- Một sự kiện hy hữu và cũng là một kỷ lục mới vừa được thiết lập trên thị trường chứng khoán trong những ngày cuối cùng của năm 2015, thời điểm cuối cùng của giai đoạn cổ phần hóa 2011-2015.

Hơn 122 triệu cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam - Gelex đã được khớp lệnh trên sàn chứng khoán UPCOM trong vòng 30 phút sau mở cửa phiên giao dịch ngày 25/12. Hàng loạt các đại gia đã tung ra hàng ngàn tỷ để ghi danh giàu nhất Việt Nam.

Đây là một kỷ lục chưa từng có trên TTCK Việt Nam và cũng là một sự kiện thoái vốn hy hữu của Nhà nước.

{keywords}

Số lượng cổ phiếu khủng được bán ra trong một thời gian ngắn ngủi nói trên được cho là của Bộ Công thương - đơn vị chủ quản của Gelex.

Trước đó, Bộ Công thương dự kiến bán thỏa thuận hoặc khớp lệnh toàn bộ trên 122 triệu cổ phần GEX - tương đương 78,74% vốn điều lệ công ty trong thời gian từ 25/12/2015 đến 22/1/2015.

Phần lớn các lệnh khớp đều được thực hiện tại mức giá 17.700-17.800 đồng với khối lượng mỗi lô khoảng 1-2 triệu đơn vị. Như vậy, tổng giá trị thu về ở vào khoảng 2.100 tỷ đồng, thấp hơn một chút so với mức dự kiến khoảng 2.300 tỷ đồng trước đó.

Gelex là một TCT rất nổi tiếng trong lĩnh vực thiết bị điện với DN nổi tiếng như Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Vinakip... Trong quý III vừa qua, doanh thu của TCT này tăng 80%.

Trong cú thoái vốn vào thời điểm áp chót năm này, các NĐT nước ngoài chỉ mua được một lượng khá khiêm tốn 30 ngàn cổ. Đợt thoái vốn lần này một lần nữa cho thấy, nguồn lực trong dân rất lớn.

Trong năm 2015, hàng loạt các đại gia Việt nổi tiếng và cả kín tiếng đã thực hiện các thương vụ gây chấn chấn động thị trường.

Phiên đấu giá Khách sạn Kim Liên của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng mang về cho Nhà nước hơn một ngàn tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với mức giá đem ra chào bán. Trong hiên đấu giá hôm 22/12, hơn 3,6 triệu cổ phần (52,4% vốn) của SCIC tại Công ty Du lịch Kim Liên đã được bán với giá 274.200 đồng/cp, cao hơn nhiều so với giá khởi điểm 30.600 đồng/cp.

Trước đó, hồi cuối tháng 10, Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương (BV GTVT) cũng trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành này tiến hành CPH. BV GTVT đã bán đấu giá gần 5 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), tương đương 29,5% vốn điều lệ công ty sau cổ phần hóa. CPH BV GTVT cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường với 33 NĐT đặt mua 11,7 triệu cổ phần, gấp 2,4 lần so với khối lượng chào bán.

Trước đó, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi sở hữu nhiều BĐS đẹp trên con đường đẹp nhất Hà Nội, bắt đầu từ Hồ Hoàn Kiếm cũng đã được bán với giá thành công với giá rất cao, lên tới 82.000 đồng/cổ phần.

CPH In Trần Phú hồi tháng 11 cũng hấp dẫn với sự vào cuộc của đại gia BRG. Trước đó, BRG cũng đã tấn công vào Khách sạn Thắng Lợi, ven Hồ Tây, Hà Nôi. Các phiên đấu giá DN có đất vàng cũng rất sôi động với sự tham gia của Vingroup, Novaland, Tập đoàn BRG, FLC Group, TNG Holdings, Tân Hoàng Minh, Văn Phú, Hải Phát, Khang Điền, Đất Xanh…

M. Hà