Tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng rất lớn so với thị trường vốn nên dẫn đến sự mất cân đối quá lớn giữa 2 kênh dẫn vốn cho nền kinh tế trong nhiều năm qua.

Thị trường vốn thua xa khu vực

Năm 2015, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục được đánh giá đã làm tốt vai trò kênh dẫn vốn.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và chương trình công tác năm 2016 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận định, cho dù chịu ảnh hưởng của biến động từ nền kinh tế thế giới, TTCK VN năm 2015 tương đối ổn định và được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực.

Vốn hóa TTCK 2015 đạt 1.325 ngàn tỷ đồng, tương đương 34% GDP.  Trong năm 2015, 283 ngàn tỷ đồng được huy động qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa (bao gồm cả phát hành riêng lẻ) và huy động TPCP (232 ngàn tỷ đồng). Hàng trăm DN đã huy động vốn thành công trên sàn chứng khoán.

{keywords}
Vốn cho nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng.

Từ năm 2000 với 2 DN niêm yết ban đầu và vốn hóa chưa đầy 0,3% GDP, đến nay TTCK đã có 628 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ và 517 mã trái phiếu, chưa kể hàng trăm DN đăng ký niêm yết trên UPCOM. Quy mô thị trường chiếm 34% GDP. Tăng trưởng cả về số lượng và quy mô tính bằng ngàn lần.

Có thể thấy, những kết quả đạt được không hề nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, với quãng đường 19 năm phát triển và 15 năm chính thức đi vào hoạt động, TTCK Việt Nam vẫn có quy mô còn quá khiêm tốn so với khu vực. Vì thế, nền kinh tế vẫn trong tình trạng mất cân đối, phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng.

Mức vốn hóa khoảng 60 tỷ USD của TTCK VN là con số rất thấp so với GDP trên 200 tỷ đồng và số dân trên 92 triệu người của VN.

Có thể thấy, quy mô vốn hóa TTCK VN thấp xa so với khu vực. Ngay từ 2014, quy mô vốn hóa của TTCK Thái Lan đã đạt 405 tỷ USD, Indonesia (888,5 tỷ USD), Malaysia (338 tỷ USD)...

Tính theo tỷ lệ phần trăm so với GDP, quy mô vốn hóa của các DN niêm yết trên TTCK Việt Nam tính tới 2014, theo số liệu của WB, chỉ đạt 24,7%. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế trong khu vực và nền kinh tế lớn trên thế giới có tỷ lệ rất cao như: Mỹ (151,2%), Anh (106,5%), Thái Lan (106,3%), Thụy Sĩ (213,3%), Nam Phi (266,8%), Singapore (244,5%), Philippines (91,9%), Nigeria (100%), Malaysia (135,8%), Hàn Quốc (86%), Nhật (95,1%), Ấn Độ (76,1%), Hong Kong (1.111,4%)…

Với kết cấu thị trường tài chính với hai trụ chính là thị trường tiền tệ (với vốn từ hệ thống NH) và thị trường vốn (từ TTCK) thì ở Việt Nam đang lệch hẳn về trụ cột thứ nhất. Kênh tín dụng NH chiếm tỷ trọng rất lớn so với thị trường vốn trong việc cung cấp vốn ra thị trường.

Sự mất cân đối diễn ra trong một thời gian dài và tăng trưởng kinh tế sẽ gặp rủi ro lớn nếu hệ thống NH không vượt qua được giai đoạn như vài năm vừa qua. Bên cạnh đó còn là sự an toàn của hệ thống NH trong tương lai. Sự chậm chạp của kênh thị trường vốn khiến nhiều người không khỏi thất vọng và câu hỏi về vai trò của những nhân tố tạo lập và thức đẩy thị trường trong gần 2 thập kỷ qua đã  nhiều lần được đặt ra.

{keywords}
Nền kinh tế trông chờ vào TTCK.

Tín dụng ngân hàng thống trị nền kinh tế

Ngay trong hoạt động huy động vốn thông qua TPCP để phục vụ phát triển kinh tế, đóng góp của NH rất lớn, chiếm tỷ lệ chủ yếu và quyết định. Đại diện của NHNN từ lâu cũng đã tỏ ra lo ngại về áp lực lo vốn cho nền kinh tế, từ vốn tín dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến vốn cho kênh huy động TPCP.

Trong 3 quý đầu năm 2015, sự thiếu mặn mà vào cuộc của các NH đã khiến hàng loạt các đợt đấu thầu TPCP bị ế, tỷ lệ trúng thầu rất thấp. Bộ Tài chính đã phải đôn đáo tìm cách xoay sở. Thị trường trái phiếu chỉ ấm lại đôi chút trong vài tháng gần đây với sự đóng góp của các lô trái phiếu ngắn hạn.

Sự thất bại của hàng loạt các phiên đấu thầu trái phiếu hồi đầu và giữa năm đã gây áp lực rất lớn cho kế hoạch ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính đã phải tìm đến NHNN với đề xuất dùng dự trữ ngoại hối hoặc vay trực tiếp từ NHNN.

Kế hoạch phát hành 3 tỷ USD TPCP ra thị trường vốn quốc tế để đảo nợ trong nước giai đoạn 2015-2016 cũng cho thấy thực trạng thâm hụt ngân sách và khả năng khó huy động qua thị trường vốn trong nước.

Tình trạng thâm hụt ngân sách, những dự án bạo chi tại địa phương và khả năng huy động vốn ngắn hạn khó đáp ứng cho dài hạn của hệ thống NH đã khiến huy động TPCP dài hạn liên tục ế ẩm, lãi suất tăng cao, ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất thương mại trong nền kinh tế. Hiện tượng này cũng cho thấy một thực tế: đang có sự trục trặc giữa hai cơ quan điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Một trong những nhiệm của quan trọng của NHNN vài năm gần đây là tái cấu trúc hệ thống NH. Hàng loạt các chính sách mới như Thông tư 36 và Nghị quyết 78… là nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống. Tuy nhiên, nó cũng có những tác động tiêu cực tới hoạt động của thị trường vốn, nhất là thị trường trái phiếu. Qua đó lại cho thấy một câu chuyện bất cập riêng của Việt Nam khi thị trường vốn lại phụ thuộc nhiều vào tiền tệ.

M. Hà