-Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, khi tỷ giá cứ biến động lên xuống, sẽ không còn những kỳ vọng về thị trường tỷ giá liên tục tăng hay giảm- một nguyên nhân thường dẫn tới đầu cơ ngoại tệ.
Từ ngày 4/1 năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đồng Đô la Mỹ và tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác. Với cơ chế mới này, tỷ giá ở Việt Nam sẽ lần đầu tiên được điều chỉnh lên xuống hàng ngày.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng đã có cuộc trao đổi với Chuyên mục Góc Nhìn Thẳng của VietnamNet về câu chuyện này.
Xin mời quý bạn đọc theo dõi nội dung cuộc trao đổi tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, Ngân hàng Nhà nước đã theo đuổi chính sách neo tỷ giá trong một thời gian nhất định và có trường hợp, kéo dài tới 6 tháng. Vậy, lý do nào khiến Ngân hàng Nhà nước quyết định thay đổi, chuyển sang cơ chế điều hành tỷ giá theo ngày?
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Trước hết, phải khẳng định rằng, cách thức điều hành tỷ giá cũ rất là phù hợp trong bối cảnh, điều kiện của những năm qua, và đã đem lại những thành công rất lớn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Việc ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối là điểm rất là sáng trong quản lý kinh tế vĩ mô đã được các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như các tổ chức tài chính quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá và đồng tình.
Tuy nhiên, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và đánh giá, cũng nhận thấy rằng, thị trường ngoại hối ở trong nước đang ngày càng chịu tác động khá lớn bởi yếu tố tâm lý kỳ vọng của thị trường trước các diễn biến của thị trường quốc tế.
Chẳng hạn như trong năm 2015, đó là những diễn biến của đồng CNY giảm giá vào tháng 8 tháng 9 và định hướng điều chỉnh lãi suất của FED v.v...
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, chẳng hạn như TPP... đồng nghĩa với việc nguồn thương mại và đầu tư của Việt Nam với thế giới sẽ luân chuyển nhanh hơn, mạnh hơn.
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định chuyển sang một cách thức điều hành tỷ giá mới, theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế hơn. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo yếu tố quản lý, phù hợp với các cân đối vĩ mô cũng như phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ.
Nhà báo Phạm Huyền: Trước đây, tỷ giá ở Việt Nam chỉ có một chiều tăng mà chưa bao giờ giảm. Với cơ chế điều hành tỷ giá mới, chính sách này sẽ tác động như thế nào tới thị trường tiền tệ cũng như tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016?
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Với cách thức điều hành tỷ giá mới này, hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước vẫn công bố điều hành tỷ giá trung tâm và tỷ giá trung tâm này có thể được điều chỉnh lên xuống hàng ngày.
Như vậy, tỷ giá cứ biến động lên xuống, theo đó, nó không tạo ra một kỳ vọng nào của thị trường là tỷ giá có thể liên tục tăng hay liên tục giảm. Cho nên, nó sẽ phù hợp với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế. Và tỷ giá này cũng được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc, xác định đảm bảo phù hợp với các cân đối vĩ mô tiền tệ và mục tiêu của chính sách tiền tệ, và đảm bảo ổn định thị trường ngoại.
Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đó, có không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà nhập khẩu hay các nhà đầu tư nước ngoài, những người thường xuyên sử dụng ngoại tệ có lo ngại về những rủi ro tỷ giá gặp phải nếu như không tiên liệu được tỷ giá. Xưa nay, họ cũng đã quen với việc tỷ giá ổn định. Bà có ý kiến thế nào về lo ngại này?
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Rõ ràng, các doanh nghiệp là các đối tượng thường xuyên phải sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hoá cho nền kinh tế. Bởi vậy, diễn biến tỷ giá các doanh nghiệp quan tâm là hoàn toàn hợp lý. Nhưng phải khẳng định lại rằng, như tôi đã đề cập ở trên, định hướng nhất quán và kiên định của chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng là ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Đây là một môi trường tốt cho doanh nghiệp hoạt động.
Đối với các doanh nghiệp, để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các sản phẩm phái sinh. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các khung pháp lý thông qua các Thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ phái sinh đó. Doanh nghiệp có thể tiêp cận, các tổ chức tín dụng có thể cung ứng dịch vụ này.
Tóm lại, với cách điều hành tỷ giá mới này, sẽ tốt cho việc ổn định thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.
Xin cảm ơn bà!
- VietNamNet