- Người tù tội, kẻ trắng tay, người âm thầm lui, kẻ yên phận giã từ tham vọng... kết cục của nhiều đại gia ngân hàng thời... tái cơ cấu. Sở hữu chéo, lũng đoạn cơ bản đã được xử lý, nhưng, để kéo ngân hàng thoát khỏi “vũng bùn” nợ xấu và rủi ro, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Ánh sáng cuối đường hầm

NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố lợi nhuận trước thuế tính đến cuối quý III/2015 đạt 702 tỷ đồng. Tổng tài sản của SHB đạt 183 ngàn tỷ đồng, tiếp tục tăng 3,1% so với cuối quý II/2015.

Dự kiến, năm 2015, sau khi sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF), tổng tài sản của SHB sẽ đạt 200 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế và đạt kế hoạch 1.120 tỷ đồng đề ra trước đó trong năm 2015. Nợ xấu được kiểm soát dưới 3%/tổng dư nợ.

NH TMCP Quốc dân (NCB) gần đây cũng đã báo cáo lợi nhuận trước thuế quý II đạt 25,4 tỷ đồng, tăng gấp 42 lần cùng kỳ năm trước. Cuối tháng 6, tài sản của NH tăng tăng 9,1%, lên 40.202 tỷ đồng. Tổng nợ xấu còn 425 tỷ đồng, tương ứng chiếm 2,27% trên tổng dư nợ.

{keywords}

Sau 3 năm tái cấu trúc, hệ thống NH đã đi vào ổn định.

NH TMCP Tiên Phong (TPBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 342 tỷ đồng, vượt 112% kế hoạch 6 tháng và đạt 55% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp, 0,96% trên tổng dư nợ.

Đây là những thành tích khá ấn tượng của các ngân hàng sau 3 năm tái cơ cấu. SHB đã hồi sức sau một thời gian dài vật vã khi sáp nhập với Habubank. TPBank sau 3 năm, đã bù đắp được toàn bộ số lỗ lũy kế trong quá khứ và đã có lợi nhuận thực dương, sớm hơn 1 năm so với dự kiến. NCB ổn định trở lại, chứng kiến lãi thuần tăng tuy chưa lớn,...

Nhìn chung, sau 3 năm, hệ thống NH đã đi vào ổn định. Đã xử lý được tổng cộng 11 NH TMCP (mua lại 3 NH giá 0 đồng) và nhiều chi nhánh nước ngoài. Các NH sau xử lý đều có thanh khoản ổn định, tiền gửi củng cố, nợ xấu giảm và một số phát triển tốt, tài sản tăng nhanh như trên.

Về vĩ mô, sự ổn định đã trở lại. Lạm phát xuống chỉ còn dưới 1%, thấp nhất 10 năm qua; lãi suất liên NH khoảng 9%; thị trường vàng không có các đợt sốt, vàng bị loại bỏ hoàn toàn khỏi tài sản NH; tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng từ 8 tỷ USD lên 38 tỷ USD,...

Gần đây, NHNN đã thay ông Trầm Bê trở thành cổ đông của Sacombank sau khi ông trùm NH này cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN trong quá trình phê duyệt phương án sáp nhập. NamABank của gia đình bà trùm NH Tư Hường cũng tuyên bố không sáp nhập với Eximbank và sẽ tự cơ cấu,...

Vào khôn khổ mới

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, cho rằng, tái cơ cấu hệ thống NH đã đạt được những kết quả tích cực. Sự an toàn, kỷ cương, kỷ luật thị trường của hệ thống NH đã được lập lại. Lạm phát được kiểm soát, thanh khoản được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất giảm,... giúp ngăn ngừa được một cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế.

{keywords} 

Một kết quả khá ấn tượng, theo ông Nghĩa, là đã xử lý được sở hữu chéo, lũng đoạn bằng pháp luật và chấm dứt kinh doanh NH. Lần đầu tiên chúng ta gỡ được mớ bòng bong là vấn đề lợi ích nhóm. Sự bất ổn của NH, hiện tượng vốn ảo, sân trước sân sau,... đều từ đây mà ra.

Cùng chung nhận định, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng, việc NHNN lần đầu tiên mua cổ phần của 3 NH (VNCB, OceanBank, GPBank) với giá 0 đồng có đủ cơ sở pháp lý. Đây là giải pháp tích cực, thực tiễn, phù hợp trong điều kiện hiện nay và là những bước đi đầu tiên rất quan trọng để tiến tới triển khai thực hiện thủ tục phá sản TCTD theo Luật Phá sản.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cho giai đoạn hiện đại hóa NH trong giai đoạn 2016-2020 và cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tái cấu trúc NH chưa thể đi xa vì có nhiều rào cản. VAMC mua nợ chủ yếu bằng cơ chế, không phải bằng tiền. Trong khi đó, thủ tục bán nợ, nhất là cho các NĐT nước ngoài rất rườm rà, chậm chạp, sang tên sở hữu tính bằng tháng, thay vì bằng ngày như mong muốn của họ.

Trên thực té, VAMC hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Tổng cộng hệ thống NH đã xử lý được 458 ngàn tỷ đồng nợ xấu, 42% xử lý qua VAMC nhưng chưa triệt để. Đây mới chỉ là bước loại nợ xấu ra khỏi bảng. Việt Nam thiếu khung pháp lý để VAMC xử lý, bán nợ xấu giống như ở các nước khác.

Còn theo bà Nga, tiến tới phải cho phá sản NH để chống thói ỷ lại, chây ì, bắt nền kinh tế làm con tin. Trên thực tế, Luật phá sản có hiệu lực từ đầu 2015 nhưng văn bản hướng dẫn của Tòa án chưa có, do vậy bên cạnh quyết định mua 0 đồng để đảm bảo an toàn hệ thống NH và an ninh trật tự xã hội, nếu chọn theo hướng phá sản áp dụng cho 3 NH nói trên cũng không thực hiện được.

Nhiều đại biểu QH và chuyên gia lưu ý, cần củng cố vai trò giám sát, phòng ngừa rủi ro của NHNN cũng như Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam. Bên cạnh đó, theo đại biểu QH Trần Du Lịch, luật pháp cũng cần được cải thiện theo hướng mở cơ chế mua bán tài sản thế chấp. Theo quy định hiện hành, quyền chủ nợ liên quan tới tài sản thế chấp thì tài sản BĐS 5 năm chưa bán được nếu con nợ không hợp tác. Đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng nợ xấu cao thời gian vừa qua.

Ngoài ra, theo TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý tài sản đảm bảo; hoàn thiện cơ chế cấn trừ nợ, xiết nợ, thủ tục thi hành án; cho phép TCTD được quyền bán đấu giá mà không cần thông qua thủ tục phá sản; xây dựng cơ chế định giá nhanh; hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp...

M. Hà