nhờ thế mà tạo nhiều thế lạ mắt. Đây là những cây lộc vừng cuối cùng mà cánh đi săn đưa được từ Campuchia về Việt Nam”, ông Hương cho biết.
Ông Hương đang chăm sóc cây lộc vừng cổ thụ. |
Hiện trong vườn cây cảnh của ông Hương có tới 40 cây lộc vừng cổ thụ, mỗi cây một dáng vóc khác nhau. Hằng ngày ông thích thú khi ngắm nhìn các cây cảnh cổ thụ. Nhưng ông thích nhất là cây lộc vừng mang dáng dấp, mô phỏng hình hài trong câu chuyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Bởi ở giữa cây có thân to, xung quanh là 7 thân nhỏ mọc bên cạnh.
“Mấy tháng trước có một đại gia đến ngã giá, mỗi cây gần 200 triệu đồng, nhưng tôi vẫn chưa bán. Tiền thì ai cũng cần, nhưng tôi muốn bán cho người thực sự quý những cây đó. Trước khi họ hỏi mua, tôi đều hỏi họ nhằm mục đích gì, nếu thấy họ tâm huyết với cây cảnh, giá cả hợp lý tôi mới bán”, ông Hương cho biết.
Những cây tùng la hán của ông Hương cũng có giá trị bạc tỷ. |
Ngoài cây lộc vừng, hiện trong vườn ông Hương đang chăm sóc, có hơn 100 cây tùng kim, 30 cây tùng la hán. Trước đây ông từng mua với giá 2 cây vàng/một cây tùng la hán. Qua thời gian chăm sóc, hiện mỗi cây giá cũng không dưới 150 triệu đồng. “Chăm sóc cây tùng vất vả hơn chăm con mọn, mỗi ngày tôi phải tưới nước 5 - 7 lần. Công việc vất vả nhất là uốn thế cho cây tùng, phải căn thời gian để uốn, phải uốn dần dần để tạo thế chứ không thể uốn một lúc được”, ông Hương cho biết.
Ông Hương bảo, hiện trong khu vườn của ông giá trị cây cảnh cũng phải lên đến vài chục tỷ đồng. Dù sở hữu nhiều cây có giá trị như thế, nhưng tính cách của ông dân dã, thế nên khi có người dân nào trong vùng đến chơi ngắm cây ông đều vui vẻ tiếp đón.
Theo ông Hương, mấy năm về trước dân buôn cây cảnh hám lời vì thấy thương lái Trung Quốc ùn ùn thu mua với giá cao. Thế nên, dân mình đua nhau thu gom cây cảnh để bán. Và bất ngờ họ không thu mua nữa, những cây cảnh giá bạc tỷ bỗng ế chỏng chơ. Nhiều cây không bán được chỉ còn tác dụng là dùng làm củi đun. Nhiều người đi buôn khi tập kết cây cảnh ở biên giới bị thương lái Trung Quốc bỏ rơi. Ông Hương không bao giờ chơi và buôn cây cảnh như vậy. Ông chỉ muốn trồng và bán cây cảnh cho người thực sự yêu thích.
Với vườn cây có trị giá hàng vài chục tỷ đồng, nhưng ông Hương sống rất giản dị và gần gũi với người dân địa phương. Người dân trong vùng quê nghèo tuy không có điều kiện sở hữu những cây cảnh đắt tiền, nhưng hằng ngày họ có thể đến ngắm nhìn vườn cây cảnh bạc tỷ mà ông trồng. Ông Hương cảm thấy vui vẻ và phấn khởi vì điều đó.
(Theo KT)