Bộ đồ bay không chỉ là món đồ chơi mới của giới nhà giàu mà còn có thể hỗ trợ đáng kể trong công tác cứu hộ, gìn giữ an ninh trật tự.

Chuyện con người có thể bay lượn như một siêu nhân trong các bộ phim bom tấn Hollywood không còn là vấn đề quá xa vời khi bộ đồ bay xuất hiện.

Bước tiến công nghệ

Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, Công ty Martin Aircraft (New Zealand) dự kiến giao những sản phẩm bộ đồ bay đầu tiên cho khách hàng vào cuối năm 2016. Với giá dao động 200.000-250.000 USD, bộ đồ bay có thể đạt tốc độ 74 km/giờ, bay cao 914 m và hoạt động liên tục 30-45 phút.

Thiết bị làm từ sợi carbon này còn được trang bị loại dù đặc biệt. Nếu xảy ra sự cố, dù có thể giảm tốc độ rơi của bộ đồ bay xuống dưới 10 m/giây, làm gia tăng khả năng sống sót của người sử dụng. Bộ đồ bay còn có khả năng tự lái giống như máy bay không người lái.

{keywords}

Cơ quan Phòng vệ Dân sự Dubai vừa ký bản ghi nhớ với Công ty Martin Aircraft về việc mua 20 bộ đồ bay Ảnh: Gizmag.com

Ông Peter Coker, Giám đốc điều hành Công ty Martin Aircraft, bày tỏ hy vọng sẽ bán được 45 sản phẩm loại này vào mùa hè năm 2017. “Đối tượng khách hàng đầu tiên của chúng tôi là lực lượng phản ứng nhanh như cứu hỏa, cảnh sát, cứu thương, biên phòng và phục hồi sau thiên tai” - ông Coker nói với đài CNBC bên lề một sự kiện hàng không gần đây ở TP Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Công ty Martin Aircraft còn có ý định bán sản phẩm cho khách hàng trong những lĩnh vực như dầu khí, khoáng sản, nông nghiệp hoặc trường huấn luyện bay, người giàu có… “Hầu hết máy bay không người lái nhỏ chỉ mang được trọng lượng 8 kg nhưng thiết bị này có thể chở đến 120 kg. Vì thế, chúng có khả năng làm nhiều việc mà máy bay không người lái không thể hiện, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp như khai khoáng” - ông Coker nhấn mạnh.

Chịu chơi như Dubai

Tại sự kiện hàng không nêu trên, Cơ quan Phòng vệ Dân sự Dubai đã ký bản ghi nhớ với Martin Aircraft về việc mua 20 bộ đồ bay, 2 thiết bị mô phỏng, kèm theo dịch vụ hỗ trợ và huấn luyện sử dụng trong năm 2016. Ông Ali Hassan Almutawa, giám đốc Cơ quan Phòng vệ Dân sự Dubai, nói với đài BBC rằng công cụ này có thể hỗ trợ đắc lực trong các trường hợp khẩn cấp tại tòa nhà chọc trời, như chữa cháy và cứu hộ.

“Khi hỏa hoạn xảy ra, mọi người chạy lên nóc tòa nhà. Chúng ta không thể thường xuyên đưa thang lên đến đó và người dân cũng không thể sử dụng thang máy trong trường hợp khẩn cấp” - quan chức này giải thích.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Dubai chịu chi để hỗ trợ hoạt động của các cơ quan chức năng. Trước đó, người ta đã quen với hình ảnh cảnh sát thành phố này lái siêu xe đi tuần tra. Ngoài ra, năm 2014, Dubai còn bắt đầu sử dụng xe thể thao Lotus Evora và Ford Mustang để đưa nhân viên y tế đến hiện trường cấp cứu nạn nhân nhanh nhất có thể.

Trong khi đó, Công ty JetPack Aviation (Mỹ), một đối thủ của Martin Aircraft, cũng vừa gây chú ý khi tung ra đoạn video cho thấy bộ đồ bay JB-9 của họ được sử dụng để bay vòng quanh tượng Nữ thần Tự do ở TP New York hồi đầu tháng 11.

Các nhà sáng lập JetPack Aviation cho biết họ mất 40 năm để nghiên cứu và sản xuất ra JB-9 - một phương tiện có thể bay cao 3.000 m, đạt tốc độ hơn 160 km/giờ và hoạt động liên tục trong 10 phút. Tuy nhiên, ông Coker cho rằng sản phẩm này hướng nhiều hơn đến mục đích sử dụng cá nhân.

(Theo NLĐ)