Kinh tế Trung Quốc (TQ) đang tăng trưởng chậm lại đó là lý do khiến chính quyền Putin đang chuyển hướng sang người láng giềng của TQ là Ấn Độ. Với nguồn năng lượng đang thiếu hụt, Ấn Độ đang là một trong những đối tác nhiều tiềm năng để giải quyết bài toán giá dầu xuống thấp của Putin.

Người bạn lớn nhiều rủi ro

Cả thế giới đều biết rằng, Nga đang bắt tay chặt chẽ với Trung Quốc – thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, để xoa dịu tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Từ khi bị trừng phạt về kinh tế, đích thân Tổng thống Nga Putin đã có những chỉ đạo về việc thực hiện hợp đồng cung cấp khí đốt cho TQ. 

Đầu tháng 9, trong chuyến thăm của Tổng thống Nga tới Bắc Kinh, Tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga Gazprom và Tập dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký biên bản thứ ba về phát triển dầu khí trong 5 năm tới. 

Trước đó, hàng loạt các biên bản ghi nhớ giữa hai tập đoàn dầu khí này đã được ký kết biến Bắc Kinh trở thành khách hàng lớn nhất của Moscow.

CNPC năm ngoái đã trả trước 20 tỉ USD trong tổng số 70 tỉ USD trả trước cho OAO Rosneft. Khoản tiền này nằm trong gói thỏa thuận 270 tỉ USD cho 25 năm giao dịch dầu, biến Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của dầu Nga. Tháng 10/2013 Rosneft cũng đã đồng ý thỏa thuận 10 năm trị giá 85 tỷ USD với Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc .

{keywords}
Khách hàng lớn sau EU của Nga là TQ

Mặc dù, TQ là được đánh giá là đối tác lớn của kinh tế Nga, song các thỏa thuận khung nhiều khi rơi vào tình trạng bị “đắp chiếu”. 

Đơn cử, việc ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt giữa Nga và TQ qua tuyến đường ống "Sức mạnh Siberia 2” đã bị hoãn lại vô thời hạn. Những vướng mắc của hai bên chủ yếu xoay quanh vấn đề giá cả khí đốt và chi phí xây dựng đường ống. Hiện, việc thương lượng vẫn đang được tiến hành và chưa rõ khi nào sẽ hoàn tất.

Năm 2009, Bắc Kinh và Moscow đã ký kết một thảo thuận mà theo đó, Gazprom sẽ cung cấp cho TQ 30 tỷ m3 khí đốt mỗi năm kể từ năm 2015 thông qua đường ống Altai, đưa khí đốt tới vùng Tân Cương.  Nhưng, phía Nga đã dừng dự án này vào năm 2013 và ưu tiên phát triển đường ống dẫn “Năng lượng Siberi”. 

Thời gian gần đây, nền kinh tế TQ đang tăng trưởng chậm lại, cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán trong thời gian qua là những yếu tố khiến cho Nga càng tỏ ra thận trọng hơn trong kế hoạch đầu tư vào TQ. Theo số liệu của InvestorIntel, năm nay, xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đã giảm 20% so với năm ngoái.

Trên thực tế, Trung Quốc chỉ đầu tư 1,6 tỷ USD sang thị trường Nga năm 2014, trong khi Nga đầu tư 151,5 tỷ USD trong cùng thời kỳ vào nền kinh tế Trung Quốc.

Năm 2007, Putin đã dự đoán rằng Nga sẽ xuất khẩu 35% tổng số dầu thô và 25% khí đốt cho TQ vào năm 2025. Chính quyền Putin thậm chí còn dự đoán rằng TQ sẽ trở thành đối tác thương mại lớn của Nga vượt qua EU đến năm 2030. Tuy nhiên, sự suy giảm kinh tế đang diễn ra của TQ và sự chậm trễ của các dự án dầu mỏ giữa hai nước cho thấy sự kỳ vọng này đã được nâng quá cao.

Ấn Độ không hề kém cạnh

Trước tình thế hiện nay, Nga đang có những kế hoạch chuyển hướng sang Ấn Độ, một nước láng giềng của TQ. Với mức tiêu thụ năng lượng rất lớn hàng năm và kinh tế đang phát triển, Ấn Độ nỗ lực vượt lên TQ vào năm nay và 2016, theo một dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Sau TQ, Ấn Độ là sự lựa chọn tốt nhất cho Putin nhằm tăng cường sự hiện diện tại các quốc gia châu Á và thoát khỏi lệnh trừng phạt của phương Tây.

{keywords}
Đầu tư vào Ấn Độ có lời hơn so với TQ

Tại New Delhi, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Nga tổ chức vào cuối năm 2014, tổng thống Putin của Nga và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc thảo luận về nhiều vấn đề hợp tác kinh tế, trong đó cả hai nước đã ký kết nhiều hiệp định song phương quan trọng. Trước đó, nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Nga chỉ dưới mức 1%. 

Các thỏa thuận nằm trong kế hoạch song phương nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, bao gồm thăm dò dầu khí và sản xuất cùng với nguồn cung cấp LNG trong tương lai và các dự án mới.

Nga sẽ đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Ấn Độ. Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga và công ty dầu Essar Oil Limited thuộc Tập đoàn Essar Group của Ấn Độ đã ký một thỏa thuận trị giá hàng triệu USD vào ngày 8/7/215 vừa qua. Theo đó, Tập đoàn Essar Group sẽ bán 49% cổ phần của  Essar Oil  cho Rosneft của Nga với mức giá hơn 1,5 tỷ USD. 

Trước đó, tháng 12/2014, Rosneft đã giành được một thỏa thuận cung cấp gần 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm đến đến công ty Essar Oil trong thời gian là 10 năm. Quyết định này của Nga được xem là mang tính chiến lược.

Nằm tại trung tâm lọc dầu lớn nhất thế giới, Essar Oil hiện đang hoạt động một nhà máy lọc dầu có khả năng xử lý 20 triệu tấn mỗi năm. Nhà máy này được xem là lớn thứ hai ở Ấn Độ, và là một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới.

Thỏa thuận này đặc biệt có lợi cho Rosneft vì có được cổ phần tại một nhà máy lọc dầu lớn của Ấn Độ, do gần cầu cảng và có thể mở rộng trong những năm tới mà không cần một khoản đầu tư đáng kể.

Ngoài ra, nhu cầu dầu nội địa của Ấn Độ tăng nhanh từ 224 triệu tấn năm 2014 tới 310 triệu tấn vào năm 2030, nhu cầu về xăng dầu cũng tăng gấp đôi. Hiện, Essar Oil đã có gần 1.600 điểm bán lẻ trên khắp Ấn Độ. Essar và Rosneft có kế hoạch tăng gấp ba lần số trạm xăng bán lẻ trong hai năm tới

TQ đang chịu hậu quả cho sự tăng tưởng quá nóng thời gian qua và tương lai có thể thuộc về Ấn Độ. Đó là lý do tại sao mà Nga đang muốn đặt chân sớm tới thị trường mới này.

D.Anh