Casino Group thông báo chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư tại Big C VN với động thái tương tự như Metro Cash & Carry khiến thị trường phân phối bán lẻ VN có nhiều chuyện để nói.

Casino Group, tập đoàn bán lẻ Pháp đồng thời là công ty mẹ của chuỗi siêu thị Big C Việt Nam vừa công bố sẽ chuyển nhượng lại hoạt động kinh doanh chuỗi cửa hàng Big C ở một số thị trường không trọng điểm, trong đó có Việt Nam. Mọi nguồn lực tới của Tập đoàn này sẽ dồn vào các thị trường chủ chốt như Pháp, châu Mỹ la tinh và châu Á.

Lý giải quyết định này, Casino Group cho biết, tình hình tài chính bất ổn ở khu vực châu Âu, nhất là tình hình suy thoái kinh tế tại Brazil khiến họ gặp khó khăn. Giá cổ phiếu của tập đoàn này sụt giảm đến 40% trong năm nay. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tái cấu trúc danh mục đầu tư của Casino Group.

Big C bị rao bán

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau thông tin này, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc siêu thị BigC Thăng Long xác nhận tính chính xác, nhưng từ chối cung cấp chi tiết lộ trình thoái vốn, các nhà đầu tư thay thế Casino Group cũng như bình luận về thông tin Big C Việt Nam đã bị rao bán hơn một năm trước.

Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định: “Động thái từ phía tập đoàn mẹ trước mắt chưa có ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư của Big C Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục có những khoản đầu tư vào các trung tâm thương mại mới”.

Sau 17 năm có mặt tại Việt Nam, Big C hiện có 32 siêu thị trên toàn quốc và là nhà bán lẻ lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Co.op Mart của Sài gòn Co.op. Bên cạnh đó, Big C còn có 10 cửa hàng tiện lợi. Với vị thế đó, giới phân tích nước ngoài dự kiến thương vụ chuyển nhượng tại Việt Nam sẽ đem về cho Casino khoảng 750 triệu euro.

Năm ngoái, Tập đoàn bán lẻ Metro Cash & Carry của Đức đã bán lại Metro Cash & Carry Việt Nam cho Tập đoàn BJC của Thái Lan, với giá trị 655 triệu EUR (tương đương 879 triệu USD). Tuy nhiên, thương vụ này hiện nay vẫn chưa kết thúc khi các thủ tục chuyển nhượng giữa hai nhà đầu tư chưa hoàn tất.

Toan tính của đại gia

So sánh với kịch bản của Metro Cash & Carry Việt Nam trước khi lộ thông tin về nhà đầu tư mua lại, dường như Casino Group đang đi đúng con đường này.

{keywords}

Khi đó, Metro Cash & Carry cũng thông báo tái cơ cấu lại và tập trung vào 8 thị trường trong điểm ở châu Á, trong đó có Trung Quốc. Giống như Casino Group, Việt Nam có trong danh sách thị trường không quan trọng và sẽ phải cơ cấu lại.

Kết quả đúng như dự đoán khi hợp đồng giữa Metro Cash & Carry và Tập đoàn BJC được công bố sau đó vài tháng.

Hiện tại, Big C cũng tuyên bố tái cấu trúc với cùng quan điểm, đó là tập trung vào những thị trường trọng điểm, cơ cấu lại các thị trường không trọng điểm. Đặc biệt, ở thị trường châu Á, nhiều khả năng Casino sẽ quyết tâm chuyển nhượng khoản đầu tư ở Big C Việt Nam vì trước đó, khi có tin đồn Casino sẽ bán cả Big C ở Thái Lan, ngay lập tức họ đã lên tiếng phủ nhận.

Nhìn vào động thái của Big C và Metro Cash & Carry, nhiều người đặt câu hỏi, vì sao với thị trường hơn 90 triệu dân, một nửa là dân số trẻ, nhưng Việt Nam lại bị xem là một thị trường không trọng điểm?

Cũng phải nhắc lại, cũng các nhà đầu tư này, khi bắt đầu đặt chân vào Việt Nam đều tuyên bố coi Việt Nam là thị trường trọng điểm trong khu vực ASEAN và đều thể hiện cam kết đầu tư lâu dài.

Metro Việt Nam thì lý giải với ba lý do.

Thứ nhất là, do thói quen, người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích sự tiện lợi nên bán lẻ theo mô hình truyền thống như cửa hàng tạp hóa, chợ…vẫn thắng thế.

Báo cáo quý I/2015 của Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, bất chấp sự tăng trưởng về siêu thị mini và chuỗi cửa hàng tiện ích trong năm 2014, kênh truyền thống vẫn vượt trội về nhiều mặt với 1,3 triệu cửa hàng, đóng góp hơn 80% vào doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Thứ 2, hệ thống pháp lý dù có, nhưng chưa chặt chẽ nên doanh nghiệp phân phối cũng có thể bán lẻ và ngược lại, không tạo được sự khác biệt trong mắt người tiêu dùng.

Thứ 3, chi phí thuê mặt bằng ở Việt Nam quá cao so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Chi phí đầu tư cao, trong khi thị trường tăng trưởng không như mong đợi nên khi gặp đối tác có nhu cầu mua lại với mức giá hấp dẫn hoặc chiến lược toàn cầu của các Tập đoàn có thay đổi, chi nhánh Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi thời điểm đó, có nhiều quan điểm nghi ngờ Metro Cash & Carry đã có một chiến lược ma mãnh ngay từ đầu để tạo nên cuộc tháo chạy đúng thời điểm mà trúng hai đích, hớt chênh lệch thuế đất do Việt Nam ưu đãi và trốn thuế.

Trở lại với câu chuyện của Big C. Năm 2012, báo chí liên tục đưa nghi vấn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn như Coca Cola, Metro Cash & Carry và Big C… chuyển giá, trốn thuế. Lý do, các doanh nghiệp này đều viện nguyên nhân lỗ vì chi phí sản xuất lớn, giá nhập nguyên liệu cao hay đầu tư lớn trong khi hoạt động đầu tư vẫn được xúc tiến ồ ạt. Đây là điều khó tin.

Chính bởi vậy, dù chưa có công bố chính thức nào của các cơ quan thuế về việc này, thông tin về nghi vấn chuyển giá của Big C dừng lại ở dạng “nửa kín nửa hở”, nhưng cũng khiến doanh nghiệp này giật mình, vào cuộc thanh minh hàng loạt với giới truyền thông.

Như vậy, với thông tin chỉ được hé lộ một cách ít ỏi với giới truyền thông, nhưng trước bước đi luôn toan tính chặt chẽ của các tập đoàn đa quốc gia, thì khả năng Casino Group “theo chân” Metro Cash & Carry rời Việt Nam hoàn toàn có thể, thậm chí sẽ đi kèm với nhiều bất ngờ mới.

(Theo Đầu tư)