Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch rạng sáng 13/1 đã xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, thấp hơn cả mức đáy xác lập trong thời kỳ nền kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009.

Dầu xuống dưới ngưỡng 30 USD trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng trên các thị trường tiền tệ và chứng khoán và nền kinh tế của Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới suy giảm.

Tốc độ tăng gia nhanh chóng của đồng USD cũng là lý do khiến giá dầu giảm mạnh.

Giá dầu thô WTI trong phiên giao dịch đêm qua trên Sàn Giao dịch New York giảm 1,28 USD (-4,1%) xuống 30,13 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu đã xuống 29,93 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2003.

Giá dầu Brent giao tháng 2 cũng giảm 3,3 USD xuống còn 30,5 USD/thùng trên sàn London.

Như vậy, chỉ trong vòng gần 2 tuần đầu năm mới 2016, dầu đã giảm giá 19% sau khi giảm 30% trong năm 2015.

Trên WSJ, theo Goldman Sachs, giá dầu hiện nay còn thấp hơn cả mức đáy xác lập trong thời kỳ nền kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009 và giá dầu có thể còn giảm sâu hơn nữa để có thể gây ra sức ép khiến các nước sản xuất dầu cắt giảm sản lượng đủ để cân bằng cung cầu.

{keywords}
Giá dầu đang xuống ở mức thấp nhất

Trong khi đó, theo dự báo của Morgan Stanley, giá dầu Brent cũng được dự báo có thể xuống tới 20 thùng vì các lý do nêu trên.

Dầu giảm giá và được dự báo còn giảm do cung áp đảo cầu. Cuộc chiến dầu khí nhằm giữ thị phần của OPEC và tốc độ tăng khai thác của Mỹ đã khiến thị trường mất cân bằng. Trong năm 2015, cứ mỗi ngày thế giới lại thừa ra thêm 1,5 triệu thùng dầu. Riêng tại Mỹ, dự trữ dầu hiện nay ở mức trên 482 triệu thùng, cao nhất so với cùng thời điểm của 80 năm trở lại đây.

OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chững lại trong năm 2016, ước tính mức tiêu thụ dầu mỗi ngày sẽ là 1,2 - 1,25 triệu thùng dầu/ngày từ mức cao 1,8 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2015.

M. Hà