Tổng thống Vladimir Putin đang thu về những khoản tiền hàng tỷ USD qua những thương vụ do đích thân ông ra tay thực thi. Đây là khoản tài chính rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp rất nhiều khó khăn do giá dầu giảm và bị bao vây cấm vận.


Nguồn tiền chục tỷ USD

Chưa năm nào, doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Nga lại lớn như vậy. Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronoexport vừa công bố, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí tính tới cuối tháng 10 đã đạt ngưỡng 18 tỷ USD, so với mức trung bình 7,8 tỷ USD/năm trong 15 năm qua. 

Con số trên còn chưa tính các hợp đồng vũ khí được Cơ quan Hợp tác An ninh và quốc phòng Liên bang Nga thực hiện.

{keywords}
Nhiều nước thèm khát vũ khí chiến lược của Nga.

Như vậy, 2015 sẽ là năm Nga chứng kiến một cú bứt phá ngoạn mục trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Với tất cả các hợp đồng đang thực hiện trị giá tổng cộng 45 tỷ USD, Nga chắc chắn tiếp tục thu về những khoản tiền lớn trong các năm tiếp theo, tập trung vào các mảng xuất khẩu: hàng không quân sự, vũ khí lục quân và vũ khí hải quân.

Trong 15 năm qua, số lượng các quốc gia nhập khẩu vũ khí từ Nga liên tục tăng, đến nay đã đạt gần gần 120 nước. Doanh số cũng tăng đều đặn qua các năm và dường như đang bước vào một thời kỳ bùng nổ.

Sự bùng nổ xuất khẩu vũ khí của Nga dưới thời ông Putin, nhất là trong năm qua là do nhu cầu vũ khí liên tục tăng mạnh theo đà chạy đua vũ trang trên thế giới, nhất là nhu cầu đối với các loại vũ khí chiến lược tốt và rẻ của Nga.

Tuần vừa qua, có khá nhiều thông tin cho thấy, Ấn Độ và Nga sẽ đẩy mạnh hợp tác song phương về lĩnh vực quốc phòng. 

Nga có thể sẽ cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumph cho Ấn Độ. Đây là một hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao hiện đại của Nga, có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27km và các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5-10m.

Khả năng hiếm có của hệ thống tên lửa trị giá được cho là vào khoảng 500 triệu USD này khiến rất nhiều quốc gia, gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ - một khách VIP trên thị trường vũ khí… khao khát muốn mua nhưng vẫn chờ sự đồng ý từ nước Nga của ông Putin.

Cho dù chưa được 2 bên xác nhận nhưng nhiều nguồn tin cho rằng, hợp đồng có trị giá lên tới cả chục tỷ USD với Ấn Độ ở nhiều hạng mục có thể được thống nhất tại một cuộc họp liên chính phủ Nga-Ấn Độ trong chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Narendra Modi dự kiến vào tháng 12 sắp tới.

Một số nguồn tin cũng cho rằng, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên mua được hệ thống S-400 tiên tiến này của Nga.

Sau chiến dịch không kích tổ chức khủng bố IS tại Syria đầy thành công trong gần 2 tháng qua, hàng loạt các DN mong muốn mua các vũ khí của Nga: Afghanistan muốn mua trực thăng tấn công Mi-35; Iraq mua phi cơ Su-25, xe tăng; Indonesia mua Su-35; Ai Cập sắm Antey-2500 và Buk… Ả-rập Xê-út - một đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực Trung Đông cũng đang có ý bỏ Mỹ, muốn mua hệ thống S-400.

Sức mạnh không thể ngăn chặn

Chỉ trong một thời gian ngắn, ngành xuất khẩu vũ khí của Nga liên tiếp có những hợp đồng mới, với giá trị rất lớn. Các nước đang chọn mua các sản phẩm của Nga để thay thế cho các dòng vũ khí của Mỹ vốn đắt đỏ hơn. Indonesia đàm phán mua Su-35 thay thế cho Northrop F-5 Tiger II của Mỹ.

{keywords}

Nga tăng cường sự hiện diện trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Theo tờ International Business Times, từ cuối 2014 số lượng hàng xuất của Nga đã tăng mạnh do giá cả thấp, chỉ bằng khoảng 30-40% so với các sản phẩm gần tương đương của Mỹ và chất lượng đang ngày được cải thiện.

Thu từ vũ khí đã lên tới gần hai chục tỷ USD và dự kiến lên tới 50 tỷ USD vào năm 2020. Nguồn thu này đã và đang đóng góp cho chính quyền của ông Putin rất nhiều, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang suy thoái, ngân sách thâm hụt do giá dầu giảm và bị bao vây cấm vận của Mỹ và EU.

Kremlin cho biết, nước Nga đang thích ứng dần với tình hình khó khăn và kinh tế nước này sẽ tăng trở trở lại ngay trong năm 2016 nhờ sự vận động của các DN trong nước và định hướng xuất khẩu sang thị trường châu Á.

Sự gia tăng mạnh mẽ của xuất khẩu vũ khí cùng với những tín hiệu về khả năng bán S-400 cho thấy Nga dường như đang tìm tới con bài chiến lược thứ 2 của mình. Đó là vũ khí quân sự, thay vì quân bài năng lượng.

Việc đã bán S-400 cho Trung Quốc hay chưa và liệu sắp tới có bán hệ thống này cho Ấn Độ hay không vẫn chưa được xác định. Mặc dù vậy, đẩy mạnh xuất khẩu một số loại vũ khí chiến lược để thu những khoản tiền lớn trong bối cảnh các nước đang thèm khát rất có thể là một lựa chọn của ông Putin.

Trước đó, Nga từng khẳng định không có kế hoạch xuất khẩu S-400. Hệ thống này chỉ được sản xuất để phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Nga. Vị thế tại thị trường vũ khí châu Á và Trung Đông của Nga đang cao hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, S-400 không phải là tất cả những gì ông Putin có. Nga còn rất nhiều vũ khí chiến lược mà thế giới thèm muống. Tổng thống Nga Putin đã đánh giá cao những tiến bộ trong hoạt động thương mại xuất khẩu vũ khí của nước này và cho rằng Nga sẽ tăng cường sự hiện diện của đất nước này trong thị trường vũ khí toàn cầu.

V. Minh