Sự phát triển không đồng bộ của hệ thống tài chính đã và đang gây áp lực cung nguồn vốn của nền kinh tế rất lớn lên hệ thống ngân hàng. Đây như là một đặc trưng lạ không giống ai của tài chính Việt Nam.

Kém đa dạng

Trong khi thị trái phiếu doanh nghiệp gần như dậm chân tại chỗ, không phát triển và thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh mới manh nha phát triển, thì một nguồn lực rất quan trọng là khu vực bảo hiểm cũng không đóng góp được nhiều cho thị trường tài chính.

Quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam tương đối thấp cho thấy khả năng huy động vốn qua kênh đầu tư này còn hạn chế. Doanh thu bảo hiểm năm 2014 chỉ đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 1,6% GDP.

Trong khi đó, Malaysia năm 2009 đã đạt 6,3 tỷ USD (chiếm 3% GDP). Thị trường bảo hiểm cũng mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng quy mô hoạt động của tổ chức này còn khiêm tốn.

{keywords}
Thị trường tài chính gặp khá nhiều khó khăn do thị trường vốn chậm phát triển.

Tổng tài sản của các công ty bảo hiểm châu Âu tại Việt Nam là 5,22 tỷ USD, thấp hơn nhiều mức 73 tỷ USD tại Thái Lan, 31 tỷ USD tại Malaysia và 63 tỷ USD tại Indonesia. Với nguồn lực yếu như trên, khu vực bảo hiểm đã hầu như không hỗ trợ được nguồn vốn cho đầu tư các dự án trung dài hạn, trong nền kinh tế Việt Nam. Trong khi, đây vốn là một trong những chức năng quan trọng nhất của khu vực bảo hiểm tại mọi quốc gia.

Mặt khác, mô hình ngân hàng đầu tư độc lập chưa hình thành tại Việt Nam cũng khiến cho nhu cầu về vốn trung dài hạn dồn vào các NHTM, làm tăng rủi ro hệ thống. Về nguyên tắc, các NHTM sử dụng tiền gửi huy động của công chúng để cấp tín dụng trong khi ngân hàng đầu tư lại chủ yếu sử dụng vốn tự có và đi vay của các NĐT để kinh doanh dài hạn.

Trong điều kiện cơ sở pháp lý của Việt Nam chưa quy định cụ thể mô hình tổ chức cũng như hoạt động của ngân hàng đầu tư thì các NHTM được phép trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện một số hoạt động của ngân hàng đầu tư (điều 103 và 107 Luật TCTD 2010). Do đó, các NHTM cũng có thể sử dụng vốn vay từ người dân để thực hiện những dự án có mức độ rủi ro cao.

Một số NHTM hiện đang cho vay các dự án giao thông đường bộ có thời gian thu hồi vốn dài (từ 20-25 năm) và mức độ sử dụng vốn lớn. Hoạt động này có thể làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu và gây mất an toàn cục bộ cũng như toàn hệ thống các TCTD.

Chức năng này đáng nhẽ phải thuộc tổ chức chuyên thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Tính đến 31/12/2014, có 22 TCTD cho vay các dự án BOT, BT giao thông với mức cam két cấp tín dụng trên 88 ngàn tỷ đồng.

Mặc dù tổng tài sản đảm bảo cho các dự án này khoảng 140 ngàn tỷ đồng nhưng chủ yếu là bằng quyền thu phí dự án. Đây là tài sản hình thành trong tương lai, có khả năng thanh khoản rát thấp. Do đó, khi dự án bị chấm tiến độ hoặc bị dừng thực hiện sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn cho ngân hàng. Một nguy cơ khác là trong quá trình triển khai, dự án bị tăng tổng mức đầu tư cũng sẽ gây khó khăn cho công tác trả nợ vay.

{keywords}
Cần xóa bỏ sự mất cân bằng.

Làm sao để cân bằng

Như vậy, sự phát triển không đồng bộ của hệ thống tài chính đã dồn áp lực cung ứng nguồn vốn của nền kinh tế lên hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, các CTCK, bảo hiểm lại chỉ tập trung vào những hoạt động thu lợi trong ngắn hạn hoặc gửi tiền lại hệ thống ngân hàng hưởng lãi suất mà bỏ qua chức năng quan trong là huy động nguồn vốn và đầu tư trung dài hạn cho phát triển kinh tế.

Điều này đã là sai lệch cấu trúc kỳ hạn và làm gia tăng rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, một số NHTM còn tài trợ vốn cho các hoạt động có độ rủi ro cao là cho vay các dự án giao thông đường bộ. Tình trạng này có nguy cơ đẩy hệ thống tài chính vào vòng xoáy bất ổn trong tương lai gần.

Có thể thấy, đang có một sự “lệch pha” lớn, sự mất cân đối lớn giữa “2 chân” của một thị trường tài chính. Nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đến chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, chứ không phải từ thị trường vốn.

Về lý thuyết, thị trường vốn và tiền tệ có quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng nhau cấu thành nên thị trường tài chính và cùng thực hiện một chức năng là cung cấp vốn cho nền kinh tế. Thị trường tiền tệ tập trung cung cấp nguồn vốn ngắn hạn còn thị trường vốn cung cấp nguồn vốn dài hạn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, 2 thị trường này chưa thực sự được thực hiện đồng bộ xen lẫn nhau và đang ở tình trạng mất cân đối.

Trong gần 2 thập kỷ phát triển, thị trường vốn vẫn đang yếu thế, trong khi thị trường tiền tệ đang đảm nhiệm cả vai trò huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, tạo ra một sự rủi ro lớn. NH chủ yếu đi vay ngắn hạn và cho vay trung dài hạn và do vậy luôn tồn tại rủi ro thanh khoản xuất phát từ mất cân đối kỳ hạn.

Về dài hạn, để giúp thị trường tài chính phát triển bền vững, cần xóa bỏ sự mất cân bằng nói trên. Cần có chính sách khuyến khích thị trường vốn một cách hiệu quả, tập trung phát triển thị trường TPCP, TPDN, và TTCK. Hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao tính minh bạch là một trong các giải pháp. Sự kém minh bạch của nhiều DN trên sàn và sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu lởm khiến niềm tin vào TTCK đi xuống.

M. Hà