Cơ quan Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh vừa bắt giữ một lô lớn mì chính giả tuồn vào thành phố. Theo đó, các nhãn hiệu lớn như Vedan, Miwon... đều bị làm nhái rất tinh vi. Ghi nhận tại Hà Nội, mặt hàng mì chính cũng đang có nhiều loại trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Mì chính “3 không”

Trong vai một người đi tìm mua mì chính để mở hàng ăn, chúng tôi không hề khó khăn khi tìm mua được loại mì chính “3 không”. “3 không” của loại mì chính này là không bao bì nhãn mác, không ngày sản xuất và không hạn sử dụng.

Theo chỉ dẫn của những người bán hàng tạp hóa ở ngay đầu chợ Thanh Xuân, chúng tôi tìm đến đại lý V.A (Nhà E8, KTT Thanh Xuân, Hà Nội) để tìm mua mì chính cân, loại không đóng gói như hàng chuẩn thường thấy ngoài thị trường. Chủ đại lý cho biết, nhà chỉ có mì chính đóng bao 25kg. Bà chủ quán dắt tôi vào gian buồng bên trong. Trước mắt tôi ngồn ngộn hàng loạt bao tải màu trắng, đủ các loại chữ xanh đỏ đang được để ngổn ngang dưới đất, gồm cả mì chính lẫn đường, muối...

Hì hục khuân một bao tải phía trên cùng xuống, chủ sạp vừa phủi bụi vừa liến thoắng quảng cáo: “Nguyên bao bột ngọt Saji xịn, loại mì chính cánh to đấy. Ở đây chỉ có hàng công ty thôi, không phải hàng trôi nổi đâu”(?).

{keywords}

Bao bột ngọt Saji loại 25 kg được một đại lý ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho là “hàng chuẩn của công ty Vedan”

Theo quan sát của chúng tôi, bao tải mì chính này có ghi rõ hàm lượng bột ngọt tinh khiết trên 99%, do Cty Vedan sản xuất, có địa chỉ liên lạc, được dùng làm gia vị và chế biến thực phẩm. Phía dưới cùng của bao hàng, có in ngày sản xuất và khuyến cáo hạn sử dụng 12 tháng kể từ ngày sản xuất.

Tuy nhiên, tất cả những dòng chữ trên đây đều in rất nhòe nhoẹt, cẩu thả. Giá bán của bao tải mì chính trọng lượng 25kg này được chủ đại lý cho biết khoảng 1.050.000đồng/ bao. “Nếu em lấy ít để nêm thì nhà có chiết ra các bao nhỏ hơn đấy”.

Nói rồi, chủ sạp đi vào bên trong, moi từ dưới giá hàng và đưa cho tôi một túi nilon màu trắng tinh, không nhãn mác, không thương hiệu, bên trong đựng loại mì chính cánh to. “Mỗi túi này là 1kg, giá 40.000 đồng/gói, giá rẻ tha hồ mà nêm nhé”, chị chủ nói.

Tại một cửa hàng gần đấy, khi chúng tôi ngỏ ý mua mì chính cân, chủ hàng có vẻ nghi ngờ rồi lẳng lặng lôi từ sau giá hàng một thùng carton cũ kĩ, bên trong đựng khoảng chục túi mì chính đã đóng gói sẵn trong túi nilon màu trắng, miệng túi được buộc bằng dây chun. “Bán hàng thì chỉ cần mua loại này là “ngon lành cành đào”, giá lại rẻ. Mỗi kg giá 39.000 đồng/gói. Nếu mua số lượng lớn, chị có thể giảm giá một chút”, chị chủ cho biết. T

heo khảo sát của PV, mì chính Vedan hàng chuẩn ở siêu thị BigC có giá 52.000 đồng/kg. Các loại mì chính có thương hiệu khác cũng được bán tại đây với giá 43.000 đồng/kg.

Không thể kiểm soát

Tại một quán phở đông khách trên đường Đỗ Đức Dục (Từ Liêm, Hà Nội), người bán hàng để bên cạnh bếp một tô nhựa màu trắng đựng loại mì chính cánh to. Cứ mỗi tô phở, đĩa dưa xào, cơm rang, người bán lại cho vào khoảng nửa thìa mì chính. Anh chủ quán cho biết, trung bình mỗi ngày quán này sử dụng hết 3-4kg mì chính là chuyện thường.

{keywords}

Các gói mì chính “3 không” đang được bày bán ở chợ Thanh Xuân

Chị Thu Trang (Đại học KHXHNV Hà Nội) cho biết, không hiểu sao mỗi khi dùng đồ ăn ở các quán hàng bình dân ngoài đường, nếu người bán cho quá nhiều mì chính sẽ khiến chị có cảm giác buồn nôn, chóng mặt, thậm chí tay chân bủn rủn.

Theo một cán bộ từng công tác tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), với những người quá nhạy cảm hay bị dị ứng với bột ngọt thì nó có thể dẫn đến đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Những biểu hiện ngộ độc cấp tính như đau đầu, chóng mặt chỉ là ban đầu, còn về lâu dài là ngộ độc mãn tính có thể tích tụ lâu ngày trong cơ thể gây ra các bệnh: ung thư, giảm trí lực...

Chia sẻ với PV, ông Chu Quốc Lập (Phó Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm) cho biết, ông không dám khẳng định các loại mì chính “3 không” tràn lan trên thị trường là mì chính giả, bởi chưa có kiểm định chính xác mẫu hàng đó xem hàm lượng glutamate là bao nhiêu.

Tuy nhiên, những loại mì chính không nhãn mác là hàng trôi nổi, không được các cơ quan nhà nước kiểm định về chất lượng và chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rất rẻ so với hàng công ty. Những loại mì chính này không ai đảm bảo được chất lượng của nó, có đủ hàm lượng glutamate và an toàn vệ sinh thực phẩm hay không?!.

Cũng theo ông Lập, có nhiều cách làm mì chính nhưng thông thường được làm từ tinh bột sắn. Khi đã sản xuất không đúng quy trình và chất lượng, người ta có thể thay thế bằng nhiều chất khác nên khó khẳng định được có đủ hàm lượng theo quy định không.

“Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia rất giỏi về hóa chất. Một số trái cây của Việt Nam chỉ giữ một thời gian ngắn là hỏng nhưng Trung Quốc có những loại thuốc bảo vệ trong nhiều tháng trời mà rau củ quả vẫn chưa hỏng. Vì thế, không biết họ dùng liều lượng các chất hóa học bao nhiêu, hoặc biết đâu có những chất hóa học đã cấm từ nhiều năm rồi nhưng vẫn được người ta sử dụng để sản xuất mì chính thì rất khó kiểm soát. Trong khi đó, các cơ quan kiểm soát của chúng ta hiện vẫn chưa đủ mạnh để phát hiện ra hàng trôi nổi này có các chất cấm sử dụng hay không, nên sẽ cực kì nguy hại cho người sử dụng hàng không rõ xuất xứ”, ông Lập cho biết.

“Mì chính là một trong những chất được Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ xếp vào danh mục phụ gia an toàn (GRAs). Vì thế, bản thân làm nghề này nhưng tôi vẫn ăn mì chính. Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng và biết cách sử dụng đúng với phụ gia này. Đồng thời, đó phải là các sản phẩm có nhãn mác và được chứng nhận chất lượng của các cơ quan chức năng mới đảm bảo”, ông Chu Quốc Lập, Phó Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm nói.

(Theo Gia đình & Xã hội)