- Trong hội nhập, công nghệ có thể mua được nhưng quản trị và nhân lực thì không có con đường nào khác ngoài việc phải học hỏi.

Còn nhiều điểm nghẽn

Rất ít các công ty VN nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù VN đã và đang thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tăng trưởng xuất khẩu khá lớn, nhưng có tới hơn 2/3 xuất khẩu là từ các nhà máy có vốn FDI; nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu chiếm 90% giá trị xuất khẩu

Đây là đánh giá của bà Sherry Boger - Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham) tại Diễn đàn DN VN (VBF) cuối kỳ 2015 - VBF đầu tiên sau khi VN đàm phán xong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và trước ngưỡng cửa VN vào AEC cuối tháng này.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), chủ tịch VBF cho rằng, các DN tư nhân VN còn rất yếu và thiếu liên kết với nhau và với các chuỗi giá trị toàn cầu.

“Có một thực tế phải thừa nhận là khu vực kinh tế tư nhân VN còn yếu kém. Mặc dù nền KT VN đang hội nhập mạnh mẽ nhưng DN tư nhân vẫn cô đơn, không tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu, chỉ tham gia được vào những việc tay nghề thấp và giá rẻ”, ông Lộc lo ngại.

{keywords}

Rất ít các công ty VN nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một điều đáng buồn nữa, thống kê cho thấy là: DN VN vốn đã rất nhỏ bé nhưng quy mô bình quân đang ngày càng nhỏ đi.

Trong khi DN tư nhân vẫn nhỏ nhoi và cô đơn lẻ loi trước hội nhập thì DN FDI chưa có sự lan tỏa sức mạnh và cắm rễ sâu vào nền kinh tế. Yếu kém về công nghệ, quản trị, chất lượng nhân lực, chi phí vốn quá lớn… khiến DN yếu càng yếu.

Một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, chi phí của DN VN còn quá lớn, từ chi phí về vốn cho tới chi phí cho thủ tục hành chính.

Theo đại diện VCCI, càng DN tư nhân lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao; DN càng lớn và thành công thì càng bị thanh tra kiểm tra nhiều. DN còn khổ sở vì thủ tục phiền hà, cán bộ nhũng nhiễu, không ít các văn bản không phù hợp, việc thực thi còn nhiều bất cập, phát sinh chi phí ngoài.

Hiện tượng oan sai, hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hiện tượng không công nhận hủy phán quyết của trọng tài…, theo ông Lộc, cũng là biểu hiện của một MTKD chưa tốt và an toàn.

Ông Kyle F. Kellhofer, giám đốc khu vực của IFC còn vạch ra điểm yếu ngay cả trong lĩnh vực thế mạnh nông nghiệp của VN. Theo đó, trong lĩnh vực này, trước đây đã tận dụng hầu hết lợi thế như: lao động, tài nguyên giá rẻ. Giờ đây, khi hội nhập cần có sự sáng tạo, đầu tư, cải thiện, năng lực cạnh tranh cao hơn.

Bà Sherry Boger cảnh báo về tình trạng thắt chặt các quy định có liên quan đến thị thực, visa dành cho cả khách du lịch và doanh nhân... là một bước lùi và sẽ gây trở ngại lớn cho VN khi hội nhập.

Cải cách thực chất để phát triển

Đánh giá tổng quát về MTKD, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, cải cách thể chế tại VN đã đạt được nhiều tiến bộ. Ông Lộc đánh giá cao việc thực hiện Luật DN và Luật Đầu tư, nỗ lực cải thiện MTKD. Ông hoan nghênh những nỗ lực cải cách xã hội của Bộ Giao thông Vận tải, cải cách hành chính công của Bộ KHĐT… Tuy nhiên, cũng theo đại diện cộng đồng DN Việt này, chừng đó chưa đủ.

{keywords}

Trong hội nhập, công nghệ có thể mua được nhưng quản trị và nhân lực thì không có con đường nào khác ngoài việc phải học hỏi.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cũng chia sẻ khó khăn của DN khi sự chuẩn bị cho hội nhập còn nhiều vấn đề bất cập, khâu thực thi cải cách MTKD còn yếu kém, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung còn thấp.

Ông Lộc cho rằng, nguyên nhân dẫn tới sự cô đơn của DN Việt chính là sự yếu kém về công nghệ, quản trị và chất lượng nhân lực.

“Nói công nghiệp hỗ trợ DN không tham gia vào được, DN tư nhân không tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu chính là do nguồn nhân lực yếu kém, mà nguồn gốc nằm ở vấn đề đào tạo nhân lực và đào tạo nghề”, ông Lộc nhận định.

Đại diện VCCI cho rằng, trong hội nhập, công nghệ có thể mua được nhưng quản trị và nhân lực thì không có con đường nào khác ngoài việc phải học hỏi. Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục Nghề nghiệp nhằm cải thiện chất lượng đào tạo dạy nghề.

Ông Lộc cũng đề nghị đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng các trường dạy nghề đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Đại diện AmCham cũng cho rằng, giáo dục là động lực phát triển chính. “VN cần một lực lượng sinh viên tốt nghiệp có khả năng sẵn sàng làm việc, khoa học và công nghệ, nghiên cứu và đổi mới”, bà Boger chia sẻ đồng thời khẳng định các công ty hội viên của AmCham sẵn sàng tham gia vào các dự án giáo dục.

Về MTKD, đại diện VCCI kiến nghị, cần đơn giản hóa các thủ hành chính như đẩy mạnh việc thực hiện giao dịch giữa người dân và DN với chính quyền thông qua mạng điện tử, vừa giúp tiết kiệm thời gian vừa minh bạch chống tham nhũng.

Ông Lộc phản đối việc lấy tiền ngân sách để xây dựng các trung tâm hành chính công nhưng cho rằng, việc tập trung giải quyết các thủ tục hành chính cho dân, cho DN tập trung vào một trung tâm là một hướng đi rất quan trọng. Các địa phương có thể sử dụng các trụ sở cũ hoặc tận dụng những cơ sở có sẵn.

“Ví dụ như ở Thái Bình, chính quyền đã sửa chưa trung tâm văn hóa tuyên truyền đang sử dụng ít hiệu quả thành trung tâm hành chính công. Các thủ tục, hải quan, thuế, đầu tư, xây dựng, môi trường… đều được giải quyết tại đây. Cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra cũng ngồi đây, quan sát bằng camera và ghi lại. Có phản ánh gì, đại diện cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra Nhà nước xử lý ngay”, ông Lộc chia sẻ.

M. Hà