- Nguồn vốn cho đầu tư làm ăn của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn đi vay ngân hàng. Trong khi đó, ở các nước, vốn kinh doanh và đầu tư dài hạn và giúp ổn định cho nền kinh tế chủ yếu qua thị trường vốn. Sự phát triển chưa như kỳ vọng của thị trường vốn đã khiến không chỉ các DN mà nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn.

Trọng tâm lệch

Nếu không cải cách được thị trường vốn, mà đứng sau là chính sách tài khóa, thì chỉ 3-5 năm nữa Việt Nam lại gặp khó khăn.

Đây là nhận định TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia tại hội thảo “Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế” hôm 17/12 vừa qua.

Theo ông Phước, nền kinh tế Việt Nam đang là một cơ thể đi trên 2 chân của một thị trường tài chính. Cấu trúc của Việt Nam một là thị trường vốn (đứng sau là chính sách tài khóa) và một là thị trường tiền tệ (đứng sau là chính sách tiền tệ).

{keywords}
Thị trường tài chính Việt Nam đang trong tình trạng lệch pha, chủ yếu dựa vào thị trường tiền tệ.

“Cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam là một vấn đề lớn lớn và cần phải đánh giá lại vấn đề này. CSTT phải tách bạch với CSTK. Tách bạch về mặt cơ cấu. CSTT không thể lấy tiền để cho thị trường vốn. Dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 40-50% như hiện nay là rất nguy hiểm. Thị trường vốn phải phát triển lên”, ông Phước chia sẻ.

Trên thực tế, chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của thị trường tài chính (gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ) của VN đang có những bất cập kéo dài và việc này tiềm ẩn rủi ro  và đã không ít lần chúng ta phải gánh chịu hậu quả.

Sự phát triển “lệch pha” được biểu hiện rõ nét ở con số tổng tài sản của hệ thống NH chiếm tới 86% tổng tài sản của các định chế tài chính. Con số này cho thấy nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế chủ yếu do các NH đảm nhận.

Nói là “lệch pha” là bởi nền kinh tế đang dựa phần lớn vào hệ thống NH. Trong khi đó, NH với nhiệm vụ là dịch vụ và cung cấp vốn ngắn hạn lại phải cho vay vay trung và dài hạn để DN đầu tư. Tại nhiều nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, ở cả khu vực và trên thế giới, nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế là nhiệm vụ được đặt trọng tâm cho TTCK và TTTP, tức thị trường tài chính.

Trong khi đó, tại Việt Nam, áp lực nguồn vốn dồn cho hệ thống NH và sẽ dẫn đến rủi ro về thanh khoản. Ví dụ, tính đến cuối 2014, nguồn vốn ngắn hạn chiếm tỷ trọng xấp xỉ 80% tổng nguồn vốn huy động nhưng tín dụng trung, dài hạn lên tới 50% tổng nguồn vốn cho vay.

Ngược lại, TTTP DN và chứng khoán phái sinh chưa phát triển gây khó khăn cho huy động vốn đầu tư phát triển. Tính đến cuối 2014, vốn hóa TPDN của VN chỉ chiếm 0,35 GDP, thấp hơn nhiều mức 13,6% tại Thái Lan và 37,3% tại Malaysia.

Rủi ro cho ổn định vĩ mô

Trên thị trường vốn, các DN chủ yếu huy động vốn riêng lẻ do CTCK hoặc NHTM hỗ trợ phát hành và bán cho các công ty tài chính. Vì vậy, các NĐT cá nhân, tổ chức, NĐT nước ngoài khó tiếp cận trái phiếu của các DN, làm giảm tính thanh khoản của kênh đầu tư này.

Các CTCK, bảo hiểm Việt Nam hiện không thực sự chú trọng huy động nguồn lực và đầu tư vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế khi tài sản ngắn hạn chiếm tới 87% tổng tài sản của CTCK và trên 73% đối với các công ty bảo hiệm phi nhân thọ.

{keywords}
Vốn làm ăn của doanh nghiệp chủ yếu huy động từ hệ thống ngân hàng.

Việc thiếu vắng các NĐT tổ chức trong huy động vốn dài hạn đã khiến cho lãi suất cho vay dài hạn ở Việt Nam ở mức rất cao. Chênh lệch lãi suất 10 năm và lãi suất 2 năm của Việt Nam gần 3% trong khi con số này ở Trung Quốc là 0,37%, Indonesia là 0,7% hay Nhật Bản là 0,5%.

Ở giác độ sử dụng, theo kinh nghiệm các nước, công ty bảo hiểm chủ yếu đầu tư vào TTCK (thị trường vốn), ví dụ tại Singapore là trên 80% tổng tài sản, Malaysia là gần 75% nhưng tại Việt nam các công ty bảo hiệm (đặc biệt là bảo hiểm của Nhà nước) lại gửi phần lớn tiền vào tài khoản tiết kiệm.

Có thể thấy các ví dụ điển hình như, PVI gửi 83,4% và Pjic gửi 85,6% tài sản vào tài khoản ngân hàng. Điều này làm cho sai lệch cấu trúc thị trường tài chính và kìm hãm sự phát triển của TTCK Việt Nam.

Trong khi đó, số lượng CTCK nhiều nhưng quy mô lại nhỏ và hoạt động thiếu kỷ luật. Việt nam hiện có 83 CTCK đang hoạt động, giảm từ 105 công ty tại thời điểm cuối 2007, với bình quân vốn điều lệ khoảng 446 tỷ đồng/công ty.

Tổng vốn hóa toàn TTCK Việt Nam chỉ đạt 25% GDP, thấp hơn nhiều mức 300% GDP của Malaysia. Khoảng 50% nguồn vốn của CTCK là của NĐT và vay ngân hàng nhưng tài sản chủ yếu là tiền mặt và đầu tư chứng khoán ngắn hạn.

Các khoản đầu tư dài hạn chỉ chiếm 12% tổng tài sản. Hơn nữa nhiều CTCK vẫn chưa tuân thủ nghiêm quy định về sử dụng tách bạch tiền của NĐT cho hoạt động kinh doanh.

Không thể phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng, thậm chí mang tính quyết định của hệ thống tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế này lại cho thấy một sự bất cập trong việc cung ứng nguồn vốn cho đầu tư phát triên. Qua đó cũng cho thấy, sự phát triển chưa như kỳ vọng của thị trường trái phiếu DN, chứng khoán phái sinh và vai trò thấp của các CTCK, quy mô thị trường bảo hiểm và đóng góp nguồn vốn cho nền kinh tế hiện còn rất hạn chế.

M. Hà

Trung Quốc sập sàn: Cơn hoảng loạn mới chỉ bắt đầu