Đường sắt chật vật giữ khách và lợi nhuận eo hẹp trong khi hàng không được nhiều người chọn và có doanh thu cao. Vé giá rẻ nở rộ cũng từ việc người dân chuộng loại vận tải này.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến cuối năm 2014, vận tải đường bộ đang chiếm tỷ trọng 61,43% về hàng hóa và 95,75% vận tải hành khách.

Ngành đường sắt vận tải 2% hàng hóa, 1,14% lượng hành khách. Trong khi đó, hàng không chiếm 0,02% vận tải hàng hóa, 2,05% vận tải hành khách. Thị phần còn lại thuộc về hai loại hình vận tải khác gồm đường hàng hải và đường thủy nội địa.

Đường sắt bị "giết" vì tụt hậu?

Xét trên 2 phân ngành có tỷ trọng vận tải hiện tương đương là hàng không và đường sắt, sự chuyển dịch trong hơn một thập kỷ qua ngày càng rõ nét. Nếu như đến năm 2001, vận tải hàng không mới chỉ chiếm 0,5% lượng hành khách thì đến năm 2010, con số đã là 1%, và tiếp tục tăng mạnh.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành luôn ở mức gần 15%. Trong khi đó, thị phần vận tải đường sắt teo tóp dần, tốc độ tăng trước năm 2010 chỉ còn 1%, và đến nay còn thụt lùi hơn nữa.

{keywords} 

Hiện tại, giá vé tàu Bắc Nam trung bình ở mức 1,1-1,2 triệu đồng, thời gian di chuyển khoảng 29 tiếng. Trong khi giá vé tương đương với hàng không (giá vé của các hãng bay giá rẻ cho chặng một chiều Hà Nội - TP HCM chỉ là hơn 1 triệu đồng, đã gồm thuế phí), thì thời gian bay và làm thủ tục tối đa chỉ mất hơn 4 tiếng. Chưa kể, trong nhiều thời điểm, các hãng còn tung vé giá rẻ để thu hút khách hàng với mức chỉ vài nghìn, vài chục nghìn một vé.

Một chuyên gia kinh tế cho biết, "đến nông dân cũng còn đi được máy bay". Vị này dẫn chứng, cách đây khoảng chục năm, với đa số người dân, máy bay là thứ gì đó xa xỉ, sang trọng. Tuy nhiên, khi các hãng thi nhau mọc lên, vé giá rẻ tung ra nhiều đến mức nông dân, học sinh, sinh viên cũng đủ điều kiện để đi máy bay và như vậy khách hàng sẽ có sự đánh giá giữa các loại hình vận tải.

Đánh giá về sự "vượt mặt" của hàng không trước ngành đường sắt, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, vấn đề lớn nhất của ngành đường sắt là quá lạc hậu, nếu so với vận tải đường bộ và nhất là với hàng không.

Theo ông Hiển, trước đây, khách hàng sử dụng đường sắt đông vì có một bộ phần thương nhân, thương lái mang hàng trực tiếp từ nơi này đến nơi khác. Khi đó, di chuyển bằng đường sắt tiện lợi hơn, với chi phí rẻ hơn rất nhiều lần, dù tốn nhiều thời gian hơn.

Nhưng giờ đây, do chênh lệch giữa đường sắt và hàng không không còn quá lớn nhờ sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ, hạ tầng của các hãng bay cũng đồng bộ hơn, khiến lượng khách hàng dịch chuyển nhanh chóng.

"Đường sắt chậm đầu tư, trong khi đường bộ, và đặc biệt là hàng không được đầu tư rất mạnh, từ các công ty tới cả hệ thống kết cấu hạ tầng, cảng hàng không, ga hành khách... Dịch vụ đường sắt cũng quá yếu, chỉ đưa khách đến ga, thiếu kết nối với các hình thức vận tải khác, trong khi dịch vụ ngành hàng không đã đặt ra mục tiêu đạt tiêu chuẩn thế giới", ông Hiển đánh giá.

{keywords}

Giá vé ngày càng rẻ, hệ thống dịch vụ đồng bộ, đạt tiêu chuẩn thế giới giúp ngành hàng không thu hút lượng lớn khách trong hơn một thập kỷ qua.

Chỉ mất 10 năm để máy bay 'giết' tàu hỏa?

Theo báo cáo kết quả kinh doanh cuối năm,tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines là 70.000 tỷ đồng, tăng 129% so với kế hoạch. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 1.400 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận công ty mẹ tăng 44% so với kế hoạch, đạt khoảng 260 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu thuần 9 tháng năm 2015 của Jetstar Pacific đã đạt 3.410 tỷ đồng, vượt cả năm 2014 hơn 200 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng. Trước đó, theo kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2014-2018 của hãng này, lợi nhuận trước thuế năm 2014 mới chỉ là 0,71 tỷ đồng, tăng lên 11 tỷ đồng vào năm 2015 và dự kiến đạt 80 tỷ đồng vào năm 2016.

Là hãng sinh sau đẻ muộn trong ngành, nhưng 6 tháng đầu năm, Vietjet Air đạt doanh thu hơn 5.750 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với cùng kỳ. Không công bố lợi nhuận, nhưng tổng giám đốc của hãng hàng không này khẳng định đơn vị này ước đạt kế hoạch đề ra đầu năm (theo kế hoạch, cả năm 2015, hãng sẽ có doanh thu 666,67 triệu USD và lợi nhuận 50 triệu USD).

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của ngành đường sắt lại khá èo uột dù trước đây, tàu điện, với nhiều người, là phương tiện có phần xa xỉ.

Với lịch sử khai thác lâu đời hơn hẳn hàng không, ngành đường sắt Việt Nam có hơn 130 năm phát triển. Ngoài công ty mẹ là Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR), trong số các đơn vị thành viên do tổng công ty này nắm 100% vốn còn có Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, đơn vị khai thác các tuyến mũi nhọn tại khu vực phía Nam.

Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, năm 2015, tổng công ty này chỉ thu lãi được 65 tỷ đồng và đặt kế hoạch tăng lên được 69 tỷ vào năm 2016. Riêng với Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, lãi năm 2015 chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng, năm 2016 phấn đấu lên 10 tỷ đồng. Kết quả này tụt hậu khá sâu so với năm 2014, khi VNR từng báo lãi tới 180 tỷ đồng, và đặt kế hoạch tăng lãi thêm ít nhất 6 tỷ đồng vào năm tài chính tiếp theo.

Ngay cả khi đường sắt đã tính chuyện chuyển dịch, đổi mới bằng việc đầu tư nhiều hạ tầng mới, phát triển cả loại hình đường sắt nội đô, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bài toán hiệu quả kinh doanh là rất khó giải với ngành này.

"Tỷ suất đầu tư của ngành này quá lớn, nên khó có thể nói tước được hiệu quả kinh doanh. Đây chỉ có thể được coi là một giải pháp đô thị, chứ không thể là bộ mặt cải cách của ngành. Đường sắt ở Việt Nam lẽ ra rất quan trọng, vì nó nối nhiều khu vực vùng sâu, xa, với hệ thống kéo dài 2.000 km suốt dọc đất nước.Tuy nhiên, sự chậm chạp đã khiến ngành này tụt hậu sâu", TS Đinh Thế Hiển nêu ý kiến.

(Theo Zing)