Nhiều ý kiến cho rằng nếu cơ quan chức năng không làm sáng tỏ vụ việc sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP HCM.
Ngày 26/10, ông Trần Thanh Thành, đại diện cho nhà đầu tư là Công ty K.S.T International Holdings Ltd (thành lập tại British Virgin Islands), cho biết sẽ khiếu nại đến cùng với mong muốn làm sáng tỏ để tránh những vụ việc tương tự.
Khiếu nại đến cùng!
“Tôi từng làm việc cho một số doanh nghiệp (DN) của Nhật, Singapore, đi theo những nhà đầu tư này làm thủ tục và đều ghi nhận việc phải “chung chi” mới được cấp giấy phép nhanh gọn. Riêng lần này, phía Trung tâm Tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư (trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM) mà trực tiếp là bà phó giám đốc K. đòi chung chi tới 15.000 USD là quá cao. Quá bức xúc nên tôi mới phản ánh lên báo chí”, ông Thành nói.
Người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 24/8/2015, ông Peng Jung Min, đại diện cho nhà đầu tư Cheng Hsin, đến Sở KH-ĐT TP HCM xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Công ty TNHH K.S Terminals Việt Nam. Chủ đầu tư dự án là Công ty K.S.T International Holdings Ltd (thuộc British Virgin Island). Tổng mức đầu tư dự án là 300.000 USD cho mục đích kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng dây điện, đầu cose dây điện ô tô, dây rút, các thiết bị phụ tùng điện... Đến ngày 1/9/2015, Sở KH-ĐT có văn bản trả lời “British Virgin Island - quốc gia chưa phải thành viên của WTO mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường”.
Trong khi đó, ông Peng Jung Min cho rằng, British Virgin Island là một quần đảo trực thuộc nước Anh chứ không phải một quốc gia nên đề nghị Sở KH-ĐT cần hỏi ý kiến Bộ Công Thương chứ không thể khước từ nguyện vọng của DN. Sau một thời gian lui tới và có đơn kiến nghị gửi UBND TP về việc chậm trễ cấp phép đầu tư, ông Thành tìm tới Trung tâm Tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư và được bà phó giám đốc trung tâm gợi ý “muốn xong việc phải chi 15.000 USD!”.
Có hay không phải làm rõ
Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại TP HCM (ITPC): Chỉ là cá biệt! Quan điểm của chúng tôi là hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Còn trường hợp báo chí nêu một lãnh đạo Trung tâm Tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư “đòi” 15.000 USD mới xin được giấy phép đầu tư, nếu có xảy ra, tôi nghĩ chỉ là trường hợp cá biệt. Cả ITPC và Sở KH-ĐT đều phối hợp hỗ trợ DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào TP, tạo điều kiện và chi phí nằm trong quy định. Tôi đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, nhiều DN đánh giá rất cao môi trường đầu tư của TP, nhất là hệ thống đối thoại với chính quyền từ lĩnh vực đầu tư, thuế, hải quan… Riêng DN FDI sẽ đối thoại với chính quyền 4-6 lần/năm, chưa kể các hội nghị bàn tròn quy mô nhỏ hơn với sự tham gia của các sở, ngành để giải đáp vướng mắc. Ở đâu cũng có nhiều người làm tốt nhưng vẫn còn một vài vấn đề chưa ổn nên không thể đánh đồng. |
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư yêu cầu rất chi tiết những quy định về cải cách thủ tục hành chính, bớt phiền hà cho DN. Việc một DN phản ánh bị “vòi vĩnh” 15.000 USD mới có giấy phép đầu tư cần phải làm rõ để không ảnh hưởng đến nỗ lực thu hút đầu tư của TP HCM.
“Tuy quả bóng đang nằm trong chân Sở KH-ĐT TP HCM nhưng tôi nghĩ lãnh đạo TP cũng cần lên tiếng. Ngay chuyện tiếp nhận, xử lý hồ sơ xin cấp phép đầu tư, kinh doanh, các sở, ngành cũng cần công khai, minh bạch hơn nữa. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài biết tình trạng phải “bôi trơn” khi làm việc với cơ quan công quyền, nếu chúng ta không cải thiện sẽ khó cạnh tranh khi hội nhập”, ông Doanh nói.
Luật sư Châu Huy Quang, Hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers, cho biết có những nhà đầu tư nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam 10-20 năm, lợi nhuận rất tốt nhưng họ sẵn sàng rời Việt Nam nếu thấy phát sinh tiêu cực. Điều này cho thấy DN có thái độ rõ ràng và nói không với tiêu cực. Gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài nhận định môi trường đầu tư ở Việt Nam có cải thiện, nhất là khi Luật Đầu tư, Luật DN… được sửa đổi theo hướng tích cực.
Dù vậy, vẫn có một số trường hợp cán bộ công chức, cơ quan quản lý “làm khó” nhà đầu tư do chính sách còn kẽ hở. “Về mặt thủ tục đang có sự không rõ ràng ở quy chế cấp phép một cửa hay nhiều cửa? Cái gì địa phương cũng hỏi các bộ, ngành mà không tự quyết định được. Khi đó, với những cán bộ có tâm hỗ trợ DN sẽ khác nhưng một số người cứ theo quy trình gửi lên bộ, ngành và bắt DN chờ đợi, có vụ việc kéo dài vài tháng… Vì thế, cần tạo ra môi trường đầu tư mà người ta không thể trục lợi và thao túng”, ông Quang phân tích.
“Lãnh đạo Sở KH-ĐT và các cơ quan liên quan phải nhanh chóng xác minh, không tránh né, xem sự thật đến đâu. Nếu có chuyện vòi vĩnh, đòi hối lộ phải xử lý nghiêm khắc, còn không có thì phải minh oan cho người ta” - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP HCM Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Theo ông Nghĩa, nếu đúng như DN phản ánh thì hành vi đòi “lót tay” này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư, làm nản lòng các nhà đầu tư và tạo tiếng xấu về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Tôi cũng rất bức xúc! - Một phó giám đốc trung tâm tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư thuộc Sở KH-ĐT bị tố đòi DN chung chi 15.000 USD mới lo xong việc cấp giấy phép đầu tư, ông có biết việc này? - Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KH-ĐT TP HCM, trả lời: ôi mới nắm sự việc qua báo chí và cũng rất bức xúc, đã yêu cầu giám đốc trung tâm này báo cáo. Các hoạt động thuộc sở là miễn phí. Còn cô này (bà L.T.K.K, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư - PV) là làm dịch vụ, khác với sở nên có thể dư luận hiểu lầm và ngộ nhận. Còn chuyện cô này có vòi vĩnh hay không, đúng sai thế nào chúng tôi sẽ làm rõ, xử lý chứ không bao che. - Nghe nói sở đã đình chỉ công tác của bà K.? - Do mới cập nhật thông tin sáng nay (ngày 26/10) nên tôi đang yêu cầu trung tâm phải làm rõ, báo cáo ban giám đốc. Sau đó, tôi sẽ báo cáo đầy đủ với lãnh đạo UBND TP và thông tin cho báo chí. - Nếu sự việc xảy ra đúng như DN tố cáo, ông nghĩ sao? - Điều này tôi thừa nhận rất bất lợi cho môi trường đầu tư. Trung tâm này thuộc sở, do UBND TP thành lập, có chức năng làm dịch vụ tư vấn. Còn cá nhân cô K. làm đúng sai thế nào, mức độ ra sao chúng tôi sẽ nắm lại. Sở sẽ ghi nhận mọi phản ánh của DN và đang làm rõ để xử lý chứ không bao che. - Được biết ông Thành đã gửi văn bản đến lãnh đạo UBND TP bày tỏ bức xúc về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư của sở, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết theo quy định. Tuy nhiên, ông Thành nói đến giờ vẫn chưa nhận được trả lời của sở? - Riêng chuyện ông Thành xin giấy phép đầu tư nhưng gặp khó là đúng vì quần đảo Virgin không thuộc Anh nên không được hưởng quy chế theo WTO. Chúng tôi đã hỏi ý kiến Bộ Công Thương và có văn bản trả lời, khắc phục thiếu sót trước đó và đã gửi thư xin lỗi nhà đầu tư. Nhưng có thể DN tiếp tục muốn xin giấy phép và sau đó mới đi nhờ dịch vụ, rồi xảy ra chuyện như trên (việc DN bị đòi phải chi 15.000 USD mới lo xong giấy phép - PV). |
(Theo NLĐ)