Trong dịp Tết cổ truyền 2016 này rất nhiều người đã chuyển sang mua thực phẩm sạch, đồ quê, đặc sản làm quà Tết.
Nhân viên khiêng cả con lợn rừng… biếu sếp
Thay vì biếu người thân, họ hàng, sếp những chai rượu đắt tiền lên đến cả triệu, thậm chí chục triệu đồng thì năm nay, rất nhiều người đã lựa chọn những món quà quê sạch, ngon hoặc những món đặc sản trứ danh để làm quà.
Ghi nhận của chúng tôi tại Thanh Hoá, nơi được biết đến với món nem chua cổ truyền ngon nức tiếng, tại các cơ sở sản xuất nem, đây là thời điểm đơn hàng từ khắp nơi đặt nem để biếu sếp, đồng nghiệp, người thân ăn Tết về dồn dập.
Trao đổi về điều này, anh Viên (chủ một cơ sở sản xuất nem tại huyện Hậu Lộc – Thanh Hóa) cho biết: “Năm nay lượng khách đặt nem tăng gấp đôi so với năm ngoái, khách chủ yếu đặt 2 loại nem là nem nắm và nem thường. Khách đặt trước nhưng thường nhận nem từ 23 Tết chính vì vậy dịp này gia đình đã huy động thêm người để làm phục vụ nhu cầu thực khách”.
Ngoài nem chua, nhiều loại đặc sản biển như: tôm nõn khô, cá chỉ, cá thu một nắng… cũng được rất nhiều người lựa chọn ở vùng đất này.
Anh Hùng năn nỉ mãi chủ trang trại mới để lại cho 1 con lợn để biếu sếp. |
Tại vựa cam canh thuộc xã Kim Anh (Thanh Oai – Hà Nội) người dân đang tất bật chuẩn bị vụ thu hoạch cam phục vụ Tết. Trao đổi với chúng tôi ông Lê Văn Sử (thôn Tràng Cát) cho hay: “Cam năm nay được mùa và quả rất đẹp, nhiều người dân đã tìm về tận vườn để mua vài chục cân, thậm chí hàng tạ để về ăn cũng như đi biếu người thân, họ hàng”.
Không chỉ thế, tại một chủ trang trại nuôi lợn rừng tại Thạch Thất (Hà Nội) đang đưa ra thị trường hàng trăm con lợn rừng lấy thịt được rất nhiều người dân quan tâm. Theo đó, với phương pháp chăn thả và thức ăn chủ yếu là rau cỏ, cám tự nhiên nên chất lượng lợn được đẩy lên cao. Chính vì điều này đã khiến đàn lợn rừng được rất nhiều người săn đón.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hùng – nhân viên ngân hàng cho biết: “Nhìn đàn lợn này thấy thích quá, mỗi con chỉ khoảng gần 20kg, thịt chắc và đạt chuẩn nên tôi đã lặn lội từ Hà Nội lên đây để đặt mua. Thế nhưng oái oăm thay là chủ trang trại nói đã có người đặt hết mất rồi, tuy nhiên khi tôi nói khó thì ông chủ mới nhường cho tôi 1 con có trọng lượng 18kg”.
Anh Hùng cũng cho biết: “Đáng nhẽ mình mua 2 con, 1 để biếu sếp còn 1 để gia đình thưởng thức nhưng giờ chỉ mua được 1 con thì đành chở đến nhà sếp để biếu thôi chứ biết làm sao”.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh Đặng Văn Thìn cho hay: “Giờ tâm lý chung là chán mua quà Tết biếu sếp rượu ngoại, bánh kẹo đắt tiền rồi. Mà mấy thứ đó biếu nhiều quá, ai cũng biếu thì dùng đâu có hết. Thế nên cách đây 10 ngày sếp tôi nói thẳng là đừng có mua mấy thứ đó nữa, thay vào đó hãy mua mấy đồ đặc sản ở quê vì theo sếp quan niệm thì đồ quê vừa ngon, vừa sạch lại vừa rẻ mỗi tội hơi mất công chút thôi”.
Rau – củ - quả cũng nằm trong giỏ quà Tết
Nếu như những giỏ quà sang chảnh nằm trang trọng trong siêu thị, trung tâm thương mại luôn có giá đắt tiền nhưng nhiều khi xong Tết cũng chẳng dùng hết, thậm chí nhiều nhà để từ năm nay sang năm khác. Lại có nhiều gia đình khi được biếu những giỏ quà ấy lại len lén cho bớt hàng xóm, họ hàng để “giải quyết” cho xong.
Thế nên khi quà quê, đặc sản đang dần trở thành món quà Tết hữu dụng và đáng mua nhất thì rau – củ - quả cũng trở thành món quà vừa bình dân, rẻ lại nhận được sự đón nhận của đông đảo người dân.
Ghi nhận của chúng tôi tại Hà Nội cũng như TP. HCM thì từ Tết năm ngoái đã có nhiều đơn vị triển khai loại hình giỏ quà Tết rau – củ - quả độc đáo này.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hương – nhân viên một chuỗi cửa hàng cung cấp rau sạch tại Hà Nội cho biết: “Năm 2015 chúng tôi đã đưa ra thị trường giỏ quà Tết rau củ với 9 loại giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng và cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Năm nay chúng tôi tiếp tục triển khai với mẫu mã đa dạng, phong phú và đẹp mắt hơn nhưng giá cũng chỉ khoảng dưới 500 ngàn đồng/giỏ”.
Chị Hương cho rằng, các loại rau, củ, quả nằm trong giỏ quà đều là thực phẩm sạch, tươi, ngon, thậm chí nhiều giỏ quà cũng đưa các loại rau củ từ rừng về hoặc nhập từ Đà Lạt ra.
Không chỉ có giỏ quà Tết rau, củ, quả mà nhiều món đặc sản khác cũng được người dân quan tâm trong dịp này. Chị Minh Hằng trú tại Hoa Bằng (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Nhà mình quê ở Lạng Sơn nhưng lấy chồng ở Hà Nội nên đợt vừa rồi mình về quê đã mua rất nhiều loại đặc sản như: Măng rừng, rau rừng, lạp xưởng, thịt trâu gác bếp, thịt lợn rừng hun khói… để biếu họ hàng nhà chồng dịp Tết thay vì mua bánh kẹo, hoa quả như năm ngoái”.
Chị Hằng cũng bật mí, nhờ những giỏ quà quê như vậy mà chị rất được lòng bố mẹ chồng. "Bố mẹ chồng mình quan niệm rằng giờ cứ đặc sản, quà quê, đồ tươi sạch là quý chứ mấy đồ mua trong siêu thị quá bình thường rồi. Không chỉ bố mẹ mình, họ hàng, người thân, đồng nghiệp ai cũng tấm tắc với những món vừa ngon, vừa sạch mình đem tặng", chị Hằng vui vẻ chia sẻ.
Chưa khi nào vấn đề thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch lại là mối quan tâm hàng đầu trong bữa ăn của mỗi gia đình, đặc biệt dịp Tết cổ truyền thì mối lo an toàn thực phẩm lại được đẩy lên cao. Thực phẩm sạch, đặc sản sạch tại Hà Nội không thiếu nhưng không phải ai cũng biết cách mua, biết cách phân biệt, chính điều này đã giấy lên phong trào nhà nhà “săn” thực phẩm sạch, người người “săn” thực phẩm sạch cho ngày Tết…
Theo Afamily