- Sau 4 năm liên tục giảm, lãi suất trên thị trường đang tăng trở lại. Liệu đây có một phải là một xu hướng mới trên thị trường tiền tệ hay chỉ là hiện tượng thường thấy mỗi dịp cao điểm trước Tết và tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng có gì đáng lo ngại hay không?
Trong khoảng 3 tuần qua, những ngày cuối cùng của năm cũ 2015 cho đến 2 tuần đầu năm mới 2016, hàng loạt các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt tăng lãi suất huy động.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất gửi tiền đồng thêm 0,2-0,3% mỗi năm cho một số kỳ hạn ngắn. Techcombank tăng 0,1-0,35%. ACB cũng nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,1-0,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Eximbank để lãi suất cao, lên tới 7,6%/năm cho kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên. VPBank tăng khoảng 0,5%.
Hàng loạt các NH khác như VietCapital Bank, Saigonbank… cũng đồng loạt chào tăng lãi suất.
Ngân hàng gốc quốc doanh BIDV nâng mạnh thêm 0,5-0,8% ở các kỳ hạn ngắn 1-3 tháng lên 4,8-5,2%/năm.
Lãi suất huy động đồng loạt tăng. |
Các chương trình ưu đãi, dự thưởng, quà tăng, khuyến mãi bằng tiền mặt, bằng vàng SJC, bằng thẻ mua sắm, bằng các gói du lịch… cũng được các NH ồ ạt tung ra khiến cho thị trường huy động vốn trở nên sôi động sau nhiều năm trầm lắng. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vốn trong những ngày đầu năm mới 2016 đã tăng khoảng 0,2-0,4%/năm so với cách đây một tháng.
Thông thường nhu cầu huy động vốn thường tăng vào mỗi dịp cuối năm. Tính chất mùa vụ đối với lãi suất trên hệ thống NH đã thành một quy luật. Tuy nhiên, tốc độ tăng lãi suất khá nhanh cho thấy, dường như đang có một xu hướng mới xuất hiện.
Trước đó, hàng loạt các đợt đấu giá trái phiếu chính phủ (TPCP) trong những tháng cuối quý III đầu quý IV/2015 rơi vào tình trạng ế ẩm. Trái phiếu dài hạn không bán được. Lãi suất trái phiếu liên tục tăng lên.
Nhiều chuyên gia tài chính cũng đã dự báo về khả năng lãi suất tăng bất chấp lạm phát đứng ở mức thấp kỷ lục trong hơn một thập kỷ qua. Kế hoạch huy động vốn qua trái phiếu quy mô lớn để bù đắp bội chi và cơ cấu huy động vốn dựa chủ yếu vào dòng tiền của NH được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Hết thời kỳ lãi “thấp”
Trong khoảng 4 năm vừa qua, lãi suất trên hệ thống NH có xu hướng đi xuống rất mạnh. Từ mức trần 14% hồi đầu năm 2012, lãi suất huy động của hệ thống NH đã giảm xuống chỉ còn 7% vào giữa năm 2013 sau đó xuống tiếp 5-6% và đứng ở mức thấp trong một thời gian dài.
Về lãi suất cho vay, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, lãi suất từ 2011 đã giảm nhiều, từ trên 20-25% cho đến cuối 2015 còn 6-9% với ngắn hạn, trung dài hạn là 9-11%, tương đương với giai đoạn kinh tế phát triển bình thường hồi 2005-2006.
Tín dụng tăng mạnh trở lại cuối 2014 và trong 2015. |
Tình hình thanh khoản của hệ thống NH đã được cải thiện rất nhiều trong vài năm gần đây là yếu tố giúp lãi suất giảm. Tuy nhiên, gần đây, thanh khoản của hệ thống NH không còn dồi dào như trước. Hệ thống NH không còn trong tình trạng thừa tiền như hồi giữa 2014 khi mà tín dụng tới giữa năm mới chỉ tăng hơn 1,3% so với cuối 2013.
Sau khoảng 2 năm bị siết, tín dụng đã tăng khá vào nửa cuối 2014. Trái với lo ngại hồi đầu năm, chốt 2014 nhiều NH lớn có tăng trưởng tín dụng lên tới gần 17-18%. Tăng trưởng tín dụng 2015 đạt khoảng 18%. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2016 trong khoảng 18-20%.
Bên cạnh đó, còn có khá nhiều lý do có thể khiến lãi suất tăng. Một trong số đó là lạm phát có thể tăng mạnh trong năm 2016.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, năm 2016, NHNN sẽ thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt trên cơ sở các chính sách kinh tế vĩ mỗ. Mục tiêu lạm phát được Quốc hội, Chính phủ, NHNN xác định xác định trong năm là dưới 5%, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%.
Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra dự báo lạm phát của VN sẽ tăng trở lại trong năm 2016. Lạm phát của VN tăng trong bối cảnh các loại hàng hóa đầu vào quan trọng, trong đó có dầu vẫn được dự báo tiếp tục giảm giá. Nhiều nước được dự báo đối mặt với nguy cơ giảm phát.
Sự ảm đạm của TTCK, giao dịch ở mức thấp và các chỉ số liên tục đi xuống có thể cũng sẽ gây áp lực lên hệ thống NH và có thể góp phần khiến lãi suất tăng cao khi mà nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đang hồi phục trở lại.
Trên thực tế, hiện tượng vốn cho vay tăng, nhất là vào khu vực sản xuất kinh doanh là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, lãi suất có dấu hiệu tăng là điều khiến nhiều người lo ngại đối với khả năng cạnh tranh của DN VN trong thời buổi hội nhập.
V.Hà