Cú đáp trả nhắm vào điểm nhỏ nhất nhưng lại yếu nhất của châu Âu đã khiến cho phương Tây ngày càng thấm thía những đòn hiểm của Putin trong cuộc đối đầu kéo dài. Lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Nga lại đang tạo ra những nghịch cảnh. Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thừa, còn Nga lại thiếu nguồn cung nông sản chất lượng cao.

Cuộc khủng hoảng trong lòng châu Âu

Mấy ngày nay, giá sữa là từ được nhắc tới nhiều nhất trên các trang báo của châu Âu. Sữa tại châu Âu đang rất nhiều, giá sữa giảm mạnh với mức giá còn thấp hơn nước lọc đóng chai. Nếu mỗi chai nước một lít có giá 1,5 USD thì một lít sữa chỉ có giá 1 USD. Dù giá sữa tại các cửa hàng mới giảm 5% năm nay, giá bán buôn đã mất tới 20%, xuống còn 33 cent.

Giá thành sản xuất một lít sữa tươi của nông dân Anh hiện vào khoảng 10 nghìn đồng Việt Nam. Trong khi tháng 6 vừa qua, với mỗi lít sữa tươi thu mua, nông dân Anh được trả khoảng 0,37 USD, tức là khoảng 8 nghìn đồng Việt Nam. 

Việc nông sản rớt giá đã đẩy hàng nghìn nông dân vào bước đường cùng. Chỉ tính riêng tại Pháp, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Pháp ước tính khoảng 22.000 trang trại tại đây đang nợ tổng cộng một tỷ euro và đối mặt nguy cơ vỡ nợ.

Từ đầu tháng 1 đến nay, hơn 260 trong tổng số 12 nghìn gia đình nông dân nuôi bò sữa ở Anh đã phải bán trang trại và chuyển sang làm nghề khác.

Do không thể xuất khẩu các sản phẩm sang Nga, thị trường nông sản châu Âu đứng trước bài toán cung vượt cầu. “Vùng nông thôn đang phải gánh hậu quả từ lệnh cấm của Nga. Những người nông dân đang phải trả giá cho cuộc chiến chính trị”, chủ tịch Hiệp hội nông dân châu Âu cho hay.

{keywords}
Sữa ở châu Âu có giá rẻ hơn cả nước đóng chai khiến nông dân lao đao

Đây cũng là lý do khiến 6.000 nông dân, chủ yếu là người Bỉ, Pháp và Đức biểu tình. Nông dân Pháp chặn cả các ngả đường vào nước này từ Tây Ban Nha và Đức, với lý do nguồn cung sữa giá rẻ từ hai nước trên đã khiến cuộc sống của họ vô cùng khó khăn. Nông dân Bỉ thì mua sữa trong siêu thị rồi mang đổ hết ra đường. Họ còn mang cả bò sữa đi biểu tình, hay phun sữa vào mặt cảnh sát.

Trong khi đó, chính quyền Putin tỏ ra mạnh tay hơn khi cương quyết nói “không” với nông sản các nước châu Âu bằng việc tiếp tục tiêu hủy hàng chục tấn sản phẩm từ sữa. Theo một sắc lệnh của Tổng thống Putin có hiệu lực ngày 6/8, những thực phẩm, nông sản, nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước phương Tây bị Nga cấm vận sẽ bị tiêu hủy ngay tại chỗ dù bị tịch thu ở biên giới hay trong các cửa hàng.

Người thiệt hại cuối cùng

Nga là một trong những thị trường tiêu thụ sữa lớn nhất của châu Âu, đóng góp 32% pho mát và 24% bơ xuất khẩu cho EU. Trước khi Moskva áp đặt lệnh cấm, xuất khẩu phomát từ các nước EU sang Nga trung bình đạt 1 tỷ euro/năm.

Từ cuối năm ngoái, Nga đã “cấm cửa” các sản phẩm nêu trên nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy các lệnh trừng phạt chống Nga do Mỹ khởi xướng, song Liên minh châu Âu (EU) lại bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp đáp trả của Moskva, bởi khối này là đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Nghị viện châu Âu (EP) tuyên bố có ít nhất 9,5 triệu chủ trại sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Nga. Theo đó, lệnh cấm này khiến các nhà sản xuất nông sản EU bị thiệt hại khoảng 6,13 tỷ USD.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng việc Nga cấm nhập khẩu hoàn toàn thịt gia súc, gia cầm, rau quả và các sản phẩm bơ sữa từ EU, có thể gây thiệt hại khoảng 16 tỷ USD đối với EU, đồng thời đẩy khu vực này càng lún sâu vào khủng hoảng.

{keywords}
Nhiều biện pháp giải cứu thị trường song vẫn khó khả thi

Ngày 22/6/2015, EU gia hạn các lệnh trừng phát Nga thêm 6 tháng, tức là tới ngày 31/1/2016. Đáp lại, Nga kéo dài thêm lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm EU thêm 1 năm kể từ ngày 6/8/2015. Cùng với đó, 6/8/2015, Nga cho tiêu hủy hàng tấn thực phẩm có xuất xứ phương Tây nhập khẩu trái phép vào nước này.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Putin đã siết chặt lệnh trừng phạt này, tuyên bố sẽ tiêu hủy ngay tại biên giới những loại thực phẩm trong danh sách cấm nhập. Nhà chức trách Nga ngày 6/8 cũng đe dọa sẽ thiêu hủy thịt xông khói Tây Ban Nha và đổ táo từ Ba Lan vào các bãi chôn lấp rác gần nhất.

Trước đó, cơ quan an toàn thực phẩm Nga thông báo lần đầu tiên đã tiêu hủy hơn 114 tấn thịt lợn và hàng chục tấn đào châu Âu tại thành phố Samara và cửa khẩu biên giới với Belarus.

Vụ việc nằm trong chiến dịch “không nương tay” đối với các loại thực phẩm, nông sản châu Âu, nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương.

Trong một cuộc họp khẩn, các Bộ trưởng châu Âu đã thống nhất về gói cứu trợ cho người nông dân trị giá 500 triệu Euro, tương đương 555 triệu USD, hỗ trợ khẩn cấp để đối phó với tình trạng giá sữa giảm mạnh. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như “muối bỏ bể” so với tổn hại của nông dân.

Vào tháng 9 tới, Liên minh châu Âu sẽ có cuộc họp lớn về chính sách nông nghiệp của khối. Tại đó, vấn đề cấm vận nông sản của Nga cũng sẽ được bàn thảo.

Nhiều nông dân Nga đang kỳ vọng sẽ biến lệnh cấm nhập nông sản phương Tây thành cơ hội phát triển của mình. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev bày tỏ hy vọng rằng, trong vòng 2-3 năm tới, Nga có thể sản xuất các nông sản trong nước để thay thế ít nhất 90% lượng thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

Rõ ràng, lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Nga đang tạo ra những nghịch cảnh vì trong khi châu Âu đang phải giải quyết hậu quả của khủng hoảng thừa, thì Nga lại thiếu trầm trọng những nguồn cung nông sản chất lượng cao.Trong khi nông dân Châu Âu khó khăn thì người tiêu dùng Nga cũng đối mặt với giá cả thực phẩm chắc chắn sẽ tiếp tục leo thang trong bối cảnh giá đã tăng do đồng rúp yếu đi.

Duy Khánh